Đã đến lúc đánh thuế vàng?

Nguyễn Minh Thứ hai, ngày 10/06/2024 08:01 AM (GMT+7)
TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng đến một lúc nào đó, Nhà nước có thể sử dụng thuế để điều tiết thị trường vàng, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Bình luận 0

Kể từ ngày đầu tiên (3/6) 4 ngân hàng thực hiện bán vàng trực tiếp cho người dân, giá vàng ngân hàng bán (gồm: Giá vàng VietinBank, giá vàng Vietcombank, giá vàng BIDV và giá vàng Agribank) là 79,98 triệu đồng/lượng và sau 3 ngày giá vàng giảm còn 76,98 triệu đồng/lượng.

Thống kê của Dân Việt cũng cho thấy, nếu so sánh với mức đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng (bán ra) ghi nhận vào 10/5, giá vàng trên thị trường và giá vàng ngân hàng bán cho người dân đã "bốc hơi" 16,7% (giảm 15,42 triệu đồng/lượng sau 1 tháng). Nếu mua vào thời điểm giá vàng đạt đỉnh, và bán ra thời điểm hiện tại, người dân đã lỗ trên 17 triệu đồng/lượng).

Như vậy, mục tiêu hạ nhiệt giá vàng của Ngân hàng Nhà nước đến nay bước đầu đã đạt được. Với mức giá bán hiện nay, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới từ 17 – 18 triệu đồng/lượng, nay chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Câu hỏi đặt ra, tại sao giá vàng giảm mạnh, người mua vàng ngày hôm trước hôm sau sẽ lỗ nhưng cuối tuần qua tình trạng xếp hàng chờ mua vàng tại 4 ngân hàng tham gia bán vàng lại đông như vậy? Vì sao lại có hiện tượng giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn như vậy?

Đã đến lúc đánh thuế vàng?- Ảnh 1.

Người xếp hàng mua vàng tại ngân hàng Agribank ngày 7/6 (Ảnh: Khánh Ly)

Giá vàng ngân hàng bán giảm mạnh, người dân "ôm" vàng đầu cơ lỗ nặng

Về vấn đề này, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nhận định thị trường vàng thế giới thời gian qua đã có nhiều biến động do tình hình kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, Chính phủ và NHNN đã có nhiều chính sách ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, duy trì lãi suất tương đối thấp để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng,… và đó là lý do người dân so sánh biến động lãi suất và tỷ giá, tập trung mua vào vàng, đẩy giá vàng trong nước lên cao chênh với vàng thế giới khoảng 18 - 20 triệu đồng/lượng.

Đã đến lúc đánh thuế vàng?- Ảnh 2.

TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (Ảnh: SBV)

Với mong muốn kéo chênh lệch đó xuống thấp. Trong 10 ngày qua NHNN đã bán vàng cho 4 NHTM và công ty vàng bạc SJC. Sự tham gia của 4 NHTM và SJC đã kéo giá vàng giảm xuống và người dân tập trung mua vàng rất lớn.

"Với góc nhìn của biến động thị trường tôi cho rằng lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái NHTW Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ của họ, giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 – 100 USD/lượng, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu,… Tôi cho rằng tham gia vào hoạt động mua vàng để đầu cơ lúc này là hết sức rủi ro nên người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán, nhưng nên thận trọng", ông Phước phân tích.

Ông Phước khuyến nghị người dân nên thận trọng khi mua vàng thời điểm này vì nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra. Việc cung ứng vàng lên thị trường là một nỗ lực của Chính phủ và NHNN là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân.

"Nếu một hôm không cầm 1 thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì chúng ta sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện tại là một nỗ lực lớn. Không phải ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới, không có nước nào mà bán vàng vô giới hạn cho mọi người dân", ông Phước phân tích.

Đến lúc để giá vàng cho thị trường quyết định, sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường vàng

Chênh lệch giá vàng quá lớn sẽ có hiện tượng nhập lậu vàng qua biên giới và sẽ tác động đến tỷ giá ở thị trường chợ đen. Khi NHNN cung một lượng vàng để đáp ứng nhu cầu người dân thì thị trường bên ngoài không còn nóng sốt như trước.

"Một tháng trở lại đây tôi thấy tỷ giá rất ổn định, dĩ nhiên căn bản của sự ổn định đó là tiềm lực ngoại hối của đất nước chúng ta qua các dòng vốn trực tiếp gián tiếp từ nước ngoài vào, nhưng nó trùng hợp vào lúc giá vàng giảm xuống thì thị trường ngoại hối, đặc biệt tỷ giá hối đoái không còn biến động như trước. Tôi cho rằng đây là một thành công của NHNN trong thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, đồng thời cũng hỗ trợ cho sự ổn định tỷ giá hối đoái của chúng ta", ông Phước phân tích.

Tuy nhiên, ông Phước cho rằng đã đến lúc cần phải sửa Nghị định 24 để phù hợp với diễn biến mới của thị trường.

"Trong hơn 12 năm qua Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như là không cho các TCTD huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn,… và chúng ta chứng kiến tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa", ông Phước phân tích.

Trong Nghị định 24, do SJC chiếm thị phần lớn từ 90 đến 95%, NHNN muốn việc chế biến gia công đó phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ động từ NHNN.

"Tôi cho rằng đó là hướng tiếp cận chính sách đúng trong 10 năm qua. Sắp tới tôi nghĩ việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định. Tuy nhiên NHNN với tư cách năm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho DN hoặc TCTD có điều kiện. Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua", ông Phước phân tích.

Hiện nay, vàng vật chất phải là nguyên liệu thực, khi cung ứng ra một thỏi vàng thực thì phải chịu nhiều hạn chế bởi bao nhiêu nguồn lực của chúng ta. Đất nước chúng ta không phải chỉ có duy nhất một mặt hàng là vàng, mà phải có nhiều mặt hàng khác nữa.

Đã đến lúc đánh thuế vàng?- Ảnh 3.

Người dân xếp hàng mua vàng tại Vietcombank ngày 7/6 (Ảnh: Khánh Ly)

"Tôi không nghĩ rằng nếu NHNN bán cho người dân ít đi thì đó là không hẳn là biện pháp hành chính mà phải nhìn dưới góc độ cung cầu của thị trường. Nguồn cung bị tác động bởi quy luật là nguồn lực nào tác động lên nguồn cung đó, đặc biệt là vàng, nguồn lực đó chính là ngoại tệ. Chúng ta không khai thác vàng tại Việt Nam để chế biến vàng bán cho người dân mà vàng thực chất là chúng ta phải bỏ ngoại tệ ra để nhập về. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập khẩu suýt soát gần 4 tỉ USD mỗi 1 năm, làm sao ngoại tệ chỉ dành riêng cho vàng được. Việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, đáp ứng có giới hạn, đáp ứng quyền tự do tiếp cận vàng nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế", ông Phước phân tích.

Theo ông Phước, để điều tiết thị trường vàng, thuế là một công cụ cần tính đến, giống như bất động sản. Ví dụ kinh doanh chứng khoán có chênh lệch vẫn có thuế, các nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu vẫn có thuế.

"Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết thị trường vàng, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng. Và chức năng đó, tôi nghĩ là Bộ Tài chính, cơ quan thuế còn đang nghiên cứu để sao cho khi một sắc thuế đưa ra đúng người, đúng việc trong nền kinh tế của chúng ta", ông Phước nhận định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem