Khoảng 8 giờ 30 ngày, 17.9, trước tình thế cấp bách, chỉ sau khoảng 30 phút thông báo, huyện Ea HLeo (Đăk Lăk) đã quyết định cho xả hồ sinh thái Ea Đrăng (nằm tại trung tâm huyện) với lưu lượng nước rất lớn.
Điều đặc biệt, là khi “kích” quả bom này, người ta phải huy động 9 người… quay tay để mở van, do hệ thống lâu ngày không hoạt động bị hư hỏng, hệ thống điện lại bị cắt. Cùng với nước lũ, nguồn nước từ hồ xả ra đã khiến hàng trăm ngôi nhà tại thị trấn Ea Đrăng (Ea HLeo) ngập sâu trong nước lũ đến 2m, nhiều nhà bị cuốn trôi và sập đổ và rất nhiều tài sản, công trình khác bị mất mát, hư hỏng.
Khoảng 11 giờ cùng ngày, tại xã Ea Jrơi, huyện Ea Súp (Đăk Lăk) (nơi mà nguồn nước của hồ Ea Đrăng sẽ chảy qua), một trận lũ kinh hoàng quét qua, cuốn trôi 12 người. Tính đến ngày 22.9, đã có ít nhất 6 người bị chết do trận lũ đó, 2 người mất tích.
Ngày 20.9, UBND tỉnh đã yêu cầu các bên “ngồi lại” để nói rõ chuyện này. UBND huyện Ea HLeo “đổ lỗi” cho trời chứ việc quản lý hồ đập ở đó đã được làm rất cẩn thận. Nhưng ông Phạm Tiến San - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB tỉnh Đăk Lăk, khẳng định, huyện đã phạm những lỗi nghiêm trọng.
Xả lũ ở Đăk Lăk gây thiệt hại cho dân.
Trong khi hồ Ea Đrăng có độ cao đập hơn 15m, chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, theo quy định phải do một đơn vị chuyên ngành quản lý. Thế nhưng huyện này lại giao cho 2 bảo vệ không có một chút kiến thức nào về thủy lợi trông coi. “May mà xả nước ban ngày, chứ vỡ đập hay xả lũ khẩn cấp vào ban đêm thì dân đã trôi hết”- ông San nói.
Ngoài ra, ông San cho biết, khoảng 2 tháng trước, ông đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh xin nhanh chóng ra quyết định về phân cấp quản lý về hồ đập. Tuy nhiên cho đến nay, UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn chưa đồng ý. Ngay từ đầu mùa mưa lũ, Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý cũng như an toàn các hồ đập; cảnh báo tình trạng công trình hồ đập được quản lý lỏng lẻo thực sự là một vấn đề rất đáng lo ngại và là một mối họa đang treo lơ lửng trên đầu dân.
Duy Hậu (Duy Hậu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.