Đại lộ ước mơ

Thứ sáu, ngày 30/04/2010 22:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đại lộ Đông Tây không chỉ là công trình giao thông lớn và hiện đại nhất của TP Hồ Chí Minh mà còn là đại lộ của những niềm ước mơ vươn xa...
Bình luận 0
img
Đại lộ Đông Tây được đề nghị mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Những ký ức còn lại

Chỉ mới vài năm trước đây thôi, dọc hai bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé người ta vẫn còn thấy những căn nhà ổ chuột của đa phần là người dân lao động sinh sống. Con kênh đen, hôi thối này đã phải gánh chịu tất cả những gì thải ra từ cuộc sống hàng ngày.

Không ai có thể hình dung được thành phố đã làm như thế nào để có thể di dời được gần 7.000 hộ dân khu ổ chuột này đến khu tái định cư mới, nhường đường cho Đại lộ Đông Tây đi qua. Những tên đường mà Đại lộ Đông Tây đi qua đã trở thành đặc trưng của đất Sài thành một thời như Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu chạy dọc từ quận 1 cho đến quận 6.

Đại lộ tổng chiều dài 21,8km, kinh phí đầu tư hơn 660 triệu USD, điểm đầu là nút giao với Quốc lộ 1A (thuộc huyện Bình Chánh) và điểm cuối nối với xa lộ Hà Nội (thuộc quận 2). Đại lộ Đông Tây đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, trong đó có 1,49km hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Bà Lê Hồng Cúc – người đã gần 50 năm sống bằng nghề bán nước ven đường Bến Chương Dương, trầm ngâm bảo rằng Đại lộ Đông Tây hình thành, cánh hàng rong như bà không “có đất” để sống nhưng bà lại rất vui vì hàng đêm con đường này giờ đèn điện sáng choang, băng qua đường là đến kênh Bến Nghé được kè đá hai bên trông rất sạch đẹp để hóng mát và cảm thấy an tâm nhiều hơn trước.

Nếu ai đó bảo rằng, bên kia bờ kênh Tàu Hủ phía quận 8, chỗ xóm cây Sung thuộc phường 14 nổi tiếng về nạn hút chích và mua bán trái phép chất ma túy bậc nhất Sài Gòn, còn bờ kênh phía bên này kéo dài từ quận 5 đến quận 6, số lượng người làm nghề bốc xếp cũng đông như vậy, chẳng nói ngoa chút nào.

Cạnh cây cầu chữ U vắt ngang dòng kênh Tàu Hủ - giờ chỉ còn sót lại một quán nhậu bia hơi ven đường của anh Trần Công Phụng. Anh nói rằng đến giờ vẫn chưa quên câu chuyện về thằng bé N.V.T đen nhẻm cùng xóm vừa khóc vừa chạy, rồi nhảy ùm xuống dòng kênh Tàu Hủ thối hoắc suýt chết chỉ vì cái tội không chịu mua thêm mấy xị đế về “cho cha nhậu”.

Khu vực này có gần 500 phận người phu khuân vác thì cũng gần chừng ấy quán nhậu đại bình dân kiểu rượu đế, ốc bươu nhằm phục vụ cho cánh bốc xếp. “Nhiều người sáng thì bốc xếp, chiều lai rai, tối phê chút đỉnh nên cuộc sống ở đây một thời rất phức tạp. Vậy mà giờ đây mọi sự đã khác hoàn toàn” - anh Trần Công Phụng kể.

Nhiều thế hệ học trò trưởng thành nơi khu ổ chuột này khó có thể quên được địa danh trở thành bất hủ trong lòng người dân quận 6. Đó là bến đò bà Hai, nơi người phụ nữ tốt bụng tình nguyện ngày ngày chèo đò đưa đón học sinh đến lớp từ quận 6 sang quận 8. Giờ đây bến đò bà Hai đã không còn nữa để “nhường đất” cho cây cầu Lò Gốm hoành tráng với 10 làn xe của Đại lộ Đông Tây.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dân thành phố vui mừng vì Đại lộ Đông Tây đến bất ngờ như một giấc mơ, biến những khu phố nghèo trở thành một khuôn mặt mới đẹp đẽ, hoành tráng để minh chứng cho một vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

img
Đại lộ Đông Tây đoạn qua quận 1.

Mừng với những đổi thay

Vài tháng trước, ngày thông xe giai đoạn 1, rất đông người dân thành phố đổ ra Đại lộ để tận mắt chứng kiến con đường mơ ước dù chỉ mới đưa vào sử dụng một phần từ đường Bến Chương Dương (gần bờ sông Sài Gòn, quận 1) đến Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) dài 13,4 km.

Có 7 cây cầu mà Đại lộ ngang qua cũng được đưa vào sử dụng gồm cầu vượt tại nút giao Quốc lộ 1A, cầu Nước Lên, cầu Rạch Cây, cầu Lò Gốm, cầu Chà Và, cầu Chữ Y và cầu Calmette.

Đứng trên cầu Calmette, ông Lê Văn Nam – một người dân sống ở quận 1 – chỉ tay về phía Tây bảo rằng hàng loạt công trình cao ốc mọc lên như nấm sau mưa dọc hai bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, bên cạnh là Đại lộ Đông Tây kết hợp hài hòa tạo nên sự hoành tráng của TP.HCM.

Đại lộ Đông Tây đến bất ngờ như một giấc mơ, biến những khu phố nghèo trở thành một khuôn mặt mới đẹp đẽ, hoành tráng.

Bản thân chiếc cầu Calmette này chỉ vài năm trước trông rất cũ kỹ thì nay như dải lụa mềm tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của Đại lộ này. Còn nếu nhìn về phía Đông, hầm Thủ Thiêm bên cạnh những cao ốc chọc trời thể hiện sự hiện đại của thành phố.

Chiều nào đi làm về, anh Tân Tiến – một người dân ở quận 6 – cũng dành ít phút dừng lại bên bờ kè của dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngắm mọi người thỏa sức câu cá. Khúc kênh phía dưới quận 6 cạnh nhà anh cơ man nào là diều phập phồng bay trước gió. Một hình ảnh mà trước đây chưa bao giờ có.

“Đó là niềm vui bù lại những ngày tháng kẹt xe triền miên và mất rất nhiều thời gian từ nhà đến công sở” - anh Tiến vui mừng nói. Anh bảo rằng, không phải chỉ riêng anh mà rất nhiều người dân chờ đợi con đường này từ lâu vì giúp họ rút ngắn thời gian đi lại.

Những ký ức của dòng thời gian từ một bến đò Thủ Thiêm xưa được đổi thay thành con phà chạy bằng hơi nước rồi chuyển qua chạy dầu mà trong lòng người dân thành phố mãi vẫn chưa quên và bây giờ niềm vui tiếp nối sẽ là những ngày tháng sắp hoàn thành những đốt hầm dìm Thủ Thiêm cuối cùng để thông với Đại lộ Đông Tây.

Bác Trần Văn Hai – một người dân ở xóm Cây Bàng bên kia bờ sông Sài Gòn – bồi hồi: “Nó đã đưa tôi gần 80 năm nay qua lại sông Sài Gòn, còn bây giờ nó sắp hoàn thành sứ mệnh đối với người dân thành phố nhường lại cho sự phát triển của cả một vùng”.

Đó là cảm giác hồi hộp chờ đợi về sự hoàn thành của một con đường ước mơ đã rất gần và cảm giác bồi hồi về một sự chia tay đầy hoài niệm của người dân thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem