Đắng lòng bữa cơm thời "bão giá" của công nhân, lao động, cắt sữa của con để giảm chi tiêu...

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 18/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Hết dịch Covid-19 lại đến những ngày "bão giá", chưa bao giờ đời sống công nhân lao động, người thất nghiệp lại vất vả đến thế.
Bình luận 0

Chị Hiền chi sẻ về khó khăn khi gia đình đối mặt với bão giá. VD: N.T


Cắt sữa của con để giảm chi

18 giờ tối, khi ánh mặt trời vừa tắt, chị Nguyễn Thị Hiền (quê Nghệ An) mới tất tưởi chạy xe về tới xóm trọ ở thôn Cổ Bối, (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội). Vừa về nhà sau một ngày làm việc dài, phải tăng ca, chị lại tất bật chuẩn bị cơm nước cho các con.

Mâm cơm tối đạm bạc duy chỉ 2 món, canh và mấy con cá chỏng (cá biển bé- PV) sốt cà chua. 2 đứa con nhỏ, vội bê bát cơm chan bát canh nước rau bắp cải luộc húp vội. Bữa cơm ăn nhanh phần vì vội để kịp giờ cho con học online, phần vì cũng chẳng có nhiều đồ ăn. 

Dù cuộc sống vất vả, ngày nào cũng chỉ ăn vài món đạm bạc nhưng chúng cũng hiểu và chẳng vòi vĩnh gì thêm vì biết mẹ đã rất cố gắng để có thể gồng gánh nuôi cả gia đình. Nhìn mâm cơm chẳng có gì chị Hiền tỏ ái ngại, giải thích: "Nay vì bận quá em không đi chợ được, lương lại chưa về nên còn đồ ăn từ hôm qua em cho các con ăn tạm".

Đắng lòng bữa cơm chỉ 2 món của công nhân, lao động ngày "bão giá" - Ảnh 2.

Căn phòng nhỏ, chật chội, ẩm mốc chưa đầy 10m2 không có vật gì giá trị chỉ đủ kê cái bếp, cái giường và cái bàn học là nơi trú ngụ của 4 thành viên gia đình chị. "Biết là chật chội, nhưng ở lâu thành quen, với lại không có tiền nên đành chấp nhận thôi. Giờ  cả nhà chỉ mỗi em là lao động chính, thế nên tiền lương chỉ đủ tiền ăn là may rồi chị", chị Hiền than thở.

Chị Hiền cho biết, dịch Covid-19 đến khiến cho hầu hết công nhân rơi vào cảnh khốn khó. Người mất việc, người giảm việc. Chị tuy không mất việc nhưng công việc ít, thu nhập giảm sâu, chồng lại không có việc. Chị Hiền nhẩm tính, với 7 triệu đồng tiền lương, mỗi tháng chị phải chi trả các khoản như: nhà trọ, điện nước (1,2 triệu đồng) tiền ăn, mua sinh hoạt phí hết  3 triệu đồng; tiền sữa cho các con 500 nghìn đồng; tiền thuốc men 1,5 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền học của con. Nếu các con đi học lại chắc là tiền lương không đủ cho chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

lmaj phát công nhân khốn khó

Dãy nhà trọ cũ, tồi tàn cứ vào mùa mưa nước ngập lên tới cửa phòng nhưng vì không có tiền thuê nơi khác nên hàng chục gia đình vẫn bám trụ ở đây. Ảnh: N.T

"Bình thường một ngày chị chỉ chi khoảng 100 nghìn đồng cho mua lương thực, thực phẩm ăn uống giờ thì cắt giảm xuống còn 70-80 nghìn đồng. Tính ra mỗi bữa cơm chỉ 35-40 nghìn đồng cho 3-4 miệng ăn. Nghĩ cũng thương các con nhưng em không biết làm sao bởi chi phí mua thuốc men, đồ chăm sóc sức khỏe rất tốn kém quá. Tháng rồi 3 mẹ con em bị F0 nguyên tiền thuốc thang, mua kit thử Covid-19... đã hết luôn 2 triệu đồng. Tới đây chắc phải dừng cho con uống sữa và gọi bà làm cho ít ruốc với muối lạc mẹ con ăn thêm đỡ tốn tiền đi chợ", chị Hiền kể.

Không riêng gia đình chị Hiền. Hơn 10 gia đình khác đang sống ở khu trọ cũ kỹ này cũng cùng chung hoàn cảnh "bóp mồm bóp miệng", chuyển từ đi xe ga sang đi xe số, đi xe đạp... đi làm.

Người có việc cũng gồng gánh, chắt chiu từng đồng vượt bão giá.

Chị Lê Trúc Vân, cùng xóm trọ thì may mắn hơn vì cả 2 vợ chồng đều có việc làm, thế nhưng công việc cũng không thuận lợi, thu nhập đều giảm sâu so với trước dịch.

Theo lời chị Vân, trước đây 2 vợ chồng làm thu nhập tháng được hơn 20 triệu đồng, giờ thu nhập giảm mạnh, chỉ còn khoảng 2/3. Các khoản chi tiêu thì lại tăng hơn trước. Thế nên cuộc sống đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. 

"Năm 2020, 2 vợ chồng định bụng sẽ chuyển chỗ ở vì ở đây phòng ốc chật chội cũ kỹ quá. Đang hy vọng nhưng vèo một cái dịch Covid-19 kéo tới thu nhập giảm, gia đình tôi lại không chuyển nữa vì thuê nhà khác thì tiền nhà cao quá. Dịch vừa tạm lắng thì lại đến "bão giá" không biết lúc nào mới hết khổ", chị Vân chia sẻ.

bão giá

Để đủ chỗ ngủ cho các con, căn phòng nhỏ 10 m2 được kê tới 2 chiếc giường, góc nhỏ còn lại thành góc ăn cơm của cả nhà chị Trúc Vân. Ảnh:T.V

Để có thêm chỗ cho con học bài chị thuê thêm 1 căn phòng bên cạnh, vừa làm nơi nấu nướng và nơi cho các con học bài luôn. Thuê hai căn, giá là 1,2 triệu đồng, cộng thêm tiền điện, tiền nước nữa cũng tầm 1,6 triệu đồng. Tính ra vẫn rẻ chỉ bằng 1 nửa so với việc thuê các phòng trọ mới xây. Nghĩ thế nên dù cũ, dù bẩn thì gia đình chị vẫn cố chấp nhận.

Không chỉ tốn kém cho khoản thuê nhà cửa, điện nước, chị Vân còn phải tốn kém khá nhiều cho các chi phí sinh hoạt, ăn uống. Theo lời chị Vân, mới tháng trước, một mớ mồng tơi còn 4 nghìn đồng giờ đã tăng lên 8 nghìn đồng. Sữa tươi, sữa hộp cho các con uống cũng tăng giá, vì thế thay vì cho con uống sữa tươi chị chuyển qua mua sữa ông thọ cho con uống. Thế nhưng đến hộp sữa ông thọ cũng tăng giá, trước giá chỉ có 21.000 đồng giờ tăng lên tới 29.000 đồng.

"Giá cả cứ tăng vèo vèo thế này thì không biết phải sống kiểu gì. Tiền ăn, tiền học có thể cắt giảm được chứ ốm đau, bệnh tật thì không thể không khám, không điều trị", chị Vân than.

Để ứng phó với bão giá giờ chỉ còn cách bớt ăn, bớt tiêu. Mà nghĩ cảnh bữa cơm chỉ bát lạc, vài ba miếng thịt và bát canh rau luộc cho con chị lại thấy xót xa. "Giá mà công ty tăng lương thêm một chút thì chúng tôi cũng đỡ vất. Hai năm nay dịch bệnh triền miên công ty kêu khó khăn nên công nhân lao động chúng tôi cũng vì công ty cố gắng theo. Nhưng tình cảnh này không biết bao giờ mới qua đi", chị Trúc Vân nói.

Cũng như nhiều lao động, chị Vân mong ước khó khăn sớm qua, gia đình chị được chuyển tới nơi ở mới để các con không phải chịu cảnh sống trong phòng trọ chật chội, ẩm mốc thêm nữa.

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem