Anh Đào là nữ diễn viên được đông đảo khán giả biết đến nhờ vai chính Thanh trong bộ phim Lối về miền hoa. Với lối diễn mộc mạc, gương mặt mới mẻ cùng sự kết hợp duyên dáng với bạn diễn Trọng Lân, Anh Đào đã để lại ấn tượng tốt cho khán giả theo dõi phim truyền hình.
Sau đó, Anh Đào đóng phim Đấu trí của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng với vai một nữ công an kinh tế. Điều đặc biệt, Anh Đào là bóng hồng duy nhất trong dàn cảnh sát mới của phim Đấu trí. Trong cuộc trò chuyện với Dân Việt, Anh Đào đã không ngại chia sẻ những chuyện hậu trường khi lần đầu cô vào vai công an.
"Thú thật, tôi cảm thấy khá áp lực khi vào vai diễn này. Trước đây, tôi chưa từng tìm hiểu bất cứ điều gì về ngành công an. Trong khi đó, đây lại là một ngành nghề mang tính đặc thù cao, rất nhiều bí mật và có những quy chuẩn về mặt ngôn từ, hình ảnh rất cao. Bởi vì ngành nghề quá khác với mình nên khi bắt đầu đi quay, tôi cũng gặp phải nhiều áp lực, khó khăn.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác quay xong một phân cảnh mà miệng vẫn cứ lẩm bẩm lời thoại. Vậy mà khi đảm nhận vai Thiếu uý Phương Linh tôi cứ lẩm nhẩm, ám ảnh việc học thoại trong đầu. Cũng có thể do đây là một vai diễn thử thách với mình nên tôi tự mình áp lực.
Như các phim khác, tôi có thể học thoại tại nhà trước khi đến quay, nhưng với kịch bản phim Đấu trí thì rất khác. Ý lời thoại trong kịch bản thì đúng, nhưng từ ngữ chuyên ngành chưa thực sự chuẩn xác. Vậy nên khi đến trường quay chúng tôi sẽ luôn có tổ chuyên môn để tư vấn và chốt lại hết lời thoại. Như NSND Trung Anh cũng từng chia sẻ, lời thoại trong phim thực sự khó nhằn, có khi thoại nhịu đến méo cả miệng".
Bảo Anh
Diễn viên Bảo Anh được đông đảo khán giả biết đến là một diễn viên nam chuyên vào vai công an trên màn ảnh qua các bộ phim: Mạch ngầm vùng biên ải;Khúc ca cho tình nhân;Người phán xử;Lật mặt;Kẻ sát nhân... Một trong những vai diễn để đời của Bảo Anh chính là nhân vật Bảo "ngậu", một cảnh sát hình sự trong bộ phim Người phán xử. Sự thành công của vai diễn đã khiến nhiều khán giả cứ thấy Bảo Anh trên phim nào cũng đinh ninh anh là cảnh sát ngầm.
Chia sẻ với Dân Việt về hình tượng nhân vật dường như đã gắn chặt với sự nghiệp của mình, Bảo Anh bày tỏ: "Mỗi dạng vai sẽ có điểm khó và dễ. Với vai công an tưởng là dễ nhưng cũng không phải vậy. Bởi vì nếu như làm 10 nhân vật có 10 cuộc đời, 10 số phận khác nhau hoàn toàn thì dễ dàng thể hiện sự khác biệt trong các nhân vật. Khán giả luôn thắc mắc vì sao tôi chỉ làm những vai hình sự, coi đó là thói quen và con đường mòn của tôi. Nhưng thực tế, tôi cũng phải rất vất vả, đau đầu để tìm ra hướng đi mới cho nhân vật cũ. Cùng một màu áo xanh ấy nhưng lại phải làm thế nào để khán giả thấy những con người khác nhau, những tính cách khác nhau mới là điều khó".
Sau bộ phim Người phán xử, kể cả tôi có làm vai gì người ta cũng nghi tôi là cảnh sát ngầm. Gần đây, tôi có tham gia phim Ga-ra Hạnh phúc, với vai Khải – một anh thợ sửa xe nhưng có nhiều người lại nói đùa là biết đâu bất ngờ, đến gần cuối phim khán giả mới "tá hỏa" vì loạt thợ sửa xe trong gara lại là cảnh sát nằm vùng điều tra phá án thì sao?".
Thanh Sơn
Nam diễn viên Thanh Sơn được khán giả nhớ đến với những vai diễn trai ngoan hiền lành, "soái ca" trong các bộ phim: 11 tháng 5 ngày;Đừng bắt em phải quên;Nàng dâu order... và đến năm 2022, Thanh Sơn đã có sự "lột xác" bất ngờ khi đảm nhận vai diễn Đại úy Vũ trong phim Đấu trí. Đây là vai diễn đã giúp cho Thanh Sơn giành được giải Nam diễn viên ấn tượng nhất VTV Award 2022.
Giải thích về lý do muốn đóng vai công an, Thanh Sơn thổ lộ với Dân Việt: "Và vai diễn công an thực sự là một vai diễn thử thách với diễn viên, đòi hỏi diễn viên phải thể hiện sao cho vai công an nổi bật hơn vai tội phạm. Bởi vì trong một vụ án, khán giả thường nhớ đến tên của tội phạm hơn là công an. Đó là thử thách mà tôi muốn đương đầu để có thể để lại dấu ấn thực sự mạnh trong lòng khán giả. Vai diễn công an này là một thử thách thu hút tôi, là điều tôi cần để bứt phá bản thân mình.
Điều tôi lo lắng nhất khi vào vai công an chính là sự rập khuôn, đóng khung và khô cứng. Đến bây giờ, khi thực hiện các cảnh quay, nhất là những cảnh quay trong phòng họp vẫn luôn khiến tôi phải suy nghĩ, phải đấu trí. Học thoại đã khó rồi nhưng phải làm sao để nói ra một cách tự nhiên nhất. Chính vì lẽ đó, tôi phải cố gắng để tạo được bầu không khí thoải mái, tự nhiên khi vào vai".
Đặc biệt, nam diễn viên cũng nhớ về những cảnh hỏi cung: "Trong Đấu trí, tôi phải đấu mắt rất nhiều, nhất là trong những cảnh hỏi cung. Đây là bộ phim mà tôi diễn đến đau mắt luôn (cười). Có thể khán giả không biết, ngoài lúc đóng phim, các diễn viên cũng phải luyện tập đấu mắt với nhau. Có một kỷ niệm "dở khóc dở cười" mà tôi nhớ là khi hỏi cung anh Doãn Quốc Đam. Như bạn đã biết, khi hỏi cung ánh mắt phải nghiêm nghị, cương trực, nghiêm túc nhưng mắt anh Đam cứ nháy liên tục làm tôi bị nháy theo và cảnh quay đó phải quay lại rất nhiều lần".
Phan Thắng
Phan Thắng (sinh năm 1995) từng theo học khóa đào tạo làm MC nhưng sau đó quyết định thi vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và theo đuổi nghiệp diễn. Vai diễn đầu đời của Phan Thắng là tên côn đồ "Đầu Bò" trong Trái tim có nắng nhưng cái duyên trên màn ảnh của anh chàng lại gắn liền với vai công an.
Vai diễn công an của Phan Thắng được khán giả yêu thích nhất nhưng cũng tạo cho anh không ít áp lực, bởi trước đó, không ít "soái ca" màn ảnh nhỏ đã vào vai rất ngọt. Không những vậy, thời gian phát sóng của hai bộ phim lại khá sát nhau nên Phan Thắng không khỏi lo ngại vai diễn Thượng úy Lê Thanh Bình - đội trưởng đội trinh sát trong Mê cung và Lê Anh Thái - trưởng phòng điều tra của Sinh Tử bị trùng lặp, khiến khán giả bị lẫn và cảm thấy nhàm chán.
Vì vậy, Phan Thắng luôn dành khá nhiều thời gian nghiên cứu kịch bản và tính cách nhân vật, tìm hiểu kỹ về nghề nghiệp mà mình sẽ đóng để có thể diễn tròn vai. Nam diễn viên trẻ không ngại lăn xả, phơi nắng cho da đen đi, thức đêm cho có bọng mắt, tăng lên khoảng 6kg để phù hợp với hình tượng U40 già dặn, gai góc.
Thậm chí, Phan Thắng còn phải nhờ cậy một người bạn làm trong ngành công an, đi theo trong lúc họ làm nhiệm vụ và thường xuyên quan sát, học theo từ ánh mắt tới cử chỉ, cách nói chuyện, ăn mặc của người lãnh đạo, sao cho ra được hình tượng của một Trung tá ở độ tuổi tứ tuần, có tính cách thâm trầm, đĩnh đạc.
Để cảnh phim được chân thực nhất, Phan Thắng luôn trực tiếp diễn những cảnh nguy hiểm mà không dùng đến diễn viên đóng thế hay kỹ xảo hình ảnh. Khả năng ứng biến nhanh nhạy và nhiệt huyết với nghề của Phan Thắng được đạo diễn và đồng nghiệp đánh giá cao, những lời động viên từ thế hệ trước đã tạo thêm động lực để nam diễn viên ngày càng nỗ lực hơn trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.