“Dãn, giảm, lùi” chỉ là thuốc bổ với doanh nghiệp... "chưa chết"

Thứ hai, ngày 07/05/2012 15:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gói giải pháp, có thể gói gọn trong 3 chữ “dãn, giảm, lùi” mà Chính phủ đã công bố hôm qua có vẻ sẽ là liều thuốc bổ đối với những doanh nghiệp “chưa chết”. Có điều, cái khó của doanh nghiệp không chỉ là chuyện thuế.
Bình luận 0

Năm 2009, khi nhận danh hiệu “Người giàu nhất Việt Nam” với tổng tài sản lên tới hơn 12.000 tỷ đồng, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức “khiêm tốn”: Dù khủng hoảng có qua hay không qua thì chắc chắn tôi sẽ trở thành tỷ phú đô la trong năm 2010. Và “nếu tài sản của tôi là 1 tỷ USD thì tài sản của Công ty sẽ là 2 tỷ USD”.

Bấy giờ, không ai nghi ngờ sự “khiêm tốn” của ông cả. Chí ít, ông cũng là người “chơi” máy bay đầu tiên ở Việt Nam, từng tuyên bố mua lại cổ phần của CLB Arsenal… Nhưng đến năm ngoái, giấc mơ tỷ phú đô la của ông Đức bị một cú nốc ao khi số tiền “trong két” chỉ còn lại 4.348 tỷ đồng, mất trắng 70% chỉ trong 1 năm do giá cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) giảm thảm hại.

Còn hôm qua, những thông tin chính thức cho thấy HAGL nợ tới 15.493 tỷ đồng, tương đương với 63% tổng tài sản. Nhắc đến khoản nợ khổng lồ của một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam, của người 4-5 năm liền nằm trong top 2 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chỉ để thấy đó là chuyện “bình thường” khi mà số DN “đắp chiếu” 2 năm qua đã ngót con số 100.000, chưa tính đến số “đã chết nhưng chưa báo tử”.

Gói giải pháp, có thể gói gọn trong 3 chữ “dãn, giảm, lùi” mà Chính phủ vừa công bố có vẻ sẽ là liều thuốc bổ đối với những DN “chưa chết” như HAGL. Có điều, cái khó của DN không chỉ là chuyện thuế, hoặc nói như TS Lê Đăng Doanh là “chúng ta đang ở trong tình cảnh “DN đã "chết" và "chết lâm sàng" nhiều hơn là DN "sống". Đã chết, đã kiệt sức thì lấy đâu ra doanh thu, ra lợi nhuận mà nói chuyện dãn hay giảm.

Cái khó của các DN giờ nằm ở cả 3 khâu: Nguồn vốn- vừa thiếu vừa đắt. Chi phí đầu vào, trong đó gánh nặng là các loại “phí như thuế” - tăng liên tục. Và hàng hóa- làm ra rồi chất đống trong kho vì không tiêu thụ được.

Tuy nhiên, trong đúng ngày Chính phủ công bố gói cứu giúp DN, trong đó có giải pháp lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ để đỡ đi khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng chi phí, thì thật nực cười, Bộ Công Thương lại đề xuất thêm phí “điều tiết điện lực”.

Có lẽ, gói giải pháp “dãn, giảm, lùi” chỉ thực sự có ý nghĩa khi các loại phí đánh vào túi người dân, làm tăng chi phí giá thành sản xuất phải được xem xét cân nhắc trên quan điểm khoan thư sức dân. Cũng như giải pháp “dãn, giảm, lùi” phải được thực hiện song song với việc kích thích sức mua.

Muốn gỡ khó cho sản xuất, phải gỡ khó cho người mua trước đã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem