Đánh giày trực tuyến "lên ngôi", mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng
Đánh giày trực tuyến "lên ngôi", mỗi tháng kiếm vài chục triệu đồng
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ năm, ngày 02/11/2023 15:12 PM (GMT+7)
Trước đây, nghề đánh giày vốn được xem là “nghề riêng” của những người nghèo. Ngày nay, nghề này xuất hiện với những tên gọi mỹ miều như "dịch vụ vệ sinh giày cao cấp", "làm đẹp cho giày"... và những người làm nghề có thể thu về vài chục triệu mỗi tháng.
Nghề đánh giày truyền thống ở Hà Nội đang mai một thay vào đó là hình ảnh những thợ đánh giày cao cấp trên mạng xã hội. VD: Trung Hiếu
Dịch vụ vệ sinh giày trực tuyến “lên ngôi”
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, chỉ với một cú nhấp chuột, trong chưa đầy 1 giây, Facebook đã cho ra hàng loạt kết quả về các trang vệ sinh giày trực tuyến. Số lượt theo dõi những trang này lên tới hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người. Truy cập vào một trang bất kỳ, khách hàng dễ dàng nhìn thấy những bức ảnh, video về quá trình vệ sinh giày cùng những thông tin liên hệ của cửa hàng. Giao dịch của thị trường vệ sinh giày trực tuyến được báo giá ngay tại bài đăng hoặc trao đổi riêng qua tin nhắn với người có nhu cầu.
7 năm là khoảng thời gian mà anh Đinh Thanh Phong (37 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) gắn bó với công việc đánh giày tại nhà. Với anh Phong, mạng xã hội như một công cụ hữu hiệu giúp anh tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. “Trước đây, khi chưa có mạng xã hội trợ giúp, việc thực hiện những chiến dịch marketing thực sự rất khó. Từ lúc tôi ứng dụng mạng xã hội vào tương tác với khách hàng thì đã tiếp cận được số lượng khách hàng lớn gấp 5, gấp 10 lần so với trước đây”, anh Phong cho biết.
Mỗi ngày, anh Phong chỉ nhận vệ sinh tối đa khoảng từ 10 đến 15 đôi giày. Mức giá để vệ sinh một đôi giày dao động từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng, gấp 10 lần đến 20 lần so với giá ngoài thị trường. Doanh thu mỗi tháng cũng được từ 70-85 triệu đồng.
Lý giải về điều này, anh Phong cho hay: “Khách hàng khi đến với cửa hàng của tôi sẽ được trải nghiệm một không gian tiếp đón hoàn toàn khác so với dịch vụ bên ngoài. Chúng tôi sở hữu những người thợ có kinh nghiệm. Thêm nữa là các sản phẩm bên tôi sử dụng để chăm sóc giày là tốt nhất trên thị trường, không hề kém cạnh những nước châu Âu. Thậm chí có những chiếc bàn chải vệ sinh có giá lên đến khoảng 5 triệu đồng. Thế nên, đương nhiên là khách hàng sẵn sàng chi ra những số tiền lớn hơn rất nhiều so với việc đánh giày bình thường”.
Anh Phong tâm sự: “Tận dụng mạng xã hội, nhiều khách hàng chỉ cần liên lạc trước với cửa hàng rồi gửi chuyển phát nhanh giày đến để chúng tôi xử lý. Khi xử lý xong, chúng tôi lại đóng hàng và gửi trả về cho họ. Khách hàng của chúng tôi gần như ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tôi từng xử lý giày cho 6 khách ở Phú Quốc, Kiên Giang. Thậm chí là có những khách hàng ở nước ngoài họ cũng xem được video của mình và họ đã gửi giày từ Nhật Bản về Việt Nam”.
Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều người cũng quảng cáo dịch vụ đánh giày qua các ứng dụng. Theo đó, khách hàng gửi sản phẩm qua để vệ sinh giày sau đó nhân viên cửa hàng giao nhận tại nhà. Mức giá dao động từ 100-250.000 đồng/1 dịch vụ.
Là một người thường xuyên tìm đến những dịch vụ vệ sinh giày trực tuyến, anh Lê Khôi Nguyên (36 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường đi công tác nước ngoài nên những đôi giày của tôi có giá trị khá cao, có những đôi giày trị giá khoảng 2.000USD. Do đó, tôi thường lựa chọn các dịch vụ vệ sinh giày trực tuyến uy tín. Vệ sinh xong, thành phẩm cho ra khiến tôi ưng ý, giày sạch từ trong ra ngoài và thậm chí đến đế giày cũng sạch luôn. Mọi giao dịch được thanh toán trực tuyến nên rất tiện lợi”.
Nắm bắt tâm lý khách hàng và sự lên ngôi của các dịch vụ chăm sóc giày, dép, túi da, hiện nay một số đơn vị tư nhân còn cung cấp các lớp đào tạo kỹ năng đánh giày, chăm sóc phục hồi túi da. Giá cho 1 khóa học 2 tháng là 4 triệu đồng. Học viên được cung cấp nguyên vật liệu để thực hành, sau đó cho thực tập tại xưởng 1 tháng, có hỗ trợ lương.
Nghề đánh giày dạo thất thế?
Trong khi các dịch vụ đánh giày trực tuyến lên ngôi thì dịch vụ đánh giày truyền thống lại có chiều hướng đi xuống. Trước đây trên các tuyến phố, nhất là tại các quán cà phê hay cửa hàng ăn uống ở Thủ đô, không khó để bắt gặp hình ảnh những bóng người nhỏ bé cầm hộp đồ nghề đánh giày trên tay, mời chào khách. Họ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ thanh niên đến trung niên, thậm chí cả người già cũng có.
Anh Hoàng Văn Hiếu (32 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) đã có 7 năm kinh nghiệm trong nghề “làm đẹp cho giày”. Đều như vắt chanh, từ 7 giờ sáng đến 18 giờ tối hàng ngày, anh luôn có mặt trên vỉa hè đường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) và đánh giày cho những khách có nhu cầu với chi phí khoảng 15.000 đồng cho một đôi giày.
Ngồi trên chiếc ghế con, tay trái cầm giày, tay phải cầm chổi cọ chà đi xát lại một cách thuần thục, anh Hiếu tâm sự: “Vì tôi không có sức khỏe, hay ốm đau, bệnh tật triền miên nên không làm được việc gì khác, đành phải theo công việc đánh giày dạo. Làm nghề này như đi câu ấy, ngày cao nhất thì được khoảng độ 400.000 đồng đến 500.000 đồng, nhưng cũng có hôm chỉ được khoảng 100.000 đồng thôi”.
Anh Hiếu cho biết, công việc đánh giày đòi hỏi người làm phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận thì mới làm khách hàng hài lòng và quay trở lại. Trong một tiếng đồng hồ, anh có thể đánh được 10 đôi giày da đen. “Quy trình vệ sinh giày da đen gồm có 4 bước. Bước 1 là lấy giẻ lau sạch, sau đó cần lấy chổi quét xi đánh giày, tiếp theo là công đoạn lấy bàn chải đánh và cuối cùng là lấy miếng mút lau bóng. Với những đôi giày nỉ, giày vải thì thời gian đánh sẽ lâu hơn một chút”, anh Hiếu nói thêm.
Hơn nửa thập kỷ bám trụ với nghề, anh Hiếu giờ đây đã có một lượng khách quen nhất định. Nhiều người gọi điện cho anh tới nhà riêng để vệ sinh giày khi cần thiết. Anh kể: “Gặp những người tốt tính, họ thường cho tôi thêm 10.000 đồng đến 50.000 đồng. Họ bảo rằng họ cho tôi thêm tiền để ăn cơm trưa hay cơm chiều…”.
Anh Hiếu chia sẻ, thời điểm cuối năm là dịp cao điểm của nghề đánh giày. Thời gian còn lại trong năm anh “vừa làm, vừa chơi” vì vắng khách. “Nếu mà so sánh thì ở thời điểm bây giờ, lượng khách ít hơn trước đây rất nhiều. Ngày càng có nhiều sản phẩm mới như sáp khô nhanh xuất hiện trên thị trường giúp mọi người vệ sinh giày dép của mình dễ dàng ngay tại nhà mà không cần phải ra ngoài”, anh Hiếu tâm sự.
Công việc ít đi nên trung bình mỗi tháng anh cũng chỉ kiếm được từ 5-6 triệu đồng. Tháng nào đông khách thì thu nhập cao hơn chút, dao động trong khoảng 7 triệu đồng.
"Một phần kinh tế khó khăn, một phần giờ có nhiều dịch vụ vệ sinh giày trên mạng nên khác hàng chuyển hướng. Bởi thế, tôi không tăng giá dịch vụ vẫn chỉ lấy từ 10-20.000 đồng/đôi. Giá rẻ nhưng khách hàng vẫn ít", anh Hiếu kể thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.