Danh tính DN đấu gói nghìn tỷ thuộc Bến Lức - Long Thành
Gói thầu thành phần cao tốc Bến Lức - Long Thành: Cơ hội nào cho liên danh Vạn Cường?
Vũ Khoa
Thứ ba, ngày 30/01/2024 06:00 AM (GMT+7)
Phải đối đầu với 2 thế lực lớn trong ngành xây dựng hạ tầng giao thông, Liên danh của Công ty Vạn Cường tỏ ra yếu thế khi tham gia đấu thầu dự án hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo kết quả mở thầu gói thầu XL-A2.2-4 thi công phần khối lượng còn lại và bổ sung của các gói thầu A4 và A2-2, có 3 nhà thầu tham dự thầu gồm Liên danh Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1.
Liên danh thứ 2 là nhóm Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty CP 471 - Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 - Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội;
Nhà thầu còn lại là Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
Gói thầu này là thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, vừa mở thầu ngày 26/1, dự toán giá trị gói thầu là 1.050 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Chủ đầu tư, bên mời thầu là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.
Trong số các nhà thầu tham gia, ở liên danh số 1, Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường giữ vai trò liên danh chính. Doanh nghiệp này thành lập ngày 8/4/1992 tại huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Năm 2023, hoạt động đấu thầu của Công ty Vạn Cường không mấy rầm rộ. Nổi bật nhất có thể kể đến là lần Vạn Cường nằm trong liên danh thực hiện gói thầu XL-03 thi công xây dựng đoạn tuyến Km114+200 - Km126+223 giá trị 3.334 tỷ đồng, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Trước đó vào năm 2022, Công ty Vạn Cường liên tục trượt thầu ở các gói thi công xây dựng đường giao thông các tỉnh thành.
Quá trình tham gia đấu thầu của Công ty Vạn Cường cũng không suôn sẻ. Theo dữ liệu của PV Dân Việt, Vạn Cường đã từng đấu với 27 nhà thầu trong 9 gói thầu, chỉ thắng 2 gói, thua 5 gói, 2 chưa có kết quả. Ở vai trò liên danh, Công ty Vạn Cường cũng thua tới 4 gói trong tổng số 14 gói thầu đã tham gia. Tài liệu về đấu thầu cho thấy các cộng sự của Vạn Cường cũng không khả quan hơn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành trong năm 2023 từng trượt một gói thầu khác cũng do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư. Công ty Thương mại và Xây dựng giao thông 1 còn không có hoạt động đấu thầu nào đáng chú ý kể từ năm 2021.
Những đối thủ "sừng sỏ"
Trái với đối thủ, doanh nghiệp chính trong liên danh thứ 2 thực sự là ông lớn sừng sỏ. Cụ thể, Tổng công ty 319 tiền thân là Sư đoàn 319/Quân khu 3, thành lập ngày 7/3/1979 theo Quyết định số 231/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng. Sau đó lần lượt đổi tên thành Công ty xây dựng 319, Công ty TNHH MTV 319 và sau đó trở thành Tổng công ty 319. Hiện Tổng công ty có 7 Công ty TNHH một thành viên, 6 Công ty cổ phần do Tổng công ty nắm cổ phần chi phối cùng 9 Xí nghiệp, chi nhánh thành viên.
Theo dữ liệu của PV Dân Việt, bên cạnh việc đang quan tâm đến các gói thầu xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành, Tổng công ty 319 đã trúng nhiều gói thầu thi công, xây lắp những tuyến đường trọng điểm ngay thời điểm cuối năm 2023.
Ví dụ như gói thầu lập thiết kế BVTC và thi công xây dựng, sơn kẻ vạch tuyến đường, giá trị hơn 1.000 tỷ đồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; thi công xây dựng Đường Nam Đông - A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 3), giá trị 191 tỷ đồng, và nằm trong liên danh xây dựng khoảng một số đoạn tuyến thuộc đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức.
Quá trình tham gia đấu thầu của Tổng công ty 319 cũng cho thấy tiềm lực khi đã từng đấu 71 gói thầu, thắng 44 gói, chỉ thua 15 gói, 9 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ. Khi đứng vào các liên danh, Tổng công ty 319 khi thắng đến 95 gói thầu trong tổng số 104 gói đã tham gia.
Trong 3 nhà thầu tham gia gói thầu XL-A2.2-4, chỉ có Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là đơn vị tham gia với vai trò độc lập. Đây là doanh nghiệp tiền thân là công ty nhà nước, được cổ phần hóa và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần từ năm 2006.
Vinaconex là cái tên đã quá quen thuộc trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khi thực hiện nhiều công trình trọng điểm, tổng mức đầu tư lớn như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cầu Nhật Tân, cầu Bãi Cháy, Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), và các gói thầu lớn thuộc dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông…
Doanh nghiệp này hiện có 10 đơn vị trực thuộc là các ban quản lý dự án tại nhiều tỉnh thành. Cổ phiếu của Vinaconex hiện đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM với mã cổ phiếu là VCG. Hết quý III/2023, Vinaconex có hơn 685 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, 879 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn. Ngoài ra Vinaconex có hàng nghìn tỷ đồng góp vốn ở các công ty con, doanh nghiệp liên danh, liên kết.
Về hoạt động đấu thầu, cuối năm 2023 Vinaconex ghi dấu ấn khi được lựa chọn thực hiện hàng loạt gói lớn. Có thể kể đến như gói thầu giá trị 2.698 tỷ đồng XL5 xây dựng 2,5km đường vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức; gói thầu số 22 thi công xây lắp hệ thống an toàn giao thông tại Cần Thơ, giá trị 246 tỷ đồng; Gói thầu số 10-XL thi công xây dựng đoạn Km23+00 – Km34+200 giá trị 2.300 tỷ đồng thuộc dự án thành phần 2 Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; hay gói thầu số 7 xây dựng đường giao thông và hệ thống thoát nước, giá trị 269 tỷ đồng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Đặc biệt, Vinaconex đã cùng các thành viên trong nhóm Vietur trúng gói thầu số 5.10 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách thuộc dự án thành phần 3, các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu trị giá khoảng 28.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.