Đắk Lắk: Sầu riêng trái còn treo đầy trên cây, nông dân "phập phồng" lo lắng

Thứ sáu, ngày 03/09/2021 05:32 AM (GMT+7)
Suốt thời gian qua, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) đã tìm nhiều giải pháp tháo gỡ cho việc tiêu thụ khi sầu riêng đang vào mùa rộ. Câu chuyện này vẫn tiếp tục "nóng" với những nỗ lực kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm này của chính quyền địa phương trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Phấp phỏng sầu riêng chờ được cắt

Huyện Krông Pắc hiện có khoảng 3.300 ha sầu riêng; trong đó, diện tích thu hoạch khoảng 2.500 ha, sản lượng năm nay ước đạt 45.000 tấn và mùa vụ thu hoạch kéo dài tầm 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10-2021. 

Đến thời điểm này, huyện Krông Pắc đã thu hoạch được khoảng 35% tổng sản lượng mùa vụ 2021, như vậy vẫn còn gần 30.000 tấn sầu riêng chưa được thu hoạch. 

Sầu riêng là nông sản đặc thù, nếu không thu hoạch kịp thời, bảo quản không đúng kỹ thuật sẽ nhanh bị hỏng. Chưa kể nếu thời tiết diễn biến bất thường (khi mùa mưa bão đang đến gần) sẽ khiến những vườn chưa kịp thu hoạch có nguy cơ thất thu. Hiện nay, các vườn sầu riêng đang bị rụng từ 1,5 - 2 tạ quả/ha/ngày.

Đắk Lắk: Sầu riêng trái còn treo đầy trên cây, nông dân "phập phồng" lo lắng - Ảnh 1.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Bùi Đình Lục, thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) chờ ngày thu hái.

Ông Nguyễn Văn Dung (ở thôn Phước Thịnh, xã Ea Yông) có 2 ha sầu riêng, trong đó có 1 ha kinh doanh, sản lượng năm 2021 đạt khoảng 20 tấn. Đến thời điểm này, ông đã bán được 50% sản lượng với giá 22.000 đồng/kg, số còn lại khoảng hơn 10 tấn vẫn đang ở trên cây. 

Những năm trước, khi bán sầu riêng nguyên vườn, thương lái chỉ đến cắt trong 1 - 2 ngày, nhưng hiện tại sau khi cắt được 1 đợt vào ngày 29-8 thì thương lái cũng tạm ngưng khiến ông cũng như các hộ trồng sầu riêng nơi đây rất lo lắng.

"Một trong những giải pháp để bảo đảm an toàn cho hoạt động thu mua, chế biến sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung trong mùa dịch là UBND huyện đề nghị đưa thêm danh sách thương nhân, công nhân,… thu mua, chế biến sầu riêng vào diện đối tượng ưu tiên được tiêm vắc xin sớm nhất khi có nguồn phân bổ”. Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Đinh Xuân Diệu.

Ông Bùi Đình Lục (thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh) trồng được 5 ha sầu riêng, trong đó có 2 ha kinh doanh. Mặc dù đã bán được khoảng 60% sản lượng nhưng số còn lại hiện giờ cũng đang trong tình trạng phấp phỏng không biết khi nào thương lái mới đến cắt.

Theo thống kê, huyện Krông Pắc hiện có 47 cơ sở thu mua, chế biến, đóng gói sầu riêng. Các cơ sở thu mua quy mô nhỏ có khả năng thu mua và phân phối khoảng 1 tấn sầu riêng mỗi ngày; còn cơ sở thu mua lớn có đầu tư hệ thống chế biến, cấp đông thì có khả năng thu mua lên đến hàng trăm tấn/ngày. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn, tiêu thụ trong nước chậm do đó doanh nghiệp cũng đang “cầm chừng” trong việc thu mua, dự trữ.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu cho biết, mùa thu hoạch sầu riêng năm nay không chỉ nông dân gặp khó mà bản thân các doanh nghiệp thu mua cũng đang gặp nhiều trở ngại với đầu ra. 

Hiện tại đơn vị đang thu mua hơn 100 tấn sầu riêng Dona mỗi ngày với 3 mức giá: loại 1 giá 35.000 đồng/kg, loại 2 giá 25.000 đồng/kg, loại 3 là 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh không thể xuất khẩu nên doanh nghiệp đành thu mua về cấp đông rồi để đó. 

Trong khi nguồn vốn lưu động cũng đang cạn kiệt dần, việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng trong lúc này cũng phải cân nhắc vì doanh nghiệp cũng chưa biết xuất bán sầu riêng đi đâu.

Gỡ vướng, hỗ trợ doanh nghiệp "mạnh tay" thu mua

Để tháo gỡ khó khăn cho mùa vụ sầu riêng năm 2021, huyện Krông Pắc đã chủ động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như: thành lập Tổ công tác hỗ trợ thương nhân phòng, chống dịch COVID-19 khi đến thu mua sầu riêng; công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý nội dung liên quan đến dịch COVID-19; có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho thương lái đến thu mua sầu riêng trên địa bàn huyện…

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường đang khiến người trồng sầu riêng nơi đây như "ngồi trên lửa". Trước tình hình cấp bách, để bảo đảm thực hiện "mục tiêu kép", chiều 28-8, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức hội nghị gặp mặt và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mặt hàng sầu riêng năm 2021. 

Tại hội nghị, đại diện 25 doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn đã trình bày về những khó khăn, vướng mắc từ thu mua, giá cả đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa vụ sầu riêng 2021.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Chánh Thu đề nghị chính quyền tiếp tục hỗ trợ các thương lái, công nhân tham gia thu mua, chế biến sầu riêng được tiêm vắc xin sớm nhất có thể vì thời vụ chỉ kéo dài trong hơn 2 tháng. 

Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung được vay vốn nhanh, thủ tục đơn giản, với tài sản thế chấp là hàng tồn kho. 

Giải quyết được vấn đề này thì doanh nghiệp sẽ “mạnh tay” hơn trong việc thu mua, bóc múi, cấp đông, tránh bị đối tác ép giá; sau dịch, sầu riêng chắc chắn sẽ có giá ổn định và cao hơn.

Đắk Lắk: Sầu riêng trái còn treo đầy trên cây, nông dân "phập phồng" lo lắng - Ảnh 4.

Chế biến sầu riêng tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (xã Ea Kênh, huyện K rông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).

Tại hội nghị, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc đã chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp trong mùa vụ sầu riêng này, đồng thời động viên doanh nghiệp và nông dân cùng cố gắng vượt qua. 

Ông cũng tha thiết kêu gọi doanh nghiệp cùng đồng hành với địa phương trong câu chuyện kết nối tìm đầu ra cho sầu riêng không chỉ trong mùa vụ này mà còn mang tính lâu dài để đôi bên cùng có lợi. 

Trong đó, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ tối đa công tác phòng, chống dịch, tạo điều kiện tốt nhất để hoạt động thu mua, chế biến sầu riêng được bảo đảm an toàn trong mùa dịch. 

Những đề xuất, kiến nghị vượt quá thẩm quyền như kiến nghị ngân hàng hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện thông thương hàng hóa ngoài huyện, ngoài tỉnh; thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng; đưa sản phẩm sầu riêng lên sàn thương mại điện tử… chính quyền huyện sẽ có kiến nghị UBND tỉnh, ngành ngân hàng xem xét.

Lê Hương - Thanh Hường (Báo Đắk Lắk)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem