Trong phiên mở đầu hội nghị khẩn cấp của Hội đồng AL, ông Arabi kêu gọi HĐBA ra quyết định chiểu theo điều 7 Hiến chương LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Syria để hối thúc ngừng bắn và bảo vệ dân thường Syria. Tuy nhiên ông Arabi cũng nhấn mạnh rằng, lực lượng này sẽ không tham gia bất kỳ hoạt động chiến đấu nào.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 13.1 (theo giờ địa phương), máy bay chiến đấu của Syria ném bom các khu ngoại ô thủ đô Damascus, giết chết ít nhất 9 người trong đó có một số trẻ em, trong một cuộc tấn công của lực lượng chính phủ nhằm đánh bật phe nổi dậy ra khỏi các địa điểm chiến lược quanh thủ đô. Trong khi đó Liên Hợp Quốc cũng cho biết, khoảng một triệu người Syria sống không đủ lương thực và nhiên liệu. Tình trạng gia tăng bạo động gây trở ngại cho việc phân phối phẩm vật cứu trợ tại khắp quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.
|
Một em bé Syria trơ trọi bên ngôi nhà đổ nát do đạn pháo. Ảnh NPR |
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi trợ giúp 1,5 tỉ USD để cứu hằng triệu người Syria đang phải chịu đựng trường hợp mà họ gọi là tình hình nhân đạo xấu đi nhanh chóng. Tuy nhiên, lời kêu gọi này không được đáp ứng khiến người dân Syria ngày càng trỏ nên tuyệt vọng.
Liên Hợp Quốc ước tính rằng có khoảng 4 triệu người tại Syria cần được cứu trợ khẩn cấp, trong đó có khoảng 2 triệu người phải di cư vì các cuộc giao tranh giữa quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy tìm cách lật đổ ông. Các nước phương Tây như Mỹ, Pháp, Anh kêu gọi ông Assad từ chức để chấm dứt bạo lực ở Syria, trong khi đó Nga cho rằng, nếu ông Assad ra đi, tình hình lại trở nên rối ren hơn.
Trong một phát biểu ngày 13.1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định việc phế truất Tổng thống Syria Assad không phải là một phần của những thỏa thuận quốc tế trước đây về cuộc khủng hoảng ở Syria và cũng không thể làm được điều đó.
Ông Arabi cũng cho biết cuộc đàm phán với Đặc phái viên chung của LHQ-AL về Syria, ông Lakhdar Brahimi, đang diễn ra nhằm tìm kiếm cơ chế giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, theo ông Arabi, trong tương lai gần sẽ không có giải pháp rõ ràng nào.
Nhật báo "al-Watan" của Ảrập Xêút ngày 14.1 dẫn nguồn tin tình báo cho biết Tổng thống Syria Bashar Assad hiện đang ở trên một tàu chiến ở Địa Trung Hải cùng với gia đình và được Nga bảo đảm về an ninh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Lebannon Adnan Mansour cho biết “số người tị nạn Syria ở Lebannon đã đạt con số 200.000 người và 75% trong số đó là trẻ em và phụ nữ, tạo ra một gánh nặng to lớn ở Lebannon”. Hiện Lebannon đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn và giảm bớt khó khăn của người tị nạn cho đến khi họ trở về nước.
Trong một diễn biến khác, ngày 13.1 ông Bassam Abu Sharif, nguyên cố vấn của cố lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, cho biết các lực lượng đặc biệt của Israel, Anh và Pháp hiện đang có mặt tại Syria để giúp các nhóm phiến quân vũ trang chiếm các căn cứ không quân của quân chính phủ.
Ông Sharif dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây tiết lộ rằng một nhóm các chuyên gia quân sự của ba nước trên đã xâm nhập Syria cách đây vài tháng sau khi vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Lebannon. Nhiệm vụ chính của nhóm này là giúp phiến quân chiếm các sân bay quân sự của Syria và đánh cắp công nghệ tên lửa và vũ khí của Nga mà họ tìm thấy tại các địa điểm này.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.