Đánh giá HS tiểu học: Thư nghiên cứu sinh gửi cô giáo tiểu học

Thứ ba, ngày 20/01/2015 07:58 AM (GMT+7)
Vào chính trong lúc tôi đang viết những dòng này, từ tận đáy lòng, tôi nghĩ giá mà Thông tư 30 ban hành từ hơn 20 năm trước, thì tôi và nhiều bè bạn cùng thế hệ của tôi đã không phải nhọc nhằn đến thế.
Bình luận 0

Sau khi Báo điện tử Infonet đăng tải tâm thư của một giáo viên tiểu học gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chúng tôi nhận được bức thư của Phạm Hiệp, Nghiên cứu sinh, Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan, trao đổi về những lo lắng của giáo viên tiểu học hiện nay.

img

Những ngày này, các giáo viên tiểu học rất nhiều tâm tư, lo lắng khi thực hiện thông tư 30. Có thực sự thông tư 30 đi ngược với sự tiến bộ của xã hội?

Kính gửi cô giáo Người lái đò,

Tôi vừa đọc xong bức thư của cô gửi cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục trình bày những lo lắng, tâm tư về tình hình thực hiện Thông tư 30. Đọc thư, tôi có thể cảm nhận được tâm huyết của cô đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Và trước tiên, tôi xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tâm huyết đó.

Tuy vậy, với tư cách là một người nghiên cứu về giáo dục, tôi xin phép được bày tỏ quan điểm cá nhân của mình và xin phép phản biện lại một số nội dung mà cô đã viết trong thư gửi Bộ trưởng; qua đó, hy vọng giúp cả tôi và cô cũng như tất cả những ai quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là những người có trách nhiệm rút ra được bài học kinh nghiệm cho riêng mình.

Qua đọc thư, tôi thấy cô chỉ ra 2 điểm đáng chú ý trong việc thực hiện Thông tư 30:

Một là, các cô bị quá tải vì tốn quá nhiều thời gian vào việc nhận xét; thậm chí ảnh hưởng cả đến thời gian giảng dạy.

Hai là, vì không chấm điểm, nên một số học sinh sinh ra lười học, không chăm học như trước nữa.

Với điểm thứ nhất, tôi xin không thảo luận ở đây, bởi vì tôi không phải là giáo viên cấp 1, chỉ có cô và các đồng nghiệp của cô mới thực sự là những người biết rõ nhất việc nhận xét theo quy định mới tốn thời gian và mệt mỏi như thế nào.

Tuy vậy, với điểm thứ hai, tôi xin được phản biện. Mà cụ thể là với đoạn sau đây mà cô đã viết:

“Rồi cấp trên đi tập huấn về truyền tải cho chúng tôi: Thay chấm điểm bằng nhận xét vở học sinh, mỗi tiết chấm và nhận xét khoảng 10 cuốn tập.

Chúng tôi cũng làm như vậy, nhưng sau 1-2 tuần thì phát hiện học trò lười học hẳn. Chỉ những em học tốt, chăm chỉ mới làm bài đầy đủ, còn những em làm bài chậm, lười học thì để ý cô chấm vở tổ khác là lập tức giấu vở, khi chấm đến tổ mình mới làm bài. Thế là tự chúng tôi phải nghĩ ra cách để học sinh chăm học hơn: Nói với học trò là cô thu vở cả lớp để kiểm tra, nhận xét. Nói vậy thì học trò mới làm bài đầy đủ và nộp lên.”

Đọc đoạn này, tôi có cảm giác, cô vẫn xem việc so sánh mức độ chăm – lười, điểm cao – điểm thấp giữa các học sinh với nhau làm căn cứ để đánh giá chất lượng: Em nào chăm hơn, điểm cao hơn tức là có chất lượng tốt hơn và ngược lại, em nào lười hơn, điểm thấp hơn thì phải tìm cách “đuổi kịp” bạn.

Dựa trên quy định tại Thông tư 30 và dựa trên trải nghiệm, nghiên cứu của tôi về đánh giá bằng lời đối với học sinh cấp 1 trên thế giới, tôi thấy tinh thần, triết lý của việc này (đánh giá bằng lời) không đúng như cách tiếp cận nói trên.

Thực vậy, đánh giá bằng lời là để giúp các em học sinh biết được kết quả, nỗ lực của cá nhân mình đã được các thầy cô ghi nhận, xem xét như thế nào, qua đó giúp em học sinh đó, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh tự điều chỉnh cách học để đạt kết quả tốt hơn.

