Đám cưới “khủng” và văn hóa tiêu tiền

Thứ hai, ngày 26/03/2012 06:27 AM (GMT+7)
Có thật là sau một đám cưới tiền tỷ, một lễ rước dâu rìng rang với cả trăm siêu xe, người ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc? Và những cuộc hôn nhân được xây dựng trên nền tảng kinh tế siêu vững chắc ấy sẽ không bao giờ lung lay?
Bình luận 0

Văn hóa tiêu tiền

Trong bối cảnh nền kinh tế chung đang khó khăn, giá cả leo thang từng ngày, khẩu hiệu tiết kiệm luôn được mỗi người dân đặt lên hàng đầu thì việc liên tục xuất hiện những đám cưới "khủng" đã thật sự tạo nên những đợt sóng khác thường trong dư luận. Tuy nhiên đằng sau độ "khủng" của những đám cưới ấy, không ai dám chắc chắn những cuộc hôn nhân sẽ “siêu bền” từ sự khởi đầu siêu sang của nó?

img
Ảnh minh họa

Bàn luận về vấn đề văn hóa của những đám cưới “khủng” trong thời gian qua, anh Trần Lâm (kiến trúc sư, công ty thiết kế nội thất AT) cho rằng, người giàu có quyền tiêu tiền của mình và không ai có thể ngăn cấm được quyền tự do cá nhân ấy. Nhưng họ phải luôn nhớ mình đang sống trong một cộng đồng xã hội với những quy chuẩn văn hóa nhất định. Việc tổ chức đám cưới lãng phí và quá phô trương như thế rõ ràng là phản cảm. Đám cưới là sự khởi đầu để bước vào cuộc sống hôn nhân, nó không quyết định được độ vững bền của hạnh phúc sau đó.

Chị Trần Thu Thủy (Hạ Đình, Thanh Xuân, HN) cho rằng: Xã hội hiện nay có rất nhiều người thành công trong cuộc sống và mỗi người có một cách khác nhau quảng bá thương hiệu của mình. Hàng năm chúng ta tôn vinh không ít doanh nhân tài giỏi, nhưng không ai chọn cách quảng cáo cho mình giống như bà Liễu và bà Diệu Hiền.

Điều này cho thấy không phải ai có tiền cũng đều có văn hóa tiêu tiền. Nói về góc độ gia đình, họ là những người mẹ thương con, nhưng cách họ thể hiện tình yêu đó có vấn đề. Không phải cứ có tiền bù đắp thật nhiều thì mới là thương con. Tỷ phú Bill Gates có rất nhiều tiền nhưng cả thế giới ai cũng biết trong gia tài đồ sộ ấy ông chỉ để lại cho con một số nhỏ còn tất cả ông dùng làm từ thiện.

Có thâm niên đi làm tình nguyện nhiều năm tại các vùng quê nghèo, Lê Văn Tình (SV trường ĐHXD HN) không giấu nổi sự xót xa: Đất nước mình vẫn còn nghèo, rất nhiều nơi người dân cần những lòng hảo tâm giúp đỡ. Việc người giàu vung tiền cho những đám cưới “khủng” trong thời gian qua quả là rất đáng trách. Những doanh nhân thành đạt hãy nghĩ tới dân nghèo nhiều hơn, đừng ném đi hàng chục tỷ đồng chỉ để chứng tỏ “mình giàu có như thế nào.

Vật chất là cột đỡ vững bền cho hôn nhân nếu...

PGS, TS Trịnh Hoà Bình (Viện xã hội học) nhận định, không có chuyện đám cưới dựa trên tiền bạc sẽ bền vững còn đám cưới không có tiền bạc sẽ bất hạnh, ngược lại cũng không có mệnh đề cho đám cưới vì mục đích tiền bạc thì sẽ bất hạnh còn cưới không hề tính toán đến vật chất là có hạnh phúc. Nếu người ta đến với nhau mà không lấy xuất phát điểm vật chất, tiền bạc làm chủ đạo thì những cuộc hôn tốn tiền của cũng tốt. Sẽ không có gì đáng trách nếu người nào đó có được cơ may lấy chồng kinh tế mạnh, gia đình có sẵn tiềm lực.

Ngày nay nhiều người nghĩ rằng, người nào có nhiều tiền là người đó thành công, giỏi giang và không ít cô gái đã lấy tiêu chí đó để lựa chọn bạn đời. Đứng ở một góc độ nào đó, vật chất cũng có thể xem là cột đỡ vững bền cho hôn nhân nếu như chủ nhân biết xác định vai trò của nó. Họ cần phải hiểu vật chất chỉ là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc hôn nhân chứ không đóng vai trò quyết định.

Vụ đại gia nước đá trả dâu ở Nam Bộ vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngay từ ban đầu, cuộc hôn nhân hoàn toàn là toan tính không lành mạnh của những người trong cuộc. Bố cô dâu nghĩ rằng gả con vào chốn giàu sang thì cuộc đời sung sướng, hôn nhân sẽ hạnh phúc khi vật chất đầy đủ. Phần bố chú rể, cưới được cô dâu ngoan hiền, xinh đẹp kia sẽ tô điểm thêm cho sự giàu có của gia đình.

Vì vậy, ông bất chấp luôn con trai mình có yêu thương cô gái đó hay không. Kết quả, hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ "cưới trước yêu sau" ấy gặp bất hạnh. Nếu hai người đến với nhau vì tình yêu, biết trân trọng nhau thì trước sự cố clip sex kia sẽ có cách ứng xử khác. Nhưng vì không có được điều đó nên sự việc bị đẩy theo hướng xấu đi, hậu quả, người trở thành nạn nhân đáng thương, kẻ bị xem là nhẫn tâm, thiếu văn hoá...

 Ông Bình cũng cho biết, theo điều tra của xã hội học thì hôn nhân dựa trên nền tảng tính toán lành mạnh có độ bền vững hơn những cuộc hôn nhân có nền tảng từ tình yêu sét đánh. Nhiều bạn trẻ cho rằng, tiếng sét ái tình sẽ là cơ sở vững bền cho cuộc sống hôn nhân còn tình yêu sẽ giúp họ vượt qua tất cả mọi khó khăn trong cuộc sống.

Thực tế đã minh chứng không ít cuộc hôn nhân đến với nhau bằng tình yêu hoàn toàn lại nhanh chóng đổ vỡ ngay sau đó. Ngược lại những cuộc hôn nhân mà hai người có cùng trình độ văn hoá, tuổi tác, nhu cầu tình dục, vật chất thì cuộc sống hôn nhân sẽ bền vững hơn.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem