Theo các tài liệu cổ sử của Trung Quốc, thân thế của Cam Ninh có thể khái lược như sau: Cam Ninh người Ba quận, đất Lâm Giang (nay là huyện Trung, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), tự là Hưng Bá, từ nhỏ đã nổi tiếng khỏe mạnh, có chí khí; khi lớn lên trở thành người có sức vóc, giỏi võ nghệ, thích giao du làm điều nghĩa hiệp.
Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến loạn thời Hán mạt, Cam Ninh chiêu mộ những thanh niên bạo gan, ưa phóng khoáng thành một lực lượng lấy việc cướp bóc của cải của quan lại, cường hào ác bá chia cho dân nghèo làm mục đích.
Ông nêu cao lòng nghĩa hiệp cứu người khốn khó vì thế thực lực của Cam Ninh ngày một đông đảo ít nhiều chiếm được cảm tình của dân chúng nhiều vùng.
Trong khi đó giới quan lại coi đó như một mối lo cần phải trừ bỏ, thế nhưng nhiều lần cho quân tiễu phạt đều thất bại, một số quan lại thậm chí còn mất mạng nên dần các quan quận thú bỏ lơ, lảng tránh mặc cho Cam Ninh tung tác hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Tranh vẽ Cam Ninh (Nguồn: Wikipedia).
Làm đại vương của toán cướp "nghĩa hiệp" suốt hơn 20 năm, nhưng về sau Cam Ninh đem thuộc hạ của mình về theo Châu mục Lưu Biểu ở Kinh Châu và được cử làm thuộc tướng dưới trướng của Hoàng Tổ - Thái thú Giang Hạ.
Thế nhưng mặc dù lập được một số công lao, thậm chí có lần cứu Hoàng Tổ thoát khỏi vòng vây của quân Đông Ngô nhưng Cam Ninh vẫn không được trọng dụng. Buồn bực vì việc đó, nhân được bộ hạ của Hoàng Tổ là Tô Phi giúp đỡ, khuyên đi tìm minh chủ khác, Cam Ninh ngầm cùng các thuộc hạ cũ dùng thuyền vượt sông lẻn trốn sang đầu hàng Đông Ngô.
Biết Cam Ninh là người giỏi chiến trận lại có mưu kế, Tôn Quyền rất tin tưởng trọng dụng nhân vật này. Sau đó, vào năm Mậu Tý (208) theo kế của Cam Ninh, Tôn Quyền sai ông đem quân chiếm Giang Hạ, giết được Hoàng Tổ kế tiếp định đánh lấy vùng đất Kinh Châu trọng yếu.
Cũng trong năm này, Cam Ninh theo lập công lớn trong trận Xích Bích, đánh bại quân của Tào Tháo, nhân đó hạ được thành Di Lăng…
Từ đó về sau, Cam Ninh có mặt trong nhiều trận chiến lớn, là một danh tướng lẫy lừng của Đông Ngô; số phận của ông sau này không được ghi rõ, còn theo tác phẩm chương hồi Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì Cam Ninh tử trận vào năm Nhâm Dần (222) trong trận Di Lăng giữa quân Đông Ngô với quân Thục Hán của Lưu Bị.
Hỗn chiến tranh hùng (Nguồn: Diễn dàn Tam Quốc truyền kỳ).
Hiểm kế dùng dê diệt giặc
Trong dân gian đến nay còn truyền tụng nhiều câu chuyện, giai thoại về Cam Ninh, trong đó có câu chuyện lý thú về việc dùng dê để diệt trừ giặc cướp.
Truyền rằng ở đất Đông Ngô, nằm giữa tuyến đường trọng yếu giữa Ngạc Châu và Cán Châu có núi Mạc Phú, hình thế hiểm trở, cây cối rậm rạp; ở đây có một thung lũng gọi là Hàn Cốt Động, bốn bề vách núi dựng đứng, là sào huyệt của một toán cướp.
Theo sách Tam Quốc ngoại truyện, cầm đầu toán cướp là Lãnh Thiên Hải, tên này tính khí hung hãn, tàn bạo, dáng người to lớn khỏe mạnh nên có biệt hiệu là Gấu Đen. Dựa vào thế hiểm yếu núi Mạc Phú, Lãnh Thiên Hải tụ tập những kẻ vong mạng chiếm cứ xưng vương, cướp bóc khách qua đường, hùng cứ cả một vùng gây bao khổ sở cho dân chúng.
Hình minh hoạ.
Được lệnh của chúa Đông Ngô, đại tướng Cam Ninh đem 300 binh mã tiến đến núi Mạc Phú dựng trại, tìm cách đánh vào Hàn Cốt Động. Thế nhưng giặc cướp nhờ vách núi cheo leo, rừng cây che đỡ cố thủ vững chắc nên mấy lần thúc quân lên núi, Cam Ninh đều phải cho rút lui trước cả ngàn mũi tên, gỗ đá bắn xuống như mưa.
Lo nghĩ nhiều ngày mà vẫn chưa tìm ra phương sách gì khả dĩ nhất, một đêm không ngủ, tới gần sáng Cam Ninh bỗng nghe bên ngoài có tiếng kêu "be, be" của đàn dê rừng đi ăn cỏ sương.
Bỗng ông nảy ra một kế hay, khi trời vừa sáng, Cam Ninh lệnh cho binh lính cấp tốc đi mua ở quanh vùng được 1.000 con dê rừng, 500 cân dầu trẩu và sợi bông.
Dũng tướng xông pha trong khói lửa binh đao (Nguồn: gamek.vn).
Không lâu sau, khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, nhân một đêm trăng mờ, gió lớn, Cam Ninh sai binh lính lấy sợi bông tẩm dầu trẩu quấn vào đuôi dê, rồi châm lửa đốt. Cứ 200 con làm một đợt do mấy kị binh tinh nhuệ, phụ trách việc dồn đàn dê chạy theo đúng đường, nhằm thẳng hướng Hàn Cốt Động; cứ thế tất cả tổng cộng chia làm năm đợt.
Dê bị lửa cháy ở đuôi, cả ngàn con nối nhau chạy thục mạng lên núi. Tướng cướp Lãnh Thiên Hải nghe thuộc hạ cấp báo, nhìn xuống núi thấy rất nhiều ánh sáng, tưởng quân Đông Ngô đốt đuốc tấn công bèn vội vã hạ lệnh cho lâu la tới tấp bắn tên, lăn gỗ… Cứ thế liên tục làm cho gỗ đá, tên nỏ hết nhẵn.
Lúc này Cam Ninh mới phát lệnh, rồi thúc ngựa dẫn 300 quân hò reo xông lên giết sạch toán cướp.
Thế là chỉ trong một đêm, hang ổ của bọn cướp bị phá tan, quân chúng bị diệt hết, tin này làm dân chúng trong vùng vô cùng mừng rỡ, phấn khởi. Cảm công đức của Cam Ninh, về sau người ta đổi tên, gọi Hàn Cốt Động là "Hầm ngàn dê", lại còn lập đền để hương khói thờ phụng ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.