Đại thần nổi tiếng thời Xuân Thu dùng nước mắt để phục quốc như thế nào?

Tiểu Lý Thứ hai, ngày 27/02/2023 19:31 PM (GMT+7)
Câu chuyện Ngũ Tử Tư sau một đêm đầu bạc trắng, nung nấu diệt Sở vì mối thù nhà. Cũng liên quan đến Ngũ Tử Tư, còn có một câu chuyện khác không kém phần bi tráng, ấy là Thân Bao Tư dùng nhục kế mà cứu được Sở quốc.
Bình luận 0

Ngũ Viên, tự Tử Tư, nổi tiếng thời Xuân Thu qua hàng loạt giai thoại ấn tượng: “một đêm đầu bạc”, “quật mộ vua Sở đánh roi”, “móc mắt treo cổng thành”… Ông là người nước Sở nhưng sớm có mối thù diệt tông với vua Sở. Quân chủ nước Sở bấy giờ là Sở Bình vương sai người giết cả anh trai và cha của Ngũ Tử Tư, còn cho người truy sát ông. Ngũ Tử Tư phải bỏ trốn sang Ngô quốc, sau lập nhiều công, nắm quyền tướng quốc, mang quân về đánh Sở. Nước Sở bị diệt, vua Sở bấy giờ là Sở Chiêu vương phải lánh đi trốn nạn. Thân Bao Tư, một đại phu nước Sở nghe được tin bèn vội vã rời núi, tìm cách cứu Sở…

Dùng khổ nhục kế ở đất Tần

Đại thần nổi tiếng thời Xuân Thu dùng nước mắt để phục quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Ngũ Tử Tư quyết diệt sở trả thù nhà. Ảnh: Minh họa.

Ở đây kể lại một chút về quan hệ giữa Ngũ Tử Tư và Thân Bao Tư. Hai người vốn là hảo hữu, kết giao thân tình với nhau nhiều năm. Khi Ngũ Tử Tư chịu họa diệt môn, Thân Bao Tư từng giúp ông trốn thoát sự truy sát của Sở Bình vương. Đông Chu liệt quốc kể rằng:

Thân Bao Tư có lần hỏi Ngũ Tử Tư:

– Bây giờ ngài tính đi đâu?

Ngũ Tử Tư thẳng thắn đáp:

– Tôi nghe nói kẻ thù của cha mẹ thì không cùng đội trời chung. Nay tôi định trốn sang nước khác, mượn quân về đánh Sở, ăn thịt vua Sở, xé thây Phí Vô Cực, cho hả tấm lòng căm tức!

Thân Bao Tư can rằng :

– Vua Sở dẫu vô đạo, nhưng dù sao cũng là vua, ngài đã mấy đời ăn lộc vua, nỡ nào lại làm phản?

Ngũ Viên nói :

– Ngày xưa Kiệt và Trụ bị kẻ bề tôi giết, cũng chỉ vì vô đạo, nay vua Sở dâm loạn, lấy tranh vợ của con, lại nghe lời xu nịnh mà làm hại kẻ trung lương, tôi mượn quân về Dĩnh Đô là để quét rửa những sự ô uế cho nước Sở đó, huống chi lại là báo thù cho cha và anh tôi nữa. Tôi thề rằng nếu ta không diệt Sở thì không còn đứng ở trên đời !

Thân Bao Tư nói :

– Nếu tôi bảo ngài báo thù nước Sở thì tôi là kẻ bất trung, mà bảo ngài đừng báo thù lại là đẩy ngài vào chỗ bất hiếu. Thôi tuỳ ý ngài, tôi cũng vì tình bạn hữu mà không tiết lộ cho ai biết cả. Nhưng ngài định diệt Sở thì tôi đây quyết cứu Sở, ngài định làm cho Sở nguy thì tôi đây quyết giữ cho Sở yên. Ngài vì đạo hiếu mà diệt Sở, lẽ nào tôi không thể vì đạo trung mà hưng Sở?

Người ta ai cũng có ý chí riêng, dẫu là tri kỷ ra tử vào sinh nhưng cả Ngũ Viên và Thân Bao Tư từ nay hẳn là không thể làm đồng đạo. Nhưng chính cách cư xử nghĩa khí của Thân Bao Tư cũng khiến Ngũ Viên phải kính vài phần. Nhiều năm sau, Ngũ Tử Tư mang đại quân về giày xéo đất Sở, quật mộ Sở Bình vương lên, tự tay đánh 300 roi vào thi hài vua Sở để hả giận.

Thân Bao Tư đang ẩn cư ở nơi núi rừng, nghe Ngũ Tử Tư lộng hành quá, bèn cho người mang thư đến trách. Trong thư đại ý viết: “Ngài khi trước đã làm bề tôi Sở Bình vương, nay lại đem thi thể Sở Bình vương ra mà làm tàn nhục như vậy, dẫu gọi là báo thù, nhưng cũng khí quá lắm! Phàm làm quá thì không ai chịu được, ngài nên mau mau rút quân về, tôi đây phải noi theo cái ước phục Sở”. Ngũ Tử Tư nhận được thư, sai người đến nhắn lại với Thân Bao Tư rằng: “Trung và hiếu không thể vẹn cả đôi đường, trời tối đường xa, nên phải đi ngược, làm trái”.

Thân Bao Tư nhận được tin, biết rằng ý của Ngũ Tử Tư đã quyết, không diệt tận nước Sở thì sẽ không hả giận trở về. Chẳng lẽ cứ ngồi yên nhìn người Ngô giày xéo đất Sở sao? Vậy là Thân Bao Tư quyết ý sang cầu nước Tần, bôn ba nghìn dặm, đi suốt ngày đêm, bàn chân xây xát, máu chảy đầm đìa, phải xé áo ra mà buộc.

Khi đến đất Tần, Bao Tư thưa với Tần Ai công rằng:

– Nước Ngô tham như lợn, độc như rắn, lâu nay vẫn muốn cắn nuốt chư hầu, bây giờ đã bắt đầu từ nước Sở trước. Đại vương tôi bị thua, phải chạy trốn ở nơi thảo dã, có sai tôi sang đây để cáo cấp với quý quốc, xin quý quốc nghĩ tình thân thuộc mà đem quân giải cứu cho.

Tần Ai Công nói:

– Nước Tần ta hẻo lánh ở về phía tây này, quân hiếm tướng ít, giữ mình không nổi còn giúp được ai!.

Thân Bao Tư nói:

– Sở và Tần tiếp giáp nhau. Nay Sở bị Ngô đánh mà Tần không cứu, Ngô đã diệt Sở thì tất có ngày đánh Tần. Nhà vua giúp Sở, tức là giữ cho Tần đó. Chẳng thà Sở về tay Tần, còn hơn về tay Ngô. Nếu nhà vua cứu nước Sở khỏi mất thì nước Sở tôi xin đời đời thần phục nước Tần.

Tần Ai công còn ngần ngại chưa quyết, nói rằng:

– Quan đại phu hãy về nghỉ ở công quán, để ta thương nghị các triều thần đã.

Thân Bao Tư nói:

– Đại vương tôi còn đang chạy trốn nơi thảo dã, chưa ở yên được nước nào, khi nào tôi dám ra nghỉ ở công quán.

Bấy giờ Tần Ai công chỉ ham mê tửu sắc, chẳng thiết nghĩ gì đến chính sự. Thân Bao Tư xin mãi mà Tần Ai công nhất định không chịu phát binh. Thân Bao Tư cứ đội mũ mặc áo, đứng luôn ở trong sân vua Tần, ngày đêm kêu khóc, không lúc nào im tiếng, cứ như thế trong bảy ngày bảy đêm liền không ăn uống một tí gì cả. Tần Ai công thấy vậy, kinh ngạc mà rằng:

– Bề tôi nước Sở biết nghĩ đến vua khẩn thiết như thế ư! Nước Sở có bề tôi hiền như thế mà còn bị nước Ngô đánh, huống chi là ta không có người bề tôi hiền nào, khi nào nước Ngô lại để cho yên!

Tần Ai công nói xong, ứa nước mắt khóc, hứa phát binh sang giúp Sở. Thân Bao Tư lạy tạ. Từ bấy giờ Bao Tư mới chịu ăn uống.

(Trích “Đông Chu liệt quốc”)

Thân Bao Tư nghĩa khí, trung thành, vì quốc gia mà chẳng quản đến sống chết cá nhân. Chặng đường từ Sở sang Tần là phải vượt qua núi cao vực sâu, sức người thực khó làm được. Vậy mà Thân Bao Tư đi bộ, đi đến nứt toác cả bàn chân, rồi lại đứng khóc ở cung Tần mấy ngày mấy đêm, khóc đến cạn nước mắt. Lòng trung ấy thậm chí đã cảm hóa được cả một Tần Ai công vốn đam mê tửu sắc. Nghìn năm sau, đó vẫn là một câu chuyện vô cùng truyền cảm hứng.

Hoàn thành đại nguyện phục hưng Sở quốc

Đại thần nổi tiếng thời Xuân Thu dùng nước mắt để phục quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Thân Bao Tư vì lòng trung mà tận lực phục Sở.

Sau khi Tần vương đồng ý phát binh cứu Sở, quả nhiên quân Ngô từng bước sa lầy. Trong trận Nhị Thủy, Thân Bao Tư trực tiếp dẫn binh giao chiến với công tử Phu Khái (là em Hạp Lư). Phu Khái thua to, mất đến quá nửa quân số. Quân Ngô lại thấy quân Tần giúp Sở nên có ý hoảng sợ. Khi ấy, mưu sĩ Tôn Vũ nói với Ngô vương Hạp Lư rằng: “Việc binh là việc nguy hiểm, nên dùng tạm chớ không nên dùng lâu. Vả đất Sở còn rộng, lòng dân chưa chịu phục Ngô, khi trước tôi xin đại vương lập công tử Thắng lên làm vua Sở, chính là vì điều ấy. Chi bằng bây giờ ta sai sứ sang nói với Tần, hẹn cho vua Sở về nước, rồi cắt cõi tây nước Sở để thêm đất cho nước Ngô ta cũng không phải là không lợi. Nếu đại vương cứ quyến luyến ở Sở để chống Sở, quân Sở sẽ tức giận mà cố sức, quân Ngô kiêu ngạo mà trễ nải, lại thêm có quân Tần như giống hổ lang giúp Sở thì tôi chưa chắc đã vẹn toàn được”.

Hạp Lư và cả Ngũ Tử Tư cho là có lý, bèn nghe theo. Hạp Lư chia quân cho công tử Phu Khái giữ Dĩnh Đô, lại sai Ngũ Tử Tư, Bá Hi đóng ở Ma thành và Lư thành tạo thế ỷ giốc để chống Tần. Chẳng ngờ, công tử Phu Khái cậy mình có công diệt Sở, muốn nhân cơ hội tiếm ngôi tự lập, bèn lặng lẽ mang hết đại quân về nước Ngô, tuyên bố rằng Hạp Lư đã chết, tự mình lên thay, cầu viện nước Việt xuất binh cùng đánh. Hạp Lư nghe tin kinh hãi, vội theo đường thủy bộ về gấp Ngô quốc để chống lại Phu Khái, lại cho rút bớt quân đóng ở Sở của Ngũ Tử Tư và Tôn Vũ về. Lưỡng đầu thọ địch, quân Ngô phải căng mình trên hai mặt trận: đấu với liên quân Tần – Sở và liên quân Phu Khái – Việt.

Đúng lúc ấy, Thân Bao Tư cho gửi một phong thư tới tận tay Ngũ Tử Tư, biện bạch rằng: “Vua tôi ngài chiếm sứ Dĩnh Đô trong bấy nhiêu ngày mà không dẹp yên được nước Sở, đủ biết là ý trời không muốn làm cho nước Sở phải diệt. Ngài đã giữ lời nói diệt Sở thì ta đây cũng quyết giữ cái chí phục Sở, nhưng tình bạn hữu với nhau, giúp nhau thì có, chứ hại nhau thì không nên. Nếu ngài liệu bớt cái uy quân Ngô thì ta đây sẽ cũng không dùng hết cái sức quân Tần”. Ngũ Tử Tư suy nghĩ hồi lâu, bàn với Tôn Vũ rút binh trở về. Sau khi quân Ngô về nước, Thân Bao Tư đem thuyền sang nước Tùy đón Sở Chiêu vương trở về.

Công cuộc phục quốc của Thân Bao Tư đến đây thành công mĩ mãn. Nước Sở không những vẫn giữ được tông miếu sau mấy lần bị ngoại bang giày xéo mà Sở Chiêu vương cũng xứng là bậc minh quân, ra sức củng cố quốc lực, chẳng mấy chốc đã khiến Sở quốc hùng mạnh trở lại. Quân chủ nước Sở khi luận công ban thưởng, đã phong cho Thân Bao Tư làm Hữu doãn. Nhưng ông nhất mực từ chối, biện bạch rằng: “Tôi sang mượn quân Tần là việc nước chứ không phải vì thân tôi. Nay đại vương đã lấy được nước rồi thì lòng tôi được thoả, có đâu tôi dám nhận chức này để cầu lợi”. Sở Chiêu vương cứ ép Thân Bao Tư phải nhận tước, ông không biết làm sao, bèn bỏ trốn. Khi vợ ông tỏ vẻ trách cứ, ông bèn nói: “Trước đây, ta vì tình bè bạn, không tiết lộ cái mưu của Ngũ Viên, để cho Ngũ Viên phá được nước Sở. Đó là cái tội của ta. Đã có tội còn đi nhận công, ta lấy làm xấu hổ lắm!”. Thân Bao Tư liền đem vợ con trốn vào rừng núi. Sở Chiêu vương sai người tìm mãi cũng không được, mới ban khen và yết ở cửa nhà Thân Bao Tư mấy chữ: “Nhà người trung thần”.

Ngũ Tử Tư gặp họa diệt môn, quyết tâm phục thù, tàn diệt nước Sở, lại quật mộ Sở Bình vương mà trả thù tàn độc. Ấy chính là trọng chữ hiếu hơn chữ trung. Thân Bao Tư chứng kiến cảnh nước nhà bị giày xéo, chấp nhận dùng nhục kế mà cầu viện nước Tần, cuối cùng cũng đón được quân chủ về phục hưng quốc gia. Ấy lại là trọng nghĩa lớn hơn tình riêng vậy. Mỗi người một vẻ, một cảnh huống mà ai ai cũng đều tận tâm tận lực với chữ nghĩa của mình. Có một Ngũ Tử Tư ẩn nhẫn đợi ngày trả thù thì cũng có một Thân Bao Tư kiên cường lập chí lớn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem