Hiện tại cái “khát” đã bắt đầu hoành hành một số vùng và dự báo sẽ diễn ra gay gắt vào các ngày giáp Tết Nguyên đán.
Mạch nguồn cạn kiệt
Theo ông Trần Văn Thiện- Giám đốc Công ty MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đăk Lăk, tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng nước của Công ty chỉ còn tối đa 35.000m3/ ngày đêm, giảm gần 40% so với bình thường. Và mỗi ngày, con số này tiếp tục giảm từ 2-3%, thậm chí lên đến 5%. So với nhu cầu nước của người dân TP.Buôn Ma Thuột, mỗi ngày lượng nước cấp ra thiếu từ 10.000 - 15.000m3.
|
Mực nước tại trạm bơm Ea Ko Tam chỉ bằng 1/10 so với bình thường. |
Trạm bơm Ea Ko Tam (Buôn Ko Tam, xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột), trạm chủ lực cấp nước cho toàn thành phố, hiện chỉ còn 1/4 máy bơm hoạt động do thiếu nước. Mạch nước ngầm tại đây đã mất đi khoảng 1/10 so với lúc bình thường. Phía sau trạm bơm 35 (xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, Đăk Lăk) cách đây 2 năm là một hồ nước rộng vài ha. Nhưng hiện tại, lòng hồ này đã có thể làm... sân bóng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở 18 giếng khoan và 3 mạch lộ thiên mà Công ty MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đăk Lăk đang dùng để cấp nước cho 6 huyện, thị.
Ông Thiện cho biết, lượng nước bắt đầu suy giảm từ cách đây một tuần, buộc đơn vị phải điều tiết bằng cách luân phiên cắt nước. Ngoài ảnh hưởng do thời tiết khô hạn kéo dài trong mùa mưa năm trước, một nguyên nhân khác khiến nguồn nước suy giảm nhanh chóng là vì đang vào vụ tưới cà phê của nông dân. Bên cạnh đó, việc cúp điện tại một số trạm bơm cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước bị thiếu trầm trọng. Không chỉ ở Buôn Ma Thuột, tại huyện Krông Pắc và thị xã Buôn Hồ lượng nước cũng thiếu từ 5.000 - 10.000m3/ngày đêm và vẫn đang tiếp tục giảm nhanh.
Thiếu nước nghiêm trọng vào dịp Tết
Hiện tại ở một số vùng cao như các phường Tân Lợi, Tân An, khu tái định cư phường Tự An, khu vực Trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk (TP.Buôn Ma Thuột) tình trạng thiếu nước đã khiến rất nhiều hộ dân khốn đốn.
“Nước chảy về yếu dần từ 10 ngày trước và bắt đầu cúp hẳn cách đây gần một tuần. Thiếu nước sạch, nhiều sinh hoạt trong gia đình gần như bị đảo lộn”- ông Nguyễn Văn Hùng (phường Tự An), than thở.
Người dân tại các vùng này đã khắc phục bằng cách mua thêm bồn chứa, thức dậy từ giữa đêm để lấy nước trữ. Theo ông Thiện, mặc dù đơn vị thực hiện việc cấp nước luân phiên (ngày có, ngày không) nhưng thực tế, tại các vùng có địa hình cao thì người dân chỉ có nước được khoảng 10 giờ. Do sau khi cúp nước, phải mất một thời gian khá lâu mới có thể làm đầy hệ thống vùng trũng.
Ông Nguyễn Khắc Dần -Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty MTV Cấp nước và đầu tư xây dựng Đăk Lăk cho biết, so với các năm trước, cơn “khát” đã đến sớm hơn 3 tháng. Nếu mưa không đến sớm hơn, cơn “khát” này sẽ kéo dài đến 7 tháng.
Theo dự báo, do nhu cầu nước tăng mạnh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, nên tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra gay gắt nhất vào các ngày 27, 28 tháng Chạp. Ông Thiện cho biết, chắc chắn trong những ngày Tết Nguyên đán, người dân TP.Buôn Ma Thuột phải chấp nhận việc mất nước luân phiên. Bởi nếu không điều tiết bằng cách này thì sẽ gây ra mất nước toàn vùng do nguồn nước quá yếu.
“Để mọi người đều có nước sử dụng trong dịp tết này, không còn cách nào khác là người dân phải sử dụng nước một cách tiết kiệm. Ngoài việc phải “chắt chiu” nguồn nước thì mọi người có thể tận dụng bằng cách dùng nước tắm giặt để tưới cây hay dùng vào một số việc không cần nước sạch”- ông Dần khuyến cáo.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.