Lờ người đứng đầuSai phạm tài chính xảy ra ở khoa ĐH Tại chức (ĐH Bách khoa, Hà Nội) đã được Cục CSĐT tội phạm về Kinh tế và chức vụ (C46 – Bộ Công an) vào cuộc xác minh và kết luận. Theo đó, khoản thu chi của khoa ĐH Tại chức không báo cáo để quyết toán với tổng số tiền hơn 14,2 tỷ đồng, trong số này khoa trích ra 1,1 tỷ gửi tiết kiệm, còn lại chi cho các cán bộ trong khoa.
Giảng đường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo quy chế về công tác quản lý tài chính của Bộ Tài chính và Bộ GDĐT hướng dẫn quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập thì các khoa, phòng, trung tâm trong trường không phải là đơn vị dự toán, toàn bộ số thu, chi học phí quản lý qua phòng Kế toán Tài vụ nhà trường. Như vậy khoa ĐH Tại chức là đơn vị hạch toán phụ thuộc, nhưng trên thực tế hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa lại có bản quy định tạm thời mức phân bố kinh phí thu được của hệ đào tạo ĐH tại chức ở tại trường và các trạm ngoài trường và ủy quyền cho trưởng khoa điều hành.
Theo các văn bản do hiệu trưởng ban hành thì khoa được trực tiếp thu và nộp về trường theo các tỷ lệ cao nhất là 80%, thấp nhất là 25%, tổng kinh phí thu được tương ứng với các hệ đào tạo. Trên cơ sở văn bản của hiệu trưởng, khoa ĐH Tại chức đã tự ý giữ lại, lập sổ sách theo dõi riêng từng bộ phận của khoa, rồi chia nhau khoản tiền thu được. Trong Công văn số 38 ngày 11.1.2012, C46 khẳng định việc thu số tiền hơn 14,2 tỷ đồng chia nhau là vi phạm pháp luật. Trách nhiệm thuộc về Trưởng khoa là ông Phạm Văn Thể, Phó khoa phụ trách Giáo vụ là ông Lưu Văn Tuấn, bà Nguyễn Thị Kim Quy – Phó phòng Quản lý sinh viên, bà Lê Thu Mai – Phó phòng Giáo vụ, bà Nguyễn Minh Dung – cán bộ kế toán khoa, bà Nguyễn Thị Kiểm – thủ quỹ khoa.
Chỉ xử lý hành chínhTheo C46, để khắc phục sai phạm ở khoa ĐH Tại chức, Trường ĐH Bách khoa đã họp hội nghị liên tịch gồm Hiệu trưởng, bí thư Đảng ủy, chủ tịch công đoàn và thống nhất thu hồi của khoa ĐH Tại chức 25% (3,5 tỷ đồng) từ phần thu nhập bất hợp lý 14,2 tỷ đồng. C46 đưa ra lý do, ĐH Bách khoa Hà Nội là trường ĐH lớn, có nhiều thành tích và uy tín trong sự nghiệp giáo dục; sai phạm của ông Phạm Văn Thể và khoa ĐH Tại chức là do thiếu hiểu biết về quản lý kinh tế dẫn đến tùy tiện trong quản lý thu chi, do thấy không cần thiết phải xử lý hình sự đối với sai phạm của ông Thể và các cá nhân liên quan. C46 chỉ đề nghị trường phải có hình thức xử lý hành chính nghiêm khắc.
Trên cơ sở đề xuất của C46, Trường ĐH Bách khoa đã họp hội đồng kỷ luật và ra các quyết định kỷ luật các cá nhân sai phạm tại khoa ĐH Tại chức. Theo các quyết định, người chịu mức xử lý hành chính nặng nhất là ông Phạm Văn Thể bị cảnh cáo. Các cá nhân còn lại chỉ bị nghiêm khắc phê bình và phê bình.
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Theo kết luận của C46, việc làm sai phạm của những cá nhân tại khoa ĐH Tại chức là thuộc hành vi lập quỹ trái phép theo Điều 166 Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập quỹ trái phép có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên là bị truy tố. Việc nhà trường giải quyết bằng cách thu lại 25% tương ứng hơn 3,5 tỷ là không có căn cứ, đã thu là phải thu hết số tiền hơn 14,2 tỷ đồng.
Lương Kết (Lương Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.