Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể

Văn Ngọc - Thanh Tâm Thứ tư, ngày 03/04/2024 05:55 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Sơn La chú trọng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, từ đó giúp hội viên nông dân tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo việc làm và tăng thu nhập.
Bình luận 0

Clip: Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ chị hội nông dân nghề nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế tập thể

Hội Nông dân tỉnh Sơn La có trên 171.000 hội viên, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, vận động các cấp hội nông dân tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác, thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp để cùng nhau phát triển sản xuất, kinh doanh trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Trao đổi với phóng viên, ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn, tập hợp các mô hình, hộ sản xuất, trang trại, tham gia thành lập mô hình kinh tế tập thể để cùng nhau phát triển sản xuất.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ phân bón hữu cơ và vô cơ cho Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả và nuôi ong xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Từ các việc làm trên, các HTX, tổ hợp tác và chi hội nông dân nghề nghiệp đã được thành lập và từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, đi theo đúng chủ chương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể. Qua đó từng bước tạo được những sản phẩm hàng hóa tập chung, sản xuất tập chung theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông nghiệp trên địa bàn.

"Năm 2023, chúng tôi đã xây dựng 3 mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng" trong xây dựng Nông thôn mới như: mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp trong việc thâm canh và cải tạo vườn cây ăn quả có múi tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn; mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp hoạt động theo nguyên tắc trong việc trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong mật tại xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai; mô hình Chi hội nông dân nghề trong việc thâm canh và cải tạo cây xoài trồng tại xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu với tổng trị giá hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng" ông Khuyên nói.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 2.

Ra mặt Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả và nuôi ong xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Với Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được thành lập trên cơ sở của HTX Trường Tiến với 15 hội viên với quy mô 15ha cây ăn quả có múi gồm: Cam, bưởi và Quýt. Đây là một trong những mô hình kinh tế tập thể được Hội nông dân tỉnh Sơn La hướng dẫn và hỗ trợ thành lập.

Mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp góp phần mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo việc làm cho nông dân, phát huy được tiềm năng và thế mạnh ở địa phương, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Ông Hoàng Văn Chất, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Việc hình thành và phát triển hợp tác xã kiểu mới, chi hội nông dân nghề nghiệp đã thể hiện được vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Chi hội hoạt động theo nguyên tắc "5 tự, 5 cùng", tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và "5 cùng" cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 3.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ phân bón cho Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Chi hội, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên với nông dân toàn xã trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, nhanh và bền vững. Khẳng định vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, ngoài việc hướng dẫn hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, Hội nông dân tỉnh Sơn La đã hỗ trợ Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban hàng chục tấn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

"Sau hơn 1 năm thành lập, đã có khá đông nông dân trong xã đến đề nghị được học tập kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, các thành viên của Chi hội đã nắm vững quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, từng bước tiếp cận với sản xuất hữu cơ. Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên", ông Chất nói.

Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La số hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 58.435 hộ = 100% so với kế hoạch; trong đó có 30.069 hộ đạt danh hiệu SXKDG các cấp = 102% so với chỉ tiêu giao.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 4.

Mô hình cây ăn quả của thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tập thể

Cũng theo ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, việc triển khai phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Các HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đã được thành lập, tuy nhiên việc điều hành các tổ chức này hoạt động có nhiều hạn chế do năng lực quản lý của các hội viên nông dân, ban quản chị, ban giám đốc của HTX, các chi hội trưởng năng lực còn hạn chế, dẫn đến hoạt động động sản xuất kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Nguồn lực, vốn đầu tư HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp vẫn còn ít.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 5.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La tập huấn phương pháp chăm sóc cây ăn quả có múi cho hội viên nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Đối với việc triển khai Quyết định 182 của Thủ tướng về phê duyệt đề án, Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Để triển khai có hiệu quả Quyết định, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chủ động phối hợp với các sở ngành, chủ động xây dựng các kế hoạch cho UBND tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện đề án. Đến nay Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã dự thảo xong các kế hoạch và xin ý kiến các sở ngành trình UBND tỉnh xem xét và phê duyệt kế hoạch để tổ chức triển khai trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, thời gian tới để thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân tỉnh Sơn La tập trung rà soát các HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp hoạt động trong từng lĩnh vực nào, để từ đó có những hướng dẫn, đào tạo cho đạt được hiệu quả hơn. Đối với HTX, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp không phát triển, không hiệu quả có thể chuyển đội sang nghề nghiệp khác để hoạt động.

Dân Sơn La có của ăn của để, hiệu quả chăn nuôi, trồng trọt tốt hơn khi nông dân tham gia kinh tế tập thể- Ảnh 6.

Đên nay các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đem lại những lợi ích cho hội viên nông dân. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, các cấp hội nông dân tích cực tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về phát triển kinh tế tập thể trong tình hình mới; quyền, trách nhiệm và lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để thu hút hội viên, nông dân tham gia. Phát huy vai trò của Hội tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2030. 

Hội triển khai Chương trình sáng tạo, khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP và phát triển hợp tác xã, phát triển du lịch nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem