Đắk Lắk: Phát triển lợi thế địa phương thành sản phẩm OCOP
Đắk Lắk: Phát triển lợi thế địa phương thành sản phẩm OCOP
Minh Anh
Thứ tư, ngày 30/08/2023 07:47 AM (GMT+7)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Đắk Lắk đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, ngành nghề nông thôn và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 93 chủ thể sản phẩm. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Với tiềm năng về nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk nỗ lực phát triển khai thác Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa hóa chất cao mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng, chính phục được thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
Với diện tích trên 210.000 ha, sản lượng hằng năm xấp xỉ 550.000 tấn, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nông dân, HTX, chủ thể nhận biết rõ hơn tầm quan trọng của các mô hình tổ chức sản xuất, chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm cà phê.
Đến nay, cà phê là sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP nhiều nhất với 36 sản phẩm của 25 chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao cấp tỉnh. Có thể kể đến các sản phẩm: Cà phê bột Robusta của Công ty TNHH Êđê cà phê, Cà phê hạt rang mộc nguyên chất Ea Tu của HTX NNDV Công Bằng Ea Tu, Cà phê chồn Kiên Cường của Công ty TNHH MTV Kiên Cường, Cà phê Robusta chế biến ướt của HTX NN công bằng Ea Kiết, Cà phê hạt rang Trung Hòa của Công ty CP sản xuất cà phê bột Trung Hòa…
Sau khi đạt chuẩn OCOP, các chủ thể quan tâm đến quy trình từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê; không ngừng nâng cấp, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhờ đó từng bước tìm ra hướng đi hợp lý trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, cho ra đời sản phẩm cà phê chất lượng cao.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H'leo), với vùng nguyên liệu hơn 200ha trồng cà phê chuẩn VietGAP, để nâng cao giá trị sản phẩm và giá bán cho bà con, HTX tổ chức chế biến sâu nhằm cung cấp cho thị trường sản phẩm cà phê sạch. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất, đến nay sản phẩm cà phê bột của HTX đã đạt OCOP 3 sao. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để HTX phát triển và thương mại sản phẩm cà phê bột của mình trên thị trường tốt hơn. Bởi sau khi đạt chứng nhận OCOP thì giá trị của sản phẩm sẽ được nâng cao rất nhiều.
Sau cà phê, nhắc đến sản phẩm chủ lực của Đắk Lắk không thể không kể đến sản phẩm macca. Macca là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được nông dân phát triển trong những năm gần đây. Từ nguyên liệu macca, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm macca thơm ngon nức tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn tỉnh đã có 9 sản phẩm macca đạt chuẩn OCOP 3 đến 4 sao.
Hiện giá macca tươi luôn duy trì mức giá 70.000-90.000 đồng/kg giúp nông dân ngày càng yên tâm đầu tư trồng và chăm sóc. Nhiều cơ sở liên kết với nông dân trồng macca, hình thành vùng nguyên liệu ổn định. Việc xuất bán macca đã qua chế biến, có nhãn mác, thương hiệu đã giúp người dân nâng cao giá trị sản xuất, tạo chỗ đứng cho sản phẩm OCOP trên thị trường. Tiêu biểu như vào tháng 11/2022, sản phẩm OCOP 4 sao Macca Đắk Lắk của Công ty CP Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng) đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính Nhật Bản.
Không chỉ có macca, cà phê, Đắk Lắk còn có những sản phẩm OCOP khác như sầu riêng, hạt điều, cacao, trà, gạo, nấm, yến sào, mật ong, rượu cần… cũng đang góp phần nâng tầm giá trị nông sản của địa phương. Hiệu quả kinh tế đem lại đã từng bước giúp người dân yên tâm gắn bó với cây trồng đặc sản của địa phương, từ đó, tạo động lực để họ vươn lên phát triển kinh tế.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn, Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc trưng, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Từ khi Chương trình OCOP được triển khai, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn thử sức, đầu tư để đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, giá trị cao. Với việc được công nhận OCOP, các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đã từng bước "gắn sao" trong lòng người tiêu dùng, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, vì đây là một chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó quá trình xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, một số địa phương còn lúng túng trong cách làm, cách xác định lợi thế, tiềm năng, sản phẩm. Các chủ thể chỉ mới tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển theo chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu…
Theo đó, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung vào các chính sách, giải pháp hỗ trợ để thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, gia tăng giá trị và bền vững.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.