Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội

An Linh Thứ năm, ngày 28/11/2024 11:48 AM (GMT+7)
Tiếp tục phiên thảo luận tại Hội trường, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành việc bắt buộc doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có kinh doanh ở Việt Nam thuộc diện nộp thuế.
Bình luận 0

Cần sớm đánh thuế tiền số

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo ngại chưa có quy định tính thuế đối với tiền số dù cho loại tiền này đang được rất nhiều người Việt chơi.

Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Sáng 28/11, tại Hội trường, Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu ý kiến về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), ông đồng tình với dự thảo của Chính phủ khi yêu cầu người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số ở Việt Nam dù chưa đặt cơ sở tại Việt Nam.

Ông Hoà cho rằng, đây là vấn đề mới nhưng nếu chúng ta không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp với đối tượng này thì không chỉ gây thất thu thuế mà còn không công bằng với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong nước có sản phẩm tương đồng.

Tuy nhiên, Đại biểu Hoà lo ngại ngoài những cơ sở có đăng ký thường trú ở Việt Nam thì việc đánh thuế đối với cơ sở không có thường trú ở Việt Nam nhưng lại có kinh doanh ở Việt Nam, thông qua sàn giao dịch điện tử, công ty mẹ và công ty con đều ở nước ngoài thì cách thức đánh thuế thế nào?

“Trong luật không quy định nhưng Chính phủ cần có nghị định hướng dẫn, quy định chi tiết về vấn đề này”, Đại biểu Hoà nói.

Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Liên quan đến đánh thuế đối với tiền số (tiền ảo), Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phân tích: Việt Nam đang là mảnh đất lành cho kinh doanh tiến ố, song chính sách thuế của Việt Nam chưa đầy đủ để quản lý các đối tượng này.

“Kinh doanh đồng tiền số ở Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ. Chúng ta cần phải nghiên cứu, cân nhắc tính toán để có định hướng thu thuế. Việc này rất khó nhưng cần phải làm, phải có thái độ trả lời là đồng ý hay không đồng ý cho kinh doanh tiền số. Nếu không Việt Nam sẽ là nơi trốn thuế của các nhà đầu tư tiền số nước ngoài”, ông Thân khẳng khái nói.

Một vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm là giảm thuế đối với cơ quan báo chí. Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều đại biểu đề nghị giảm thuế đối với đơn vị báo chí để hỗ trợ lĩnh vực này trong bối cảnh bị cạnh tranh quyết liệt bởi mạng xã hội về nguồn thu.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho rằng, hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục, không vì mục tiêu kinh doanh nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập 20% như các doanh nghiệp thông thường.

Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội - Ảnh 3.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh)

Biệt đãi chính sách để hỗ trợ báo chí trong hoàn cảnh mới

Ông Bình nhấn mạnh, mạng xã hội thu hút quảng cáo lớn gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số. Trong khi đó, các tổ chức công ích được hưởng chính sách miễn, giảm thuế nhưng báo chí lại chưa được hưởng chính sách này, "dù có vai trò rất quan trọng trong xã hội".

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng Google, Facebook... khiến nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm, gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động, "không có chính sách đặc thù làm suy yếu khả năng tài chính của các cơ quan báo chí".

Đại biểu đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc có thể thấp hơn đối với phần thu nhập từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện. Đồng thời miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ cho báo chí thực hiện các nhiệm vụ truyền thông chính trị.

Đại biểu cũng đề nghị có cơ chế kê khai thuế đơn giản hoặc ưu tiên với các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập trước thuế và các ưu đãi.

Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội - Ảnh 4.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nhấn mạnh: Báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang rất khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Ông Nghĩa khẳng định, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.

Để đảm bảo cho các các cơ quan báo chí ổn định hoạt động, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu giảm thuế hơn nữa cho các cơ quan báo chí. Theo đó, đại biểu đề nghị nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các cơ quan báo chí, không chỉ giảm thuế xuống 10% với tất cả các loại hình báo chí mà còn có nghiên cứu thể giảm xuống 5%.

Điều này cũng góp phần ổn định tinh thần của các cơ quan báo chí, phóng viên, bởi khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước.

Đánh thuế tiền số, "biệt đãi" với báo chí làm "nóng" nghị trường Quốc hội - Ảnh 5.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Phát biểu giải trình các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, cho biết doanh nghiệp nước ngoài không có địa chỉ thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh các hoạt động tại Việt Nam có thu nhập thì phải chịu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua chúng ta đã thu được thuế từ sàn thương mại điện tử, mua bán online… của các doanh nghiệp đặt trụ sở tại nước ngoài. Về nền tảng số, ông Phớc cho hay ngành tài chính luôn đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin và vẫn đang đẩy mạnh việc này.

"Tuần vừa rồi chúng tôi đã ra mắt robot ảo phục vụ cho người nộp thuế. Có nghĩa là người nộp thuế hỏi bất cứ câu hỏi nào về mức nộp thuế, các bước nộp thuế, hoàn thuế, thời gian chậm nộp thế nào… đều được trả lời, rất thuận lợi cho người nộp thuế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến các đề xuất ưu đãi đối với cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng đề xuất giảm 10% đối với báo in và các loại báo khác, giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem