Danh sách chủ đầu tư không trả lời kiến nghị ngày càng dài

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 01/09/2024 08:00 AM (GMT+7)
Pháp luật về đấu thầu quy định, bên mời thầu có trách nhiệm trả lời kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị. Trên thực tế danh sách chủ đầu tư không trả đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày càng dài.
Bình luận 0

Quyền kiến nghị của nhà thầu được quy định ra sao?

Hiện nay chức năng giám sát hoạt động đấu thầu của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia liên tục cập nhật và thống kê danh sách chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, kiến nghị trong đấu thầu, đăng tải muộn; chủ đầu tư/bên mời thầu có số lượng gói thầu có yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu nhiều nhất, chủ đầu tư có số gói thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu nhiều nhất…

Theo các chuyên gia về đấu thầu, quyền kiến nghị của nhà thầu đã được pháp luật quy định rất rõ, nó cũng có một phần tác dụng trong giảm thiểu các sai sót trong đấu thầu, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà thầu, tăng tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước.

Pháp luật về đấu thầu quy định, bên mời thầu có trách nhiệm trả lời các yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 2 ngày làm việc, chủ đầu tư có trách nhiệm trả lời kiến nghị của nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu 2023, việc giải quyết kiến nghị về các vấn đề trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được thực hiện, Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức.

Giải đáp kiến nghị, việc cần làm để đảm bảo minh bạch trong đấu thầu - Ảnh 1.

Nhà thầu có quyền kiến nghị theo quy định tại Luật Đấu thầu. Ảnh minh hoạ

Trường hợp nhà thầu, cơ quan, tổ chức không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, hoặc hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu, cơ quan, tổ chức có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư;

Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu, cơ quan, tổ chức.

Đối với kiến nghị sau khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Nhà thầu gửi đơn kiến nghị đến chủ đầu tư trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết quả lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Chủ đầu tư phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiến nghị của nhà thầu.

Trường hợp nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị hoặc quá thời hạn quy định tại khoản này mà chủ đầu tư không có văn bản giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền thông qua bộ phận thường trực trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn giải quyết kiến nghị hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư. Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.

Thời gian giải quyết kiến nghị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được tính từ ngày bộ phận hành chính của người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị hoặc ngày gửi đơn kiến nghị trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Danh sách chủ đầu tư không trả lời kiến nghị ngày càng dài

Dù quy định rõ như vậy, nhưng danh sách chủ đầu tư không trả đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày càng dài, cho thấy nhiều chủ đầu tư thực sự chưa coi công tác giải đáp kiến nghị như giải pháp thể hiện tính minh bạch, sự lắng nghe đối với tiếng nói của nhà thầu.

Điều đáng nói, có không ít kiến nghị về việc gói thầu có điều khoản gây hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu, giảm tính cạnh tranh. Thực tế cũng cho thấy đã có nhiều gói thầu được sửa đổi khi chủ đầu tư lắng nghe kiến nghị, giúp thu hút thêm nhiều nhà thầu tham gia.

Tại danh sách Chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, đến nay đã có 100 bản ghi được công bố. Chẳng hạn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam không trả lời 3/3 yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu; Văn phòng HĐND và UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai không trả lời 2/2 yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu của nhà thầu; Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau không trả lời 2/2 yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu…

Giải đáp kiến nghị, việc cần làm để đảm bảo minh bạch trong đấu thầu - Ảnh 2.

Hoạt động giám sát đấu thầu được công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự là danh sách Chủ đầu tư không trả lời kiến nghị về hồ sơ mời thầu, các đơn vị được cập nhật gần nhất như Trung tâm Chính trị huyện Phú Thiện, Thành đoàn Nha Trang, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất hay Kho bạc nhà nước tỉnh Yên Bái.. cũng làm danh sách dày thêm.

Đối với Chủ đầu tư không trả lời kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, cũng có cả trăm đơn vị được nhắc tên. Ví dụ như Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; Công an huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội; BQL các công trình công cộng huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình; Đảng ủy Các cơ quan tỉnh Bắc Giang…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem