Đại hội Đảng XIII và những trăn trở suy tư về mấy chữ "công bộc của dân": Ném chuột không ngại vỡ bình

Nguyễn Quang Vinh Thứ năm, ngày 21/01/2021 14:00 PM (GMT+7)
"Quyền lực rất dễ bị tha hóa" - đó là cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên khi có quyền lực đều phải nhận thức rằng, có quyền mà thiếu lương tâm không chỉ cá nhân là hủ bại mà còn ảnh hưởng đến đến uy tín của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Bình luận 0
Đại hội Đảng XIII và chuyện về những công bộc của dân (bài cuối): "Ném chuột không ngại vỡ bình" - Ảnh 1.

"Quyền lực rất dễ bị tha hóa" - Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo. Ảnh: Internet

Kỷ luật nghiêm để làm trong sạch đội ngũ

Tiếp theo bài trước, chúng tôi đã nói về việc có những "công bộc của dân" lại thích làm "ông chủ" hơn là "đầy tớ của nhân dân", muốn ban ơn hơn là phục vụ nhân dân. Tiếp mạch chủ đề này, đại tá Nguyễn Quang Vinh chia sẻ thêm những trăn trở của mình.

"Có cán bộ hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, độc hành độc đoán, "dĩ công dinh tư", dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và Đảng". Day dứt với phẩm chất của người cán bộ cách mạng, chỉ trong vòng một tháng Bác đã viết đến 25 bài báo về đề tài này, trong đó Bác đã chỉ ra những căn bệnh của Đảng cầm quyền và đề nghị phải lấy "chí công vô tư" để lập tức sửa đổi.

Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của đất nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đời sống tinh thần và vật chất của mỗi người dân là điều không thể phủ nhận, niềm tự hào "tôi là người Việt Nam" được lan tỏa từ những thành tựu xuất sắc của Việt Nam trên trường quốc tế - có được điều đó càng không thể phủ nhận vai trò của những cá nhân một lòng tận tâm với nước với dân.

Thế nhưng cũng chính trong thời điểm phát triển thần tốc của đất nước, người ta lại thấy "phát lộ" hàng loạt cán bộ có chức có quyền bị tha hóa về phẩm chất đạo đức, khát thèm vật chất, dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt quyền lực phục vụ mưu đồ cá nhân… Những điều đó đã làm tổn hại ghê gớm đến uy tín của Đảng, Nhà nước và những cán bộ chân chính.

Những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được người dân đặc biệt chú ý khi xướng tên những tập thể hay cá nhân lãnh đạo cao cấp của bộ, ngành, địa phương đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng; tham ô, tham nhũng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực... Tất cả những biểu hiện đó đều phải được gọi tên một cách sòng phẳng - sự tha hóa của cán bộ, đảng viên.

Đã có lúc, có nơi, chuyện "chạy chức chạy quyền" diễn ra một cách công khai không chỉ trong câu chuyện của người bước vào "cuộc đua" mà còn của rất nhiều "ong, ve" bên ngoài. Người ta làm giá cho chiếc ghế nào, vị trí nào, địa bàn nào và đơn vị tiền để mua chức vụ không phải là phong bì mà là cặp, là balô đựng USD hay cổ phiếu, quyền sở hữu nhà đất.

Một khi con người ta tham vọng chức quyền bao nhiêu thì càng tìm mọi cách để kiếm tiền bấy nhiêu bởi "kẻ thắng trận" phải thu hồi "vốn đã đầu tư"; "kẻ thua trận" phải gom tiền trả nợ nên công vụ lúc này trở thành "sân bãi" để kiếm tiền. Việc tư cần tiền việc công cũng cần tiền; căm ghét cũng phải chi tiền để xong việc mà yêu thương cũng phải chi tiền để chiêu đãi và cảm ơn…

Và cũng thật may thay, đúng vào thời điểm khó khăn nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem như "vị cứu tinh" của đất nước. Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, với thái độ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, ông đã thực sự làm nhiều quan chức tha hóa phải run sợ, lo lắng khi không biết lúc nào trở thành củi trong "công cuộc đốt lò" của Tổng Bí thư.

Những sai phạm dù trong quá khứ của các Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải buộc phải xử lý kỷ luật được Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố công khai; những hành vi phạm pháp của các ông nguyên Ủy viên Bộ Chính trị hay Ủy viên Trung ương Đảng như ông Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Đức Chung… đều được cơ quan điều tra công bố chứng cứ cụ thể, rõ ràng và được xét xử nghiêm minh càng làm cho người dân tin tưởng thái độ công tâm, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm.

Hàng loạt cán bộ cao cấp bị xử lý; hàng loạt tập đoàn, tổng công ty làm hại bị giải tán hoặc cơ cấu lại; thiên tai, dịch bệnh kéo dài…vậy mà kinh tế đất nước vẫn phát triển trong top đầu của Châu Á và Đông Nam Á, Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

"Ném chuột không ngại vỡ bình". Kỷ luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ; thải loại độc tố để Đảng vững mạnh; xây dựng lại để đất nước phát triển…" - đó là những tư tưởng đã khẳng định sự đúng đắn, sáng suốt qua thực tế nhiệm kỳ XII của Đảng.

Đại hội Đảng XIII và chuyện về những công bộc của dân (bài cuối): "Ném chuột không ngại vỡ bình" - Ảnh 2.

Để làm người công bộc đúng nghĩa như Bác Hồ đã nói là con người đó phải liêm chính, dũng cảm (ảnh minh họa). (Nguồn: Internet)

Điểm mặt chỉ tên, xử lý thích đáng

Phát biểu tại một hội nghị về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại những bài học kinh nghiệm từ lịch sử dân tộc: "Sở dĩ triều Hậu Trần suy vong là do các vua quan hậu Trần không thực hiện đúng chính sách "thân dân", làm kế "sâu rễ bền gốc"; họ chỉ lo cuộc sống xa hoa, quyền lợi ích kỷ của mình, bỏ mặc dân khốn khổ, "muôn dân oán giận mà không biết, lòng người oán trách mà chẳng kinh".

Từ câu chuyện trong quá khứ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng…

Để củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng và với chế độ, không còn lựa chọn nào khác là phải "điểm mặt chỉ tên" và phải xử lý thích đáng những kẻ lợi dụng chức quyền để đục khoét, vơ vét của cải của Nhà nước, của tập thể như những con sâu mọt tệ hại của xã hội. Đấu tranh với những kẻ xấu, những hành vi xấu phải trở thành "những việc cần làm ngay" của mỗi tổ chức Đảng, của mỗi cơ quan nhà nước và mỗi tổ chức xã hội.

Bên cạnh việc đấu tranh, xử lý thì các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực và kiểm soát về kinh tế. 

Quyền lực phải được giám sát, hạn chế bằng sự ủy quyền của nhân dân theo nhiệm kỳ; sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước; vai trò giám sát của báo chí, truyền thông xã hội và cuối cùng là vai trò giám sát của quần chúng bởi "Quyền" và "Lợi" luôn là con dao hai lưỡi, nó có thể biến một người từ chưa xấu trở thành xấu, người trung chính trở thành kẻ tội đồ, người anh hùng trở thành tội phạm…

Thực tế trong tư tưởng mỗi chúng ta thường hay vị nể những người có cương vị cao trong các cơ quan, đoàn thể - điều đó đúng bởi hầu hết họ là những người tài năng hơn, đức độ hơn và cống hiến nhiều hơn. Thế nhưng khi những người "có cương vị" vi phạm pháp luật, vi phạm nguyên tắc Đảng, nguyên tắc tổ chức hay có khi chỉ là vi phạm đạo đức thì cần phải sòng phẳng như mọi người khác. Bao che hay im lặng trước hành vi sai trái, con người sai trái thì chính trái tim chúng ta mới không thể bình yên, chính chúng ta sẽ phải hối hận với nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Đặt lợi ích công lên hàng đầu

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, "đặt lợi ích công lên hàng đầu" hiểu một cách đơn giản nhất, ví dụ như trong hoạt động đấu thầu, chấm thầu mà vợ con cán bộ cũng tham gia đấu thầu thì có hai cách: Một là vợ con cán bộ không được tham gia, hai là cán bộ đó phải rút ra khỏi quá trình chấm thầu và tuyển chọn thầu.

Vậy mà cũng không dễ để thực hiện. Tôi đã biết nhiều nhân vật có quá khứ học tập chẳng liên quan gì đến kinh tế "bỗng dưng" có một ngày trở thành những doanh nhân toàn bàn chuyện dự án chục, trăm hay ngàn tỷ đồng. Hóa ra họ có ông bố, bà mẹ, ông anh, bà chị "bỗng dưng" được bổ nhiệm lên chức vụ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp bộ, ngành. Như thế liệu có thể đặt lòng tin vào sự công tâm trong những sự vụ kinh tế mà họ có quyền điều hành, định đoạt hay không?

Tôi không nghĩ "công bộc" phải hy sinh lợi ích của bản thân và gia đình, thế nhưng phải công tâm, công bằng giữa gia đình, người thân với công chúng, đặc biệt là phải biết đặt lợi ích của địa phương, đất nước lên hàng đầu. Có như vậy anh mới lấy được lòng tin của công chúng mà anh đang làm người lãnh đạo, quản lý.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế để kiểm soát quyền lực và những cơ chế đó cũng đang phát huy tác dụng nhưng "lòng dân vẫn chưa yên" bởi vẫn còn đó những vị quan chức đang sở hữu những khối tài sản kếch sù mà chưa bị sờ đến, đang có lối sống vương giả xa hoa mà chưa bị lộ mặt… Điều tiên quyết (theo tôi cũng là điều quan trọng nhất) để làm người công bộc đúng nghĩa như Bác Hồ đã nói là con người đó phải liêm chính, dũng cảm.

Cho đến nay, Đại hội Đảng của tất cả các cấp từ hàng vạn chi bộ cho đến 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương đều đã hoàn thành và bầu ra những đại diện tiêu biểu của mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đánh giá cao công tác chuẩn bị văn kiện và tuyển chọn nhân sự nên hầu hết cán bộ được lựa chọn đã đạt được kỳ vọng của đảng viên và nhân dân.

Vâng, thưa Tổng Bí thư, hàng triệu đảng viên và nhân dân lại tiếp tục đặt kỳ vọng vào những cán bộ ưu tú nhất trong những người ưu tú của Đảng vừa có tầm về trí tuệ, vừa có tâm trong sáng sẽ được lựa chọn vào Ban Chấp hành Trung ương. Những cán bộ trong sạch, tử tế, dám làm dám chịu trách nhiệm và dám từ chức một khi thấy mình không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và không đủ tín nhiệm với nhân dân.

Đảng viên và nhân dân đều cần lắm những người lãnh đạo biết vì dân vì nước, là người cán bộ có đạo đức cách mạng như lời Bác Hồ dạy "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí; làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tăng gia sản xuất; thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem