Mua thuốc diệt cỏ về xịt cho… lạc chết
Cây lạc không có củ hoặc củ bị chay khiến gia đình ông Trần Văn Hùng lỗ trên 80 triệu đồng. Ảnh: Chúc Ly
Trung bình một công lạc cho năng suất từ 700-800kg. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện An Phú, tổng diện tích lạc tại địa phương là 282ha, trong đó có khoảng 240ha bị thiệt hại với tỷ lệ năng suất giảm khoảng 70%. Cụ thể diện tích thiệt hại ở các xã như sau: Xã Phú Hữu 200ha, xã Phước Hưng 18ha, Vĩnh Lộc 21ha, Đa Phước 1,2ha.
|
Những ngày nay, đi đến các xã Phú Hữu, Phước Hưng của huyện An Phú, dễ bắt gặp những cánh đồng lạc bát ngát. Đây là tài sản lớn của nhiều gia đình. Nhưng trớ trêu thay, không ít hộ đang khốn đốn trước việc rất nhiều diện tích lạc không có củ hoặc chỉ có một vài củ khi đến ngày thu hoạch.
Chỉ tay về hướng 14,5 công (1.300m2) lạc xanh tốt đã được 75 ngày tuổi, ông Trần Văn Hùng (ngụ ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng), ngao ngán nói: “Nhìn vậy chứ nhổ lên thì chỉ thấy toàn rễ, hiếm hoi có những bụi có củ thì chỉ được vài củ, còn lại là củ bị chay hoặc không phát triển. Xem như diện tích lạc của nhà tôi thiệt hại 100%”.
Gia đình ông Hùng không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu nhờ vào diện tích lạc trồng trên đất thuê. Theo ông Hùng, với 14,5 công lạc này, chi phí đầu tư và tiền thuê đất là khoảng 8 triệu đồng/công. Tổng thiệt hại của gia đình ông khoảng 80 triệu đồng.
“Tôi trồng lạc đã 6 năm nay nhưng chưa bao giờ gặp cảnh này. Hồi trước tiền thuê nhân công nhổ là 400.000 đồng/công, còn tiền nhặt lạc là 10.000 đồng/thúng (10kg) nhưng bây giờ tiền thuê nhặt lạc lên đến 45.000 đồng/thúng mà người ta cũng không nhận làm vì không có củ. Với diện tích hiện tại, tôi kêu người ta vào cho không luôn nhưng họ cũng chê vì không có củ, nhổ chỉ tốn công chứ không được gì” – ông Hùng ngậm ngùi.
Cùng cảnh ngộ, bà Bùi Thị Thủy (ấp Phước Hòa) phải mua thuốc diệt cỏ về xịt cho cây lạc tự chết để trồng cái khác, vì chi phí thuê nhân công nhổ bỏ rất cao.
Dẫn chúng tôi ra đồng xem nhưng cây lạc đang rụi lá và chết khô, bà Thủy cho hay: “Tiền nhân công nhổ trung bình từ 400.000-500.000 đồng/công, trong khi lạc không có củ thì coi như lỗ thêm nên tôi quyết định mua thuốc về xịt cho nó tự chết. Vụ này tôi cũng lỗ khoảng 6 triệu đồng”.
Cũng theo bà Thủy, đa số người trồng lạc ở đây đều gặp cảnh tương tự, số ít có những diện tích mỗi bụi vẫn có vài củ nhưng cũng đành bỏ luôn vì thuê không ai chịu lặt.
Chưa xác định được nguyên nhân
Đại diện Phòng NNPTNT huyện An Phú cho biết: Nguyên nhân ban đầu xác định được là do khi cây lạc đang ở giai đoạn làm củ thì gặp ngay đợt nắng nóng, nhiệt độ cao khiến hoa của cây lạc bị hư, dẫn đến không tạo củ được.
Tuy nhiên, theo nhiều nông dân có kinh nghiệm trong trồng lạc cho biết, thực tế có hộ xuống giống ngay thời điểm có mưa, kéo dài đến lúc gần thu hoạch thì cũng bị tình trạng tương tự. Hoặc một số người lại cho rằng do điều kiện canh tác đất lâu năm nên cây không ra củ, nhưng đối với những người mới bơm cát lên để trồng thì cũng gặp cảnh không củ.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mai Văn Bộ - Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú, cho biết: “Chúng tôi đã gửi mẫu về Sở NNPTNT và các nhà khoa học để xác định nguyên nhân và đang đợi kết quả chính thức. Những người trồng lạc tại địa phương cũng rất khó khăn, chi phí trồng lại cao nên phòng cũng đang tổng hợp danh sách để đề xuất sở có hướng hỗ trợ, giúp đỡ đối với những hộ nghèo bị thiệt hại nặng nhằm ổn định sản xuất”.
Cũng theo ông Bộ, các ruộng lạc ở đây đa số sử dụng giống do dân địa phương tự trồng ở các vụ trước. Thời gian tới cũng nên xem xét lại chất lượng nguồn giống để đảm bảo không có sự việc đáng tiếc xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.