Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - người Anh Cả của nông dân

Thứ sáu, ngày 27/12/2013 11:42 AM (GMT+7)
Hội thảo “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên-Huế” được Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo T.Ư, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 26.12.
Bình luận 0
Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914-1.1.2014).
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Nguồn ảnh: GDVN)
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Nguồn ảnh: GDVN)

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: “Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; đã hy sinh, phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...”.

Nói về vai trò của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với nhân dân, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chia sẻ: Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, miền Bắc bắt đầu xây dựng kinh tế theo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị đã được phân công phụ trách mặt trận nông nghiệp. Sau mấy tháng đầu lăn lộn với cơ sở, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo mô hình hợp tác xã nông nghiệp, lấy 2 xã Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình) và Duyên Hải (Hải Phòng) làm thí điểm xây dựng hợp tác xã để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

Đại tướng đã có cách sáng tạo đặt tên cho phong trào xây dựng kinh tế này với mô hình hợp tác xã, rất ý nghĩa, lôi cuốn hấp dẫn nhân dân, là “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải”. Phong trào hợp tác xã được phát triển rộng khắp cả miền Bắc sau này, đã củng cố vững chắc hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vững lòng những người lính chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhớ lại: Đại tướng thường đi cơ sở, nói chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết... Khi tổng kết công tác, ông thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội, lội đồng” nêu tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp thời điểm đó phát triển mạnh mẽ với những ruộng lúa đạt năng suất 5 tấn/ha, với các cải tiến trong “nước, phân, cần giống”...

Năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột ra đi sau một cơn đau tim nặng. Di sản ông để lại không chỉ là công tác chính trị, quân đội, mà cả trong phong trào sản xuất của nông dân. Với nông dân, ông là một người Anh Cả thực sự, là người đi tiên phong trong phong trào sản xuất tập trung hiện đại ở nông thôn.
Gia Tưởng (Gia Tưởng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem