UBND TP.Hà Nội vừa có thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp về các phương án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Theo đó, phương án chỉnh trang xung quanh hồ Hoàn Kiếm bao gồm 7 điểm nhấn: tháp Hòa Phong, vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, khu vực đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đền thờ Vua Lê, không gian ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu, khu vực đặt đồng hồ ngã tư Hàng Khay - Hàng Bài.
Các tuyến phố xung quanh khu vực Hoàn Kiếm sẽ được chỉnh trang.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu bổ sung nghiên cứu mở rộng kết nối với các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Dầu - Cầu Gỗ - Hàng Gai - Lương Văn Can - Bảo Khánh, Trần Nguyên Hãn, Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ, Tràng Tiền - Hàng Khay - Lê Thái Tổ …
Đồng thời, cần tổ chức lại giao thông tại các khu vực tập trung đông người và nghiên cứu gắn kết với nhà ga C9, phân luồng giao thông cho xe buýt, xe taxi, điểm đón trả khách. Khi triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có nghiên cứu bố trí xe bán hàng dịch vụ lưu động.
Về phương án chỉnh trang các mặt phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND TP.Hà Nội yêu cầu chỉ nghiên cứu thiết kế chỉnh trang mặt đứng các công trình tại các tuyến phố cụ thể xung quanh hồ Hoàn Kiếm về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, mái che, mái vẩy, đảm bảo thống nhất, hài hòa, văn minh, gắn với nét văn hóa đặc trưng.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định cụ thể về vị trí, kích cỡ biển hiệu, biển quảng cáo; nội dung thiết kế biển hiệu, biển quảng cáo do các hãng hàng hóa hoặc nhân dân tự đầu tư, thực hiện theo thiết kế được duyệt.
UBND TP giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và đơn vị liên quan tổ chức thông báo, vận động, thống nhất ký cam kết triển khai với từng hộ dân, các cơ quan, đơn vị trên mặt các tuyến phố.
Ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng giao UBND quận Hoàn Kiếm chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tổng hợp các nghiên cứu thiết kế của các đơn vị tư vấn đang nghiên cứu thiết kế khu vực hồ Hoàn Kiếm, báo cáo UBND TP trước ngày 10.7.
Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận chủ trương. Đồng thời tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tổ chức hội nghề nghiệp và nhân dân, hoàn chỉnh phương án thiết kế.
Trước đó, Hà Nội đã thí điểm tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên tại đường Lê Trọng Tấn. Trên tuyến phố này, các biển hiệu đều được thiết kế theo một mẫu nhất định với hai màu sắc cơ bản xanh và đỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.