“Săn” dầu khó như... tìm vàng
Đi từ sáng sớm đến 11 giờ trưa 22.2, rảo khắp các đại lý xăng dầu để mua dầu nhưng bà Nguyễn Thị Hương (xã Ea Sim, Krông Buk, Đăk Lăk) đành quay về tay không: "Hơn 2ha đang vào mùa tưới nước giờ đành… phơi nắng. Tôi, cùng mấy chị em đến 4-5 cây xăng rồi mà vẫn chưa mua được. Họ bảo hết dầu, hoặc chờ lên giá đã…".
|
Nhiều nông dân ở Đăk Lăk ngược xuôi tìm mua xăng dầu cả ngày mà không được nên sản xuất của họ gặp nhiều khó khăn. |
Cũng cảnh như bà Hương, vợ chồng anh Y Khanh (Buôn Lia, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) đã 3 ngày nay mang can đi rồi lại mang chiếc can không trở về. "Vài ngày nữa mà không mua được dầu thì mấy ha cà phê sẽ chết khát mất" - anh Y Khanh than thở.
Sáng 22.2, chỉ trong vòng 30 phút, hơn 40 người lần lượt rời khỏi đại lý xăng dầu DIP của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Lễ tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk. Ông Võ Kia (ở buôn Rô 1, xã Cư Né, huyện Krông Buk) thất vọng cho biết: "Nhà có 5ha cà phê đang khát nước, tôi mới tưới được 2ha thì hết dầu. Sáng giờ tôi xách can chạy gần 40 cây số, gõ cửa hết 5 đại lý ở cả thị xã Buôn Hồ lẫn các huyện Krông Buk, Ea H'leo mà vẫn không mua được giọt nào".
May mắn hơn, anh Ama Ré - Phó trưởng Công an xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar mua được một can dầu 20 lít trong ngày 22 - 2. Khi anh Ré thất thểu xách can rỗng đi ra vì DNTN Văn Minh (xã Cuôr Đăng) kêu hết dầu thì đoàn kiểm tra của Sở Công Thương có mặt, phát hiện doanh nghiệp này vẫn còn 1.000 lít dầu nên họ buộc phát bán cho anh...
Theo ghi nhận của NTNN, không ít nông dân, đặc biệt là nông dân ở vùng sâu, vùng xa đã phải chấp nhận mức giá cao ngất ngưỡng. Chị Huỳnh Thị Tám đi đường mòn hàng chục cây số từ xã Dliê Ya, huyện Ea H'leo đến cây xăng dầu Văn Tùy thuộc địa phận xã Tam Giang, huyện Krông Năng để mua dầu diesel với giá 17.000 đồng/lít (giá quy định 2.000 đồng/lít).
Cũng trong ngày 22.2, giá dầu diesel tại đại lý xăng dầu Thanh Sinh của Công ty CP Vật tư tổng hợp Phú Yên tại huyện Ea Kar là 18.000 đồng/lít.
Công khai đóng cửa
Ngày 22.2, kết quả kiểm tra của Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk cho thấy đã có ít nhất 8 đại lý bán lẻ xăng dầu không bán dầu.
Tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, đấy chưa phải là con số thực. Ngày 22.2, các đại lý như: Đức Năng (tỉnh lộ 8, xã Ea Tul, huyện Cư M'gar), Thu Thảo (34 Hùng Vương, P. An Bình, thị xã Buôn Hồ), Ánh Trầm (thị xã Buôn Hồ)… đều đóng cửa. Người dân tại các khu vực này cho biết, các đại lý này đã đóng cửa trong ngày 21.2. Cũng theo Sở Công Thương tỉnh Đăk Lăk, hiện có ít nhất 49 đại lý bán lẻ xăng dầu hoạt động cầm chừng, nhiều đại lý chỉ bán xăng mà không bán dầu.
Cũng theo thống kê của Sở Công Thương Đăk Lăk, với 180.000ha cà phê, mỗi mùa khô nông dân tỉnh này cần khoảng 200.000m3 dầu diesel phục vụ bơm tưới. Nhưng hiện chỉ có Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên (Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam) là cung ứng đủ hàng theo các hợp đồng đã ký với hệ thống đại lý, 6 doanh nghiệp đầu mối còn lại chỉ rót nhỏ giọt cho đại lý khoảng 20 - 30% nhu cầu.
Cùng với việc bị đứt nguồn cung từ các doanh nghiệp đầu mối, không ít đại lý đã găm hàng hoặc bán ra cầm chừng. Đây chính là nguyên nhân gây mất cân đối cung - cầu, trực tiếp đe dọa sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Bán hàng mệt đến... xỉu
Đã 12 giờ trưa nhưng cây xăng 38 (thị xã Buôn Hồ, Đăk Lăk) vẫn tấp nập, hàng chục người vẫn xếp hàng chờ đến lượt. Anh Phạm Hùng Cường - chủ cửa hàng, cho biết: "Trong những ngày qua nhu cầu mua dầu của người dân tăng đột biến. Từ sáng sớm đế chiều tối, người dân ở thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Buk và một số nơi lân cận đỗ dồn về đây mua nên cây xăng luôn đông kín. Chúng tôi phải buộc người dân xếp hàng đợi đến lượt. Chiều 20-2, một nhân viên của tôi đã ngất xỉu vì bán dầu… quá sức.
Đồng Nguyên - Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.