Danh y Trung Quốc và cuộc đời "làm bạn với hổ, mất mạng như chơi"
Danh y Trung Quốc và cuộc đời "làm bạn với hổ, mất mạng như chơi"
Thứ ba, ngày 11/08/2020 20:30 PM (GMT+7)
Các thái y chữa bệnh cho hoàng đế Trung Hoa không được hưởng nhiều vinh hoa bổng lộc mà luôn phải lo âu, ăn ngủ không yên bởi không cứu được vua thì chẳng thoát được cảnh mất đầu.
Thái y là tên gọi khác của Ngự y, là những danh y được các địa phương tiến cử vào cung. Họ có nghĩa vụ chẩn trị bệnh cho hoàng đế và hoàng tộc dưới thời phong kiến Trung Quốc. Nếu các bề trên sổ mũi, nhức đầu thông thường thì không sao, nhưng nếu gặp phải trường hợp bệnh nặng thì trách nhiệm của Thái y vô cùng nặng nề.
Xưa nay, từ hoàng đế tới các phi tần đều sống trong nhung lụa xa hoa, bữa ăn gồm đủ loại sơn hào hải vị. Thói quen sinh hoạt, ăn uống thừa thãi, không điều độ khiến vua, quan, phi tần ít nhiều đều có những vấn đề về sức khỏe. Người thân phận cao quý nhưng cơ thể suy nhược, hễ mắc bệnh thường khó chữa, những lúc như vậy Thái y trở thành kẻ chịu tội, bởi tất cả đều từ cái sự "bất tài vô dụng" của họ mà ra.
Theo Ifeng, Thái y vào cung nhậm chức, kể cả có tay nghề cao vào loại bậc nhất cũng có lúc phải hối lộ để qua cửa quan nội phủ và các thái giám. Đôi khi gặp may, lập công chữa khỏi bệnh cho vua, quan, thì được thưởng chút bổng lộc, nhưng chuyện cả đời hưởng vinh hoa, danh vọng không hề dễ dàng. Thậm chí, những ân huệ họ được nhận còn không đủ để bù đắp khoản hối lộ khi vào cung. Những người có quan lộ thực sự hanh thông rất hiếm hoi, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Cuộc sống cung cấm, ngày ngày chứng kiến cảnh đấu đá, mưu mô hiểm độc chốn hậu cung, nhiều lúc thái y là người phải giơ đầu chịu báng. Chỉ cần một lần kê sai đơn thuốc, để xảy ra chuyện chắc chắn không thoát khỏi cảnh mất đầu. Vì vậy, hầu hết các các danh y đều coi việc vào cung là con đường nguy hiểm, thậm chí chỉ cần phong thanh thấy tin phải vào cung là họ đã tìm mọi cách tháo chạy.
Khi quân hay vâng mệnh
Việc "kê đơn" của Thái y thực tế không phải lúc nào cũng trên cơ sở "bắt bệnh". Một số Hoàng đế biết chút kiến thức về y học thường xuyên nghi ngờ, chỉ trích những đơn thuốc mà Thái y đã kê. Quang Tự là vị Hoàng đế như vậy.
Lịch sử ghi lại, Hoàng đế Quang Tự từ nhỏ cơ thể gầy yếu, lớn lên bệnh tật đầy mình, thể chất suy nhược, tinh thần u uất, tính cách không những nhu nhược, đa nghi, lại còn cố chấp, ngang ngược. Tính cách như vậy, cộng với việc có chút hiểu biết về y học nên khi bệnh nặng, trong tình trạng phải cầu cứu tới thái y chữa bệnh nhưng vẫn không ngừng mắng nhiếc, tỏ ra hoài nghi và bắt thái y kê đơn, trị bệnh theo chỉ đạo của mình.
Thái y không vâng mệnh sẽ phạm vào tội "khi quân", mà nếu vâng mệnh, kê đơn không căn cứ trên tình hình thực tế của người bệnh, lẽ đương nhiên sẽ không hiệu quả. Và khi bệnh tình không thuyên giảm, thậm chí trầm trọng hơn, thì thái y cuối cùng chỉ còn con đường chết.
Quá trình trị bệnh cho quan lại trong triều thường được quyết định ngay từ đơn thuốc đầu tiên. Ai cũng muốn uống thuốc vào lập tức phải có công hiệu, nhưng thực tế lại không như vậy. Hậu quả là Thái y phải chịu trừng phạt, nhẹ thì khiển trách, nặng thì chịu những hình phạt vô cùng nghiêm khắc.
Năm thứ 45 đời vua Khang Hy (1706), Thái y viện Viện Sử Tôn và các thái y khác tuân lệnh vua trị bệnh cho Nội đại thần Chính Hoàng Kỳ. Việc chữa trị tiến triển chậm khiến vua không hài lòng, nổi trận lôi đình đến mức phê vào chiếu: "Dùng nhầm phải lang băm thì kết quả luôn như vậy". Bị hoàng đế phê như thế, thái y không còn chốn dung thân, chứ chưa nói đến cơ hội để thể hiện tài năng chữa bệnh.
Thông thường, khi hoàng đế băng hà, bất kể lý do gì, chỉ cần không chữa trị được thì kẻ chết đầu tiên là các thái y. Do đó, sau khi Quang Tự qua đời, Thái y viện Viện sử Trường Trọng Nguyên, Ngự y Toàn Thuận, Y sĩ Trung Tuyên… đều bị kết tội không tận tình cứu chữa cho vua, lập tức cách chức và chờ xử tội. Khi vua được coi là "Thiên tử" và lời của vua luôn là "Thánh chỉ" thì các thái y có lý cũng trở thành kẻ vô lý.
Vinh hoa trong cắn rứt
Một số Thái y thực sự có tài và gặp thời, được hưởng vinh hoa phú quý nhưng cuộc sống cũng không toàn vẹn. Bính Phúc Thần, người từng trị bệnh cho Từ Hy Thái hậu, là một ví dụ. Phúc Thần vốn là danh y lừng lẫy khắp vùng, khi Từ Hy lâm bệnh, ông được triệu vào cung.
Sau thời gian chữa trị, Từ Hy khỏi bệnh nhanh chóng, ông được thái hậu ban cho bốn chữ "Chức Nghiệp Tu Minh" cùng rất nhiều bổng lộc. Đến khi thái hậu bệnh khỏi hoàn toàn, Phúc Thần muốn rời cung về quê thì "Lão phật gia" không cho phép, vì "bệnh mới tuy đã chữa xong nhưng bệnh cũ vẫn còn" và bắt ông phải ở lại để tiếp tục hầu hạ. Lẽ đương nhiên, Bính Phúc Thần không còn cách nào khác ngoài việc tuân chỉ.
Không ngờ, trong thời gian Bính Phúc Thần chữa bệnh cho Từ Hy thì quê của ông lại bị bệnh dịch hoành hành, người nhà của ông đều bị bệnh, con gái của ông cũng qua đời. Em trai Phúc Thần viết thư cho ông mà than rằng: "Anh tôi bản lĩnh, y thuật thiên tài, nhưng không cứu được người trong gia tộc, chẳng khác nào người thợ mộc không đóng nổi chiếc giường cho mình".
Bính Phúc Thần đọc thư, trong lòng đau đớn, phẫn uất nhưng chẳng thể bày tỏ cùng ai. Còn về việc nhận được ân huệ của Từ Hy giữ lại trong cung, ông biết đó không phải là việc gì hay, ngược lại ngày đêