Không nản khi lần đầu thất bại
Xuân “vịt” là biệt danh nhiều người dân trong xã đặt cho anh Bùi Đức Xuân ở thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên (Yên Bái). Gia đình anh Xuân đang sở hữu mô hình sản xuất vịt giống lớn nhất địa phương. Anh Xuân kể, anh sinh ra ở Tuyên Quang. Trưởng thành, anh đi làm thuê, buôn bán khắp nơi để kiếm sống và bén duyên với người vợ ở xã Yên Thắng, huyện Lục Yên.
Anh Xuân trong trang trại vịt bầu ta. Ảnh: T.H
Lập gia đình và ra ở riêng với hai bàn tay trắng, không cam chịu đói nghèo, vợ chồng anh Xuân cật lực lao động. Mùa thóc buôn thóc, mùa cam buôn cam, rồi buôn cả đồng nát, sắt vụn… Nhờ chắt chiu, vợ chồng cũng tích lũy được ít vốn mua đất dựng căn nhà tạm để ở. Nhưng rồi họ nhận thấy việc buôn bán ngược xuôi rất vất vả mà cũng phụ thuộc rất nhiều vào tuổi tác, sức khỏe, không thể làm suốt đời.
Qua tham quan học hỏi nhiều nơi, nhận thấy mô hình sản xuất vịt thịt, vịt giống cho thu nhập cao, anh Xuân bèn mua lại cánh đồng sình lầy đầy lau sậy ngay trước nhà rồi cải tạo thành một trang trại 2ha bao gồm ao, chuồng… “Có ao, đầm là cái thuận đầu tiên, cái thuận thứ 2 là ở đây có sẵn giống vịt bầu địa phương chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng…”- anh Xuân nhớ lại.
Ngay lứa đầu tiên năm 2010, anh Xuân đã nuôi trên 1.000 con vịt bầu, đầu tư thêm hệ thống lò ấp trứng và bán vịt giống. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, đàn vịt hàng nghìn con đang đẻ trứng bỗng dưng chết hàng loạt, cuối cùng vợ chồng anh trắng tay và thua lỗ gần 1 tỷ đồng.
Đại gia vịt bầu
"Với chăn nuôi, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh như phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi chuồng trại; tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ đã mang về 2/3 lợi nhuận...”
Anh Bùi Đức Xuân
|
Thất bại, thua lỗ nặng ngay lứa vịt đầu tiên, vợ chồng anh Xuân cũng buồn một thời gian nhưng không nản chí. Anh Xuân quyết tâm đầu tư tái đàn.
Trước hết, anh nắm lại kiến thức, kinh nghiệm đã học hỏi về nghề nuôi vịt, sau đó áp dụng triệt để kỹ thuật phòng chống dịch bệnh.
“Kết quả, lứa vịt thứ 2 phát triển tốt, đẻ trứng nhiều, lò ấp hoạt động hết công suất. Vịt con nở ra bao nhiêu có người đến tận nơi thu mua...” - anh Xuân cho hay.
Với số lượng hàng nghìn con vịt đẻ, mỗi tháng trang trại của anh Xuân cho ra lò khoảng 10.000 con vịt giống. Đầu ra ổn định, được giá, anh Xuân không những nhanh chóng thu lại gốc mà kinh tế gia đình “phất” lên trông thấy. Từ năm 2010 đến nay, trừ năm đầu tiên thua lỗ, còn lại mỗi năm anh thu lãi 200-300 triệu đồng từ mô hình nuôi vịt đẻ, bán vịt giống.
Anh Xuân tâm sự: “Xác định làm kinh tế là không ngại thua lỗ và không được nản chí. Tuy nhiên trước khi làm phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức kỹ lưỡng. Quan trọng nhất vẫn là kinh nghiệm mình tích lũy được trong quá trình chăn nuôi. Muốn thành công phải có kinh nghiệm và áp dụng được kiến thức kỹ thuật vào thực tế”.
Bà Nguyễn Thị Thu ở xã Yên Thắng bày tỏ: “Người dân chúng tôi rất khâm phục tài làm kinh tế giỏi của vợ chồng anh Xuân. Gia đình anh sống rất tình nghĩa, sẵn sàng giúp các hộ khó khăn về con giống, tư vấn kỹ thuật để mọi người cũng thành công...”.
Nhằm góp phần xây dựng và nhân rộng các điển hình nông dân thời hội nhập có tư duy mới, nhận thức mới, kiến thức mới, quyết tâm mới và có đời sống văn hóa mới, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân kiểu mới” vào số thứ 3 hàng tuần.
Chuyên mục ra đời nhằm tuyên truyền, phổ biến những gương nông dân mạnh dạn, sáng tạo trong lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để cho ra sản phẩm đạt số lượng, chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường... Bài viết bài cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: hoivatamnong@gmail.com.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.