Đang chuyển thiết bị, lương thực, thuốc men vào xã Na Mèo

Nhóm PV Chủ nhật, ngày 04/08/2019 17:44 PM (GMT+7)
Lực lượng chức năng đã tiếp cận được bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa), từng chút lương thực, thuốc men đang được chuyển vào khu vực này. Phóng viên Dân Việt cũng đang tiếp cận bản Sa Ná.
Bình luận 0

16h ngày 4/8, những chuyến ca nô chuyển người, lương thực, thuốc men vào bản Sa Ná, xã Na Mèo vẫn đang chạy đua trước khi trời tối.

img

Bộ đội Biên phòng đang chuyển thực phẩm để dùng ca nô đưa vào bản cho dân xã Na Mèo.

Nhờ sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, phóng viên Dân Việt được tạo điều kiện để vượt sông Luồng và tiếp tục đi bộ khoảng 4km từ bản Bo để vào bản Sa Ná, xã Na Mèo.

img

Thượng úy Nguyễn Hữu Cừ - Đồn biên phòng Quốc tế Na Mèo ăn vội gói mì tôm trong khi cứu nạn, cứu hộ.

Từ trong bản Sa Ná, em Nguyễn Minh Lâm (sinh năm 2004) bị đa chấn thương được lực lượng chức năng chuyển bằng ca nô vượt 3km sông Luồng để đưa ra thị trấn điều trị.

img

Em Lâm được lực lượng bộ đội chuyển ra ngoài điều trị.

Em Lâm cho hay, khi nghe tin lũ, người dân di chuyển tới nhà văn hóa thôn là nơi cao nhất trong bản để tránh lũ nhưng nước dâng lên quá nhanh và quá mạnh khiến nhiều người cũng bị cuốn đi.

img

Ông Lương Văn Chon bám vào nhành cây đã được cứu.

Là người được cứu giữa dòng nước lũ khi bám được vào ngọn cây và được lực lượng chức năng giải cứu, ông Lương Văn Chon (52 tuổi, ở bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) vẫn còn thất thần: "Cả đời tôi chưa thấy lũ lớn thế này. Nước lũ cuốn tôi đi, tôi cứ thế huơ tay cố bám víu được cái gì thì bám nhưng hy vọng sống là không còn. May sao vướng vào thân cây và được biên phòng, bộ đội, công an cùng người dân cứu".

img

Lực lượng chức năng vượt sông Luồng bằng ca nô.

Anh Hoàng Xuân Luyến (bản Sa Ná) may mắn sống sót vì bám vào cành tre cho hay vợ và 2 con nhỏ vẫn chưa thể liên lạc được.

img

Đường vào Sa Nà, Na Mèo bị cô lập tách biệt hoàn toàn.

Ông Phạm Văn Tiệu - Chủ tịch UBND xã Na Mèo cho biết, vào bản Sa Ná đang rất khó khăn, bản cách quốc lộ 217 hơn 7km, muốn vào phải đi ca nô vượt sông Luồng và đi bộ khoảng 5km. Đã có một số người vào được trong bản, số còn lại đang tiếp cận.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Bí thư huyện ủy Quan Sơn cho biết: Hiện có 500 cán bộ chiến sỹ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trong đó có 390 cán bộ, chiến sỹ là lực lượng của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cùng với lực lượng các ban, ngành, đoàn thể địa phương và người dân chia thành 3 mũi phối hợp tìm kiếm dọc 2 bên sông Luồng thuộc các xã Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn và xã Na Mèo (Quan Sơn). Các mũi được chia làm nhiều nhánh, tổ để tìm kiếm. Trên địa bàn huyện Quan Sơn hiện nay nước sông chảy xiết, địa hình nhiều nơi bị chia cắt do mưa lũ nên việc tìm kiếm vẫn gặp nhiều khó khăn.

img

Bản Sa Ná (xã Na Mèo) tan hoang sau lũ dữ.

Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng mới tìm kiếm được 7 người đưa vào bờ an toàn và đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Quan Sơn và xã Na Mèo. Hiện 12 người ở bản Sa Ná xã Na Mèo và bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy vẫn chưa được tìm thấy.

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Sơn đã thường trực tại các địa bàn xã, khu vực xung yếu để chỉ đạo công tác phòng, chống và giảm thiểu tối đa những thiệt hại có thể xảy ra do lũ ống, lũ quét. Lực lượng chức năng tiếp tục huy động lực lượng phương tiện, thiết bị bố trí cắm tại các bản, trực chỉ huy, trực gác và xử lý sự cố, đồng thời cảnh báo, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra.

img

Một điểm sạt lở trên tuyến đường lên huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, diễn biến mới nhất về hoàn lưu bão số 3, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 14 giờ ngày 4/8, hoàn lưu bão số 3 đã làm 4 người chết và 13 người mất tích ở Thanh Hóa.

Những người thiệt mạng cụ thể là anh Thao Văn Súa - Trưởng công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; anh Vàng A Lâu ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa; bà Trần Thị Tư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; cháu Lò Văn Nghị (9 tuổi), trú tại bản Cảnh Lay, xã Phình Giàng, tỉnh Điện Biên);

Chiều 4/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai có công văn đề nghị các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão tập trung giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Tại địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ngày 4/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã cử thêm 1 đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu, trực tiếp đến tận huyện Quan Sơn, Thanh Hóa.

Đoàn xác định việc đầu tiên là cùng với lực lượng tại địa phương khắc phục và đảm bảo công tác thông tin thông suốt, tiếp cận để cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho nhân dân các bản bị chia cắt, cô lập; khẩn trương tìm kiếm người mất tích; kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị.

"Hiện nay, lực lượng quân đội đã đưa sẵn các trang thiết bị để khi vào đến vùng bị chia cắt có thể đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo. Phải đảm bảo thông tin liên lạc và tiếp cận được với 17 bản trong đó đang có 7 bản bị chia cắt của huyện Quan Sơn," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý sau bão, cần tiếp tục rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng phương án ứng phó; tổ chức canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.

Các đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến hồ Hòa Bình, các hồ đang thi công, lũ trên một số sông, suối; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố và đang thi công...

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tiếp tục tăng cường công tác dự báo về diễn biến mưa lũ và có thông tin cảnh báo kịp thời.

Cùng với các đoàn công tác của Trung ương, hiện nay, các địa phương cũng đang tích cực tập trung lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả bão, mưa lũ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem