Đại gia tài chính Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Panama”?

Trần Giang Thứ ba, ngày 10/05/2016 12:19 PM (GMT+7)
"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Riêng tại Việt Nam, dữ liệu của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cho thấy có 19 công ty vỏ bọc được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam trong vòng 40 năm qua.
Bình luận 0

img

Cơ sở dữ liệu của ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ "Hồ sơ Panama" và "Offshore Leaks".

Một số cái tên và địa chỉ công ty quen thuộc gợi cho người ta nhớ tới một số đại gia trong giới tài chính Việt Nam…

Ông Nguyen Duy Hung xuất hiện trong Hồ sơ Panama có liên quan đến Công ty NDH làm giới tài chính liên hệ tới cái tên nổi tiếng Nguyễn Duy Hưng (?).

Trên thị trường tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng là người được thị trường biết đến là một nhà đầu tư có uy tín trên thị trường, thường có những phát biểu có tác động nhất định đến giới đầu tư chứng khoán.

Ông Hưng sinh ngày 10.9.1962, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI); Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam.

Ông Hưng hiện đang nắm giữ 1.789.400 cổ phiếu SSI và 746.000 cổ phiếu PAN.  Tổng giá trị hai cổ phiếu trên tính đến thời điểm hiện tại là 65,6 tỷ đồng. Mặc dù chỉ sở hữu 1,789.400 cổ phiếu SSI dưới danh nghĩa cá nhân nhưng Công ty TNHH NDH Việt Nam, một công ty riêng của ông đang sở hữu 48,1 triệu cổ phiếu SSI trị giá 1.084 tỷ đồng, 11 triệu cổ phiếu PAN trị giá 336 tỷ đồng và 1,74 triệu cổ phiếu ELC trị giá 45 tỷ đồng. Tổng tài sản của ông Hưng tính đến hết ngày 22.12.2015 là 1.505 tỷ đồng.

Một cái tên khá quen thuộc khác trong giới tài chính được nhắc đến trong “Hồ sơ Panama” là bà Dam Bich Thuy và công ty có liên quan là ANZ/V-Trac International Leasing Company (41 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Cái tên này cũng khiến người ta liên tưởng tới bà Đàm Bích Thủy, một CEO ngân hàng nổi tiếng và có thương hiệu gắn liền với ANZ. Bà Thủy đến với ngành ngân hàng một cách ngẫu nhiên. Sau khi tốt nghiệp Wharton Business School (Mỹ), bà Thủy đã đầu quân cho ANZ tại Singapore và gắn bó hơn 18 năm.

Bất ngờ vào một ngày đầu năm 2013, bà Thủy lại xuất hiện ở VIB với tư cách là Tổng giám đốc. Nhưng chỉ ngồi ghế nóng được 4 tháng, bà Thủy đã chia tay VIB. Đến ngày 1.10.2014, bà Thủy lại xuất hiện với vai trò là người điều hành văn phòng đại diện tại Việt Nam của Ngân hàng Quốc gia Úc (National Australia Bank, NAB) tại Hà Nội.

Chia sẻ với Zing.vn, bà Đàm Bích Thủy cho rằng, bà không có gì băn khoăn khi thông tin này công bố. Sở dĩ bà có tên trong danh sách vì là CEO của Ngân hàng ANZ và cũng là lãnh đạo của ANZ/V-Trac International Leasing Company, một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng này.

Cũng theo bà Thủy, việc sử dụng công ty nước ngoài không phải là hành vi phạm tội. "Nó tùy thuộc vào hiệu quả kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp, cơ chế hoạt động phụ thuộc vào cấu trúc khi thành lập công ty nữa. Còn tài liệu Panama thông tin có tổ chức, cá nhân lập công ty ở nước ngoài với mục đích rửa tiền hay làm gì đó tôi không bàn, vì tôi cũng không rõ lắm".

Panama là một quốc gia tại Châu Mỹ. Quốc gia này đang nổi lên như là một thiên đường trốn thuế lớn của thế giới khi được nhiều nguyên thủ quốc gia và người nổi tiếng chọn làm nơi gửi gắm tài sản.

Hành trình trở thành thiên đường trốn thuế của Panama bắt đầu vào thập niên 1980 khi chính quyền của nhà độc tài quân sự Manuel Noriega quyết định bật đèn xanh cho các dịch vụ trốn thuế ở quốc gia này.

Luật lệ và chính sách ưu đãi của Panama đã khiến nước này trở thành một trong những thiên đường thuế được ưa chuộng nhất trên thế giới. Các công ty nước ngoài thành lập ở đây nhưng có hoạt động kinh doanh ở nước khác sẽ được miễn mọi loại thuế doanh nghiệp.

Tính bảo mật cao cũng là một điểm hấp dẫn nữa của Panama. Tên của các cổ đông của công ty nước ngoài thành lập ở đây sẽ không phải công khai. Các ngân hàng Panama bị cấm chia sẻ thông tin về các tài khoản nước ngoài hoặc chủ tài khoản. Panama cũng không ký kết các hiệp định thuế và trao đổi thông tin với các nước khác, giúp củng cố tính bảo mật của các khách hàng gửi tiền hoặc thành lập công ty ở đây.

Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và một số có mục đích hợp pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem