Thông tin từ Bộ Quốc Phòng cho biết liên quan đến vụ án Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng), cơ quan Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) đã khởi tố bị can đối với Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Đại tá Phùng Danh Thắm là người đã gắn bó với Tổng Công ty Thái Sơn từ ngày đầu thành lập (1991). Ông Thắm cũng đã có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng công ty Thái Sơn đã nhanh chóng phát triển trở thành một doanh nghiệp lớn của Bộ Quốc phòng, với doanh thu tăng nhanh từ 150 tỷ đồng năm 2004, lên gấp đôi vào năm 2007 và đạt 4.000 tỷ đồng năm 2015, số lượng cán bộ, công nhân viên là 5.000 người.
Dù hoạt động đa ngành, lĩnh vực chủ đạo của Tổng công ty Thái Sơn được xác định là xây dựng, bất động sản hay kinh doanh khu công nghiệp.
Theo giới thiệu tại website, Tổng công ty Thái Sơn là chủ đầu tư các dự án Chung cư Thái Sơn có diện tích 20.000 m2 tại số 20 Cộng Hoà, P.12, Quận Tân Bình, Dự án toà nhà văn phòng Tổng công ty Thái Sơn tại số 3 Đường 3/2 P.11 Quận 10, Dự án biệt thự và chung cư cao cấp Phong Phú Villas rộng 55.000 m2 tại huyện Bình Chánh, Dự án Khu dân cư Phước Kiển Thái Sơn 1 và 2 rộng 40.000 m2 tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Dự án Sunshine Hill Villas có diện tích 7,4ha tại P. Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận,
Trong lĩnh vực khu công nghiệp, Tổng công ty Thái Sơn từ năm 2004 đã liên doanh với Tập đoàn Sojizt của Nhật Bản thực hiện dự án Khu công nghiệp LOTECO ở Đồng Nai. Hơn 10 năm sau, đầu năm 2016, Thái Sơn cùng đối tác Hồng Kông triển khai Dự án Khu công nghiệp và Đô thị Việt Phát rộng 1.833 ha tại Long An.
Ngoài ra, Tổng công ty Thái Sơn còn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, thương mại, dịch vụ...
Đáng chú ý, Tổng công ty Thái Sơn từng góp vốn trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, vào đầu năm 2011, Tổng công ty Thái Sơn đã mua 600.000 cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn của Công ty CP Chứng khoán Đại Nam (DNSE), qua đó sở hữu 8% cổ phần của doanh nghiệp chứng khoán này.
Đại tá Phùng Danh Thắm sau đó được bầu vào HĐQT của Công ty chứng khoán Đại Nam nhiệm kỳ 2010-2014, với chức danh Thành viên độc lập không điều hành. Ông Thắm là người đại diện phần vốn của Tổng công ty Thái Sơn, bản thân ông không có cổ phần tại công ty này.
Đại tá Phùng Danh Thắm giữ vị trí này cho tới cuối nhiệm kỳ (năm 2014). Trong 4 năm làm thành viên HĐQT ở DNSE, ông Phùng Danh Thắm không mấy khi tham dự các cuộc họp HĐQT, như năm 2012 chỉ dự 2/10 lần, năm 2013 là 0/4 lần, năm 2014 là 0/2 lần.
Công ty chứng khoán Đại Nam cho biết do ông Phùng Danh Thắm công tác ở TP.HCM nên không tham dự được đầy đủ các cuộc họp HĐQT tổ chức tại trụ sở chính (Hà Nội). Tuy nhiên, các vấn đề đều được tham khảo ý kiến của ông Phùng Danh Thắm trước khi tiến hành họp.
Giai đoạn đầu ông Phùng Danh Thắm làm lãnh đạo, Công ty chứng khoán Đại Nam hoạt động không mấy khả quan, năm 2011 lỗ 15,7 tỷ đồng, năm 2012 lỗ gần 6 tỷ đồng, các năm sau đó có khá hơn khi lãi 1,1 tỷ đồng năm 2013 và lãi 1,8 tỷ đồng năm 2014.
Công ty chứng khoán Đại Nam được thành lập năm 2007, nhưng là một cái tên khá chìm trong làng chứng khoán Việt Nam. Động thái gần đây, khi Tập đoàn F.I.T tiếp tục tung tiền mua gần 6,8 triệu cổ phần của Chứng khoán Đại Nam từ 9 cổ đông cá nhân. Theo đó, số cổ phần mà Tập đoàn F.I.T mua thêm lên tới 42,39% vốn tại Chứng khoán Đại Nam, nâng tỷ lệ sở hữu lên 48,8%.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty chứng khoán Đại Nam năm 2017 đã thông qua kế hoạch sẽ đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch cổ UPCoM. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện niêm yết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.