Chuyện bên Hồ Gươm
Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường Cách mạng Tháng Tám - những dấu tích lịch sử, nay là
điểm đến thân thuộc của người Hà Nội và du khách. Ảnh: K.T
Thả mình vào dòng người nơi phố cổ một lần, chưa thể kể hết những điều đặc trưng nơi hàng phố vào bài viết. Nhưng ai đã chạm tới từng con người, từng góc phố nơi đây, đều thấy được sự tự hào là công dân Thủ đô, là những con phố làm nên mùa thu cách mạng đang lẩn khuất ở trong chính những con người mà sẵn sàng mở lòng sẻ chia với người khác để chào đón bạn bè.
|
Cuối chiều, tôi một mình tìm đến quán cà phê Bốn Mùa ở góc đường Hàng Khay – Lê Thái Tổ, đây là chỗ ngồi khá đẹp và dễ dàng ngắm hồ Hoàn Kiếm. Bốn Mùa là quán ngoài trời, tọa lạc ngay mép hồ.
Không khí mùa thu mát dịu, ngồi đây nhìn thẳng ra phía mặt hồ, phóng tầm mắt tới tận đường Đinh Tiên Hoàng thật dễ chịu. Nhìn những lá phượng già bay trong gió, tôi liên tưởng tới những bàn tay dẻo của mấy mẹ, mấy chị làng Cốm Vòng sảy những hạt cốm đầu nia cũng mỏng như lá phượng.
Bỗng giật mình bởi tiếng một bé gái trong veo thắc mắc: “Cô ơi sao không phải là Bưu điện Bờ Hồ mà là VNPT Hà Nội?”. Tôi ngước lên nóc của bưu điện Bờ Hồ xưa, thấy tấm biển xanh và dòng chữ của ngành bưu chính, thoáng một chút hụt hẫng. Vì Bưu điện Bờ Hồ không chỉ là một biểu tượng của ngành bưu chính, mà nó thể hiện một giá trị văn hóa, sự chiến thắng, tình yêu của rất nhiều thế hệ thanh niên Thủ đô, giờ đây bị thay tên đổi họ kể cũng buồn, hụt hẫng.
... Tôi hóng chuyện, thì ra ở bên cạnh là một cô giáo dạy văn đang đưa mấy học trò trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi đi thực tế trải nghiệm, để những bài văn thấm đẫm hơn hơi thở cuộc sống.
Tôi rời quán để đi theo mấy cô cậu học trò sang phố sách Đinh Lễ. Ai biết chính xác con phố này chuyên bán mặt hàng sách từ bao giờ? Nhưng để hình thành con phố này cũng bắt đầu từ những hiệu sách cũ vỉa hè, mà nay tới đây ta có thể tìm thấy đủ các loại sách.
Và mặt hàng sách từ phố Đinh Lễ giờ lan rộng ra cả phố Nguyễn Xí, có những cửa hàng tít tận trong những con ngõ nhỏ chỉ vừa một xe đi vào, nhưng vẫn rất đông người đến mua sách. Cô nhân viên tên Trang của nhà sách số 5 Đinh Lễ chia sẻ: “Cửa hàng sách của ông bà nhà cháu, bán quanh năm, nhưng mỗi dịp sắp tới lễ Quốc khánh bao giờ cũng bán nhiều hơn”. Các bậc phụ huynh thường đưa con đến hiệu sách những ngày được nghỉ lễ, cũng là sắp khai giảng năm học mới, trong thời tiết mát mẻ người ta cũng chịu khó và kiên nhẫn hơn ở những cửa hàng sách. Nghe cô bé ở cửa hàng sách nói, thì ra thời tiết mùa thu cũng có tác dụng đáo để đến tinh thần học và đọc của trẻ em cũng như phụ huynh.
Dấu tích lịch sử và những chuyện ngày mới
Cũng khá tấp nập trong mùa thu cách mạng là hai phố chuyên bán cờ Tổ quốc- Hàng Bông và Hàng Gai. Cờ bán ở hai phố này chủ yếu được sản xuất ở làng nghề của xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội).
Theo những người bán cờ nhiều năm, để có một lá cờ đẹp vải may phải là thứ vải sa tanh của làng La Khê (Hà Đông, Hà Nội); chỉ may nhất định phải là loại chỉ được sản xuất ở làng Triều Khúc. Một lá cờ đúng là vị trí của ngôi sao vàng phải cân đối, trùng khớp nhau ở hai mặt, nhìn thì dễ thôi nhưng để làm ra một lá quốc kỳ chuẩn không phải thợ may nào cũng làm được (!?).
Càng gần đến ngày Quốc khánh và khai giảng năm học mới, phố bán cờ càng nhộn nhịp. Ông Hoàng Đình Trách (74 tuổi) - người có đến gần 50 năm làm nghề bán cờ chia sẻ: “Nhà tôi chủ yếu bán buôn, có thể phục vụ được tất cả các loại cờ. Từ những lá cờ nhỏ để các cháu thiếu nhi cầm vẫy, đến những lá cờ rộng 54m2 được treo trên cột cờ Lũng Cú (Hà Giang), hay cờ theo ngư dân ra biển khắp Hoàng Sa, Trường Sa... đều có thể xuất ra từ những con phố này của Hà Nội”.
Tôi đi dọc phố Tràng Tiền, đến quảng trường trước Nhà hát Lớn - còn được gọi là quảng trường Cách mạng Tháng Tám hay quảng trường 19.8. Dấu ấn lịch sử vẫn còn đây, nhưng quảng trường giờ đã là một địa điểm vui chơi công cộng.
Nếu hôm nào Nhà hát Lớn không có suất diễn hay các chương trình nghệ thuật, trước cửa những bậc thềm của nhà hát có đến cả trăm, người đến hóng mát, chuyện trò. Một điều rất hay là tuy đông người nhưng ai nấy đều rất có ý thức giữ trật tự và vệ sinh. Hình như những người ra đây, đều hiểu rằng họ đang đắm mình trong 1 di tích lịch sử văn hóa đẹp nhất Thủ đô, và thấy cần ý thức, ứng xử văn minh phù hợp với nơi đẹp đẽ này.
Những ngày sắp đến Quốc khánh, rất nhiều bạn trẻ chọn nơi này chụp ảnh làm kỷ niệm. Có ai đó đang nghĩ lớp trẻ bây giờ ít quan tâm tới lịch sử thì tới quảng trường Cách mạng Tháng Tám này, với Nhà hát Lớn này, có thể họ sẽ thấy mình đã nghĩ sai. Lớp trẻ luôn biết trân trọng lịch sử theo cách của riêng mình, hầu như bạn trẻ nào tới đây, khi tôi hỏi thì họ đều biết tới nơi là khởi nguồn cuộc cách mạng lịch sử tại Thủ đô 71 năm về trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.