Ảnh hưởng môi trường và nghề nuôi yến
Với số lượng hàng trăm con chim nhốt trong lồng tại các lò săn bắt, chúng tôi làm bài toán nhân, 1 năm 365 ngày nhân với số lượng ấy và cứ năm này qua năm khác, chim trời sẽ còn lại bao nhiêu? Chưa nói đến những con chim non mất mẹ chết dần trong tổ.
Cách thức của đối tượng săn bắt dùng keo, thiết bị phát ra tiếng chim hoặc chim giả, hót, kêu như chim thật để dụ chim vào bẫy. Trong số loài bị sa bẫy, loài chim yến là nhiều nhất bởi theo những người nuôi yến, yến sống bầy đàn chỉ 1 con sa bẫy là cả đàn lao xuống và cùng mắc bẫy. Bẫy chim yến bán đang làm ảnh hưởng đáng kể đến nghề nuôi chim yến.
Ông Trân - quản lý nhà nuôi yến ở xã Tiến Lợi (TP. Phan Thiết) chia sẻ: Xây nhà nuôi yến cách đây 3 năm, lúc đầu yến về nhiều, nhưng ngày càng ít đi, không biết lý do. Chúng tôi cũng xem báo chí thấy hiện nay nạn săn bắt chim nhiều quá, có thể đây là nguyên nhân. |
Cách đây không lâu Báo Bình Thuận có đăng tải bài viết: “Xẻ thịt chim yến”, phản ánh tình trạng săn bắt chim yến vô tội vạ cũng là minh chứng.
Việc săn bắt chim yến đang trở thành một hành vi tàn độc, ích kỷ, cá nhân, bởi thực tế cho thấy nếu đem so sánh việc nuôi chim yến lấy tổ với việc săn bắt bán cho những nhu cầu trên thì rất khập khiễng khi người nuôi chim yến phải đầu tư tiền tỷ xây nhà nuôi yến và phải mất hàng năm trời mới dụ được yến về làm tổ.
Còn người đi săn bắt chỉ làm “động tác nhỏ” như đặt bẫy là đã có cả đàn yến hàng chục con mỗi ngày. Hơn nữa, một bên thì tàn phá môi trường sinh thái, bên thì ra sức bảo vệ.
Nghề nuôi yến không chỉ mang lại nguồn thu cho người nuôi yến, giải quyết việc làm mà còn tạo ra môi trường sinh thái. Với ích lợi như vậy nhưng người săn bắt lại ra sức tận diệt. Bảo vệ chim yến là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đời sống của hàng ngàn người lao động lương thiện đang kiếm kế sinh nhai từ những cơ sở nuôi yến lấy tổ, bảo vệ nguồn thu ngân sách từ sản xuất kinh doanh yến.
Cần bảo vệ chim yến
Bình Thuận là một trong những địa phương có số lượng người làm nhà yến lấy tổ khá lớn, theo thống kê, hiện có hơn 700 cơ sở nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua tìm hiểu, không chỉ hộ nuôi yến của ông Hồng Quyết ngày càng ít yến về làm tổ, mà nhiều hộ nuôi yến khác cũng chịu chung thảm cảnh, họ rất bất bình với nỗi lo hụt sản lượng tổ yến vì nó mang lại nguồn thu nhập.
Nhiều chim yến bị bắt, có con chết trong quá trình nuôi nhốt.
Thực tế vấn nạn săn bắt chim không xảy ra riêng tỉnh ta mà nhiều nơi khác trên cả nước. Quan sát qua phương tiện thông tin truyền thông, có nhiều tỉnh, thành như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Khánh Hòa... đã quyết liệt bảo vệ, bảo tồn các loài chim hoang dã.
Bình Thuận dường như có triển khai nhưng chưa mạnh, cần tăng cường hơn nữa biện pháp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và chim yến nói riêng.
Thực hiện nghiêm túc các luật về bảo vệ phát triển rừng và đa dạng sinh học. Xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, kinh doanh các sản phẩm từ chim hoang dã, các nhà hàng, quán ăn tiếp tay cho việc tiêu thụ chim hoang dã. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân hạn chế ăn thịt chim nói chung để “cứu” lấy loài chim.
Trong đó có chim yến để nâng cao sản lượng tổ vì tổ yến có lợi cho sức khỏe nhiều hơn so với thịt chim yến tẩm gia vị nướng, chiên... nhiều dầu mỡ với chất phụ gia.
Phối hợp với các ban trị sự chùa, nghiêm cấm bán chim phóng sinh tại chùa. Đại đức Thích Nguyên Tân cho biết, không nên để tình trạng buôn bán chim tại các chùa. Chủ trì chùa phối hợp với chính quyền địa phương ngăn cấm không cho buôn bán. Sư thầy ở chùa phải hướng dẫn cho các phật tử hiểu về việc phóng sinh như thế nào cho đúng ý nguyện.
Theo Công ước CITES ký kết tại Washington D.C ngày 1/10/1973, chim yến là động vật hoang dã quý hiếm, cần được bảo tồn và phát triển. Tại Việt Nam, chim yến thuộc nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ. |
Lê Ninh (Báo Bình Thuận)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.