Nói cách khác, với tinh thần mới, quá trình học tập của một học sinh (hay thành tích của em đó ngày hôm nay so với hôm qua và các hôm trước đó, chứ không phải việc so sánh thành tích với em khác) mới là yếu tố quan trọng cần tập trung.

Đọc kỹ Thông tư 30, tôi cũng thấy tinh thần, triết lý trên được thể hiện rất rõ. Xin trích một đoạn tại Mục a, Điểm 2, Điều 7 để minh hoạ cho rõ: “Quan tâm tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Do năng lực của học sinh không đồng đều nên có thể chấp nhận sự khác nhau về thời gian, mức độ hoàn thành nhiệm vụ”.

Như vậy, Thông tư 30 đã chỉ rõ, học sinh có thể không hoàn thành nhiệm vụ (làm đủ bài, điểm đủ cao) trong lần này, và nhiệm vụ của cô giáo là giúp đỡ học sinh lần sau sẽ tiến bộ hơn trong lần sau; chứ không phải là học sinh bắt buộc phải luôn hoàn thành nhiệm vụ trong tất cả mọi lần.

Thực vậy, học tập là sự tương tác hai chiều giữa thầy/cô và trò. Và kể cả khi chương trình có được thiết kế tốt đến đâu, thì về mặt xác suất, vẫn có những em chậm hơn so với mặt bằng chung, chưa (chứ không phải là không) đủ khả năng theo kịp các bạn và các em đó, có quyền “chậm hơn” các bạn trong thời gian ngắn hạn.

Tuy vậy, như đã nói ở trên, có cảm giác như cô vẫn coi việc tất cả làm đầy đủ, đúng hạn là một tiêu chí của chất lượng; vì vậy cô mới “Nói với học trò là cô thu vở cả lớp để kiểm tra, nhận xét. Nói vậy thì học trò mới làm bài đầy đủ và nộp lên”. Và phải chăng, với cách làm này, vô tình đã tạo thêm sức ép công việc phải nhận xét quá nhiều cho cô – thay vì chỉ phải nhận xét khoảng 10 em như hướng dẫn của Bộ?

Có thể ngay lúc này đây, cô vẫn chưa thật tin là nếu tiếp tục với cách nhận xét (thay vì chấm điểm), các em học chậm hơn rồi sẽ bắt kịp các em khá hơn để nộp bài đúng hạn và điểm đủ cao. Để thay đổi được tư duy này, chắc cũng cần nhiều thời gian để “ngấm” và nhất là sự chỉ đạo hướng dẫn sát sao của Bộ.

Riêng với cá nhân tôi, tôi tin với phương pháp đào tạo và hệ thống hỗ trợ phù hợp, qua thời gian, mỗi học sinh sẽ tìm ra được phương pháp học tập phù hợp để phát huy hết khả năng của mình.

Tôi tin điều này, bởi đó cũng chính là câu chuyện của một người bạn học với tôi (Sarah) cách đây hơn 10 năm khi chúng tôi theo học ngành Vật lý tại một đại học ở Pháp. Tại thời điểm năm thứ 3 đại học, Sarah thậm chí còn không tự tin giải bài toán mạch điện song song (bài toán được dạy trong chương trình Vật lý phổ thông lớp 8 ở Việt Nam).

Nhưng nhờ quyết tâm, niềm đam mê, và hỗ trợ của cả hệ thống, Sarah sau đó đã hoàn thành luận án tiến sỹ tại Tổ chức nghiên cứu hạt Châu Âu CERN, Thuỵ Sỹ; làm post-doc tại Nhật và hiện đang là giảng viên tại một đại học danh tiếng ở Đức.

Còn tôi, người cách đây 10 năm vẫn chỉ bài cho Sarah nhưng lại không thực sự yêu thích ngành học khi đó của mình, đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm xem mình thích học cái gì và cái gì hợp với mình (thực tế đến tận năm 25 tuổi mới tìm ra).

Và chính trong lúc tôi đang viết những dòng này, từ tận đáy lòng, tôi nghĩ giá mà Thông tư 30 ban hành từ hơn 20 năm trước, thì tôi và nhiều bè bạn cùng thế hệ của tôi đã không phải nhọc nhằn đến thế.

Cuối thư, tôi xin chúc cô mạnh khoẻ, minh tuệ và kiên nhẫn để cùng với các đồng nghiệp tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.

Xin cảm ơn cô đã kiên nhẫn đọc hết bức thư này.

Phạm Hiệp/ Nghiên cứu sinh, Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan

(Theo Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem