Đạm Cà Mau "thắt lưng buộc bụng", đạt lợi nhuận trên 350 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ năm, ngày 13/06/2019 18:00 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh giá nông sản gặp khó khăn, người nông dân hạn chế đầu tư, thời tiết không thuận lợi nhưng 5 tháng đầu năm Đạm Cà Mau vẫn có hàng ra đều, vận hành an toàn.
Bình luận 0

Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Đạm Cà Mau (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau - HoSE: DCM) đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trên dưới 350 tỷ đồng.

img

Cán bộ Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau khảo nghiệm phân bón trên đồng ruộng 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng giám đốc Đạm Cà Mau cho biết, số liệu 5 tháng đầu năm của DCM không phản ánh một cách tổng thể niên độ năm bởi vì đầu năm, các công ty phân bón rơi vào vụ chính của thị trường trọng điểm, sẽ có những tồn kho gối đầu.

Tại DCM, từ năm 2018 trở về trước được cơ chế giá khí hỗ trợ trả lãi vay, khấu hao cho nên chỉ cần tồn kho với giá thành khoảng  20.000 tấn thì đã thay đổi rất nhiều bức tranh lợi nhuận. Tuy nhiên, giá khí từ năm 2019 này là theo thị trường nên số liệu 6 tháng cuối năm hợp nhất có khi lại không tăng hoặc có thể giảm.

“Trong bối cảnh giá nông sản gặp khó khăn, người nông dân hạn chế đầu tư, thời tiết không thuận lợi nhưng 5 tháng đầu năm DCM vẫn có hàng ra đều, vận hành an toàn”, bà Hiền nói.

Giá khí cao, Đạm Cà Mau triển khai nhiều phương án “gỡ khó”

Một trong những phương án của DCM đang triển khai thời gian qua là dự án thu hồi khí xả bỏ Permeate Gas, bổ sung thêm khoảng 1800 GJ/ngày tương đương 3% công suất. Tuy mức đầu tư nhỏ nhưng hiệu quả rất lớn, đã tiết kiệm chi phí nguyên liệu ít nhất 50 tỷ đồng/năm, đánh dấu sự nỗ lực không ngừng trong phong trào sáng kiến, cải tiến của Đạm Cà Mau trước các khó khăn, thách thức ngày càng chồng chất.

“Tuy mức tiết kiệm 50 tỷ đồng này không lớn nhưng trong bối cảnh khó khăn, thách thức hiện nay, đây là một cố gắng của tập thể cán bộ, công nhân viên DCM. Chưa kể, bức tranh đầu vào năm nay đã thay đổi hoàn toàn nên chúng tôi phải tiết kiệm tất cả các chi phí quản lý, bán hàng đến từng đồng từng xu cho cổ đông. Rõ ràng con số 50 tỷ không lớn so với doanh thu nhưng nếu so với chi phí và lợi nhuận thì số tiền này lại không nhỏ”, bà Hiền chia sẻ.

Đặc biệt, Nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Tính đến thời điểm này, dự án vẫn kiểm soát tốt tiến độ và đã hoàn tất lắp đặt các thiết bị chính - huyết mạch của toàn bộ dự án vào cuối tháng 2/2019. Dự kiến, dự án sẽ chạy thử và cho ra sản phẩm thương mại vào đầu tháng 8 tới.

“Dự án NPK khi hoàn thành sẽ cung cấp cho bà con nông dân 300.000 tấn phân bón NPK mang thương hiệu Đạm Cà Mau mỗi năm với giá thành cạnh tranh tạo sự ổn định trên thị trường phân bón trong nước, đóng góp một phần cho ngân sách xã hội, góp một phần trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau và của khu vực. Đây là một dự án cũng đầy khả thi cho DCM trong bối cảnh giá khí của DCM đang gặp khó, khấu hao nhà máy hàng năm lớn”, bà Hiền cho biết thêm.

Ngoài ra, DCM hiện cũng đang tính đến nhiều phương án, giải pháp để gia tăng doanh thu, lợi nhuận từ những nguồn mà không phụ thuộc vào khí.

img

Cổ phiếu DCM liên tục giảm mạnh về mức dưới mệnh giá

Thực tế, những khó khăn của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2019 đến nay phần nào đã phản ánh qua giá cổ phiếu DCM trên thị trường chứng khoán.

Tại phiên giao dịch hôm nay 13/6, cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) ghi nhận mức giá 8.260 đồng/CP, giảm gần 20% so với thời điểm đầu năm. Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, những rủi ro liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nguồn cung khí suy giảm, cơ chế giá khí chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt và biến đổi khí hậu ... đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu DCM.

Năm 2019, Đạm Cà Mau đặt kế hoạch doanh thu 6.924 tỷ đồng và lợi nhuận 240 tỷ đồng sau thuế. So với thực hiện năm 2018 thì 2019 ghi nhận mức tăng hơn 10% về doanh thu nhưng lợi nhuận sẽ giảm so với các năm trước đây do đây năm đầu tiên Đạm Cà Mau áp dụng giá khí mới khi nhà máy vẫn còn trong giai đoạn khấu hao với chi phí lớn.

“Nhức nhối” câu chuyện thuế VAT

Một vấn đề khó khăn chung mà các doanh nghiệp (DN) phân bón gặp phải hiện nay là câu chuyện thuế VAT đầu vào. Tại DCM, câu chuyện thuế VAT đang là một “gánh nặng” trong bối cảnh giá khí tăng, khấu hao nhà máy lớn khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị bào mòn.

“Thuế VAT theo luật thuế hiện nay thì các DN phân bón không chịu thuế VAT, nghĩa là không được khấu trừ giá đầu vào. Trong khi giá đầu vào hiện tại, ngay cả với khí cũng có VAT do Chính phủ thu, nếu DCM đã không được khấu trừ thuế này thì chỉ có nước cộng vào giá bán và người nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên vì đầu vào vật tư nông nghiệp cũng có 2, 3 lần thuế và DCM cũng phải cộng vào vì đây là trách nhiệm của DN sản xuất với Nhà nước. Rồi ngay đầu vào khí, Nhà nước cũng thu một lần thuế nữa, một gánh nặng không nhỏ”, bà Hiền chia sẻ.

“Chỉ cần đổi thành chịu thuế 0% thì tất cả VAT đầu vào sẽ được khấu trừ, còn không chịu thuế có nghĩa là đầu vào… kệ. Cứ tính đầu vào rồi cộng vào giá bán. Do đó, nếu làm được việc này thì giá phân bón sẽ giảm đi rất nhiều, vì các DN phân bón cũng phải đặt mục tiêu hiệu quả sử dụng đồng vốn, vẫn phải có lợi nhuận nên tất cả các chi phí đầu vào phải được tính vào, rồi cộng với lợi nhuận thì mới ra giá bán”, bà Hiền khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem