Đảm bảo có việc làm mới tính chuyện mở lớp dạy nghề

Khải Huyền (thực hiện) Thứ tư, ngày 13/08/2014 09:11 AM (GMT+7)
Không còn theo kiểu cũ là dạy những gì mình có, mà phải dạy những gì xã hội đang có nhu cầu. Thạc sĩ Bùi Văn My - Trưởng phòng Chính sách, Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM khẳng định, phải chắc có việc làm trước cho học viên rồi mới tính đến chuyện mở các lớp dạy nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới (NTM).
Bình luận 0

TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng NTM từ cuối năm 2015 lên ngày 30.4.2015 để chào mừng 40 năm Ngày giải phóng miền Nam. Liệu như vậy các xã có kịp thời gian hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng NTM không?

img

Thạc sĩ Bùi Văn My

- Quả thật đây là thời hạn khá khẩn trương cho các xã. Ngoài các tiêu chí đã đạt và có thể đạt cao như điện, bưu điện, quy hoạch, y tế, an ninh trật tự xã hội; các tiêu chí còn lại như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo (theo chuẩn nghèo thành phố), văn hóa, giao thông… đòi hỏi có sự quyết liệt, thực hiện đồng bộ thì mới có khả năng đạt chỉ tiêu đề ra.

Một trong những chính sách được thành phố quan tâm nhiều là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, có ý kiến là việc dạy nghề hiện nay còn chạy theo chỉ tiêu về con số, chưa thực sự đảm bảo nghề nghiệp, việc làm cho người học?

- Đào tạo nghề là một trong những kênh tạo điều kiện để người lao động có công ăn việc làm ổn định sau này, từ đó, nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống của người dân. Để việc dạy nghề cho lao động nông thôn được hiệu quả, các địa phương phải xác định rõ rằng, việc tổ chức đào tạo nghề phải gắn với định hướng việc làm sau đào tạo. Do đó, trong thời gian tới, các huyện cần xác định rõ mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân sau đào tạo mới là chỉ tiêu quan trọng, hơn là việc đạt các tỷ lệ về đào tạo.

Cần phải bảo đảm có việc làm trước cho học viên rồi mới tính chuyện mở lớp. Trong quá trình đào tạo, cần giới thiệu các cơ chế chính sách về vốn, nguồn tín dụng cũng như các mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn cho người học có thể ứng dụng để nâng cao thu nhập sau này. Đơn vị tổ chức đào tạo nếu được cũng nên tổ chức các mô hình mẫu để việc giảng dạy sinh động, hiệu quả hơn.

Đầu ra cho sản phẩm sau khi phát triển các mô hình mẫu cũng là vấn đề lớn khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Thành phố nên giải quyết thế nào?

- Đúng là thời gian qua, khảo sát tại các xã đang xây dựng NTM cho thấy, cái khó nhất của sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn là đầu ra sản phẩm. Đa số nông dân sẽ không ngại đầu tư nếu đầu ra cho sản phẩm tốt. Để khắc phục vấn đề này, phải phát huy vai trò đầu tàu của các HTX, doanh nghiệp trong việc liên kết giữa người sản xuất và thị trường. Theo tôi, thành phố cần kịp thời hỗ trợ, củng cố việc phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Bố trí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm về phụ trách hỗ trợ cho các HTX (1 cán bộ/HTX), đến khi HTX được củng cố phát triển ổn định. Cũng cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường để định hướng đầu ra sản phẩm và các lớp dạy nghề tiếp theo cho nông dân.

Xây dựng NTM là quá trình lâu dài, do đó trong từng giai đoạn cụ thể thành phố cần xây dựng tiêu chí đạt về NTM ở nhiều cấp độ khác nhau, theo mức độ tăng dần. Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất của xây dựng NTM không chỉ là đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, mà quan trọng hơn cả là mức sống và ý thức xã hội của người dân được nâng cao.

Xin cảm ơn ông.

  Năm 2013, có hơn 6.400 lao động nông thôn được học nghề. Số có việc làm sau khi được đào tạo gần 5.700 người (91,5%).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem