Dân bản Khuông hợp sức làm cầu

Hồng Đức Thứ tư, ngày 15/10/2014 07:13 AM (GMT+7)
Sau bao năm chịu cảnh đi cầu tre vượt suối, giờ đây người dân bản Khuông thuộc xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) không còn phải hì hục làm cầu, trông cầu… khi mùa mưa, lũ đến. Đó là nhờ chính dân bản hợp lực làm nên cây cầu bê tông vững chãi.
Bình luận 0

Bất đắc dĩ làm… “kỹ sư”

Nhắc đến chuyện làm cầu vượt suối Hang Bang ở bản Khuông, thì từ người già đến trẻ nhỏ ở Nam Xuân hầu như ai cũng biết có công rất lớn của Trưởng bản Ngân Văn Sung. Chờ người dân báo tin khoảng 30 phút, một người đàn ông nhỏ thó với nước da rám nắng, khá nhanh nhẹn, chèo thuyền xuất hiện trước mặt chúng tôi. Tưởng ông lái đò, nhưng đó chính là Trưởng bản Ngân Văn Sung.

Ông Sung tâm sự: “Thấy bà con mình vất vả quá nên tôi muốn làm một điều gì đó giúp họ. Dù nuôi ý tưởng làm cầu từ rất lâu, nhưng nhờ có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nên giờ đây mới thực hiện được. Cũng đã không ít lần, bản xin Nhà nước đầu tư xây cầu, nhưng chưa được. Vì vậy, bà con chúng tôi phải tự thân vận động thôi. Khi tôi đưa ra ý tưởng làm cầu, bà con ai cũng đồng tình hưởng ứng. Vì thế, cây cầu nhanh chóng hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng”.

Ông Sung kể: Sau khi bàn bạc, bà con trong bản sống ven suối Hang Bang thống nhất đóng 150.000 đồng/khẩu. Tôi là người đứng ra chịu trách nhiệm về thiết kế kỹ thuật, kêu gọi bà con trong bản, trong xã đóng góp. Tổng cộng có 24 hộ đóng góp để xây cầu. Có một số cán bộ xã đóng góp thêm và nguồn quỹ của bản hỗ trợ thêm một chút ít...

“Những ngày xây dựng chiếc cầu này vui lắm! Tất cả mọi người trong bản đều dừng hết công việc của gia đình mình, để đi làm cầu. Người già thì nấu nước, trẻ nhỏ thì đi nhặt sỏi, đá dăm... Chúng tôi chỉ mua xi măng, thép và 1/2 số sỏi để trộn bê tông. Còn tất cả như: Cốp pha, luồng, ngày công, đá hộc, cát và số sỏi còn lại… đều do nhân dân tự đóng góp” – ông Sung cho biết. Hỏi ông làm cầu như vậy, xã có biết không? Ông cười, bảo: “Chúng tôi không dám báo cáo với UBND xã, huyện vì sợ mình không có bằng cấp… họ sẽ không cho thi công. Cầu làm xong đâu đấy, chúng tôi mới lên báo cáo với UBND xã”.

Nối những bờ vui

Xoải bước trên cây cầu Hang Bang, bà Ngân Thị Im (69 tuổi), tâm sự: “Cây cầu này là mong ước của không biết bao thế hệ của bà con nơi đây. Giờ đã thành hiện thực rồi, ai cũng vui mừng lắm. Nếu không có ông Trưởng bản Sung đứng ra chịu trách nhiệm, thì bà con chúng tôi không biết lúc nào mới có cầu để đi”. Trước đây, cây cầu được làm bằng luồng, bằng tre… đi lại rất dễ trượt ngã. Nhiều người địu ngô, địu lúa đi qua bị lọt chân xuống giữa những thanh luồng làm cầu tạm, rất nguy hiểm. Rồi mỗi lần khi lũ về, bà con phải phân công nhau ra trông cầu kẻo nước lũ cuốn cầu đi mất. Nhưng rồi, năm nào cũng phải làm lại cầu tạm, rất vất vả.

Cháu Ngân Văn Hải - học lớp 5 Trường Tiểu học Nam Xuân thì khoe rằng “từ ngày có cây cầu, chúng cháu không còn phải nghỉ học khi mưa lũ đổ xuống nữa”.

Về công trình cầu bê tông vượt suối Hang Bang, ông Nguyễn Hữu Đồng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa cho hay: “Nhận được thông tin, chúng tôi đã tổ chức lên kiểm tra. Tôi thấy cây cầu được xây dựng chắc chắn, phù hợp với con suối. Cán bộ chuyên môn về xây dựng ở huyện sau khi tính toán bảo rằng; với thiết kế của cây cầu này, nếu tính đúng giá hiện tại, thì phải chi phí tới 160- 170 triệu đồng”.

  Cầu vượt suối Hang Bang có tổng giá trị khoảng 40 triệu đồng, dài 12m, rộng 2m, cao 4m, xây dựng vào tháng 2.2014. Mỗi ngày có trên trăm lượt người dân thường xuyên qua lại. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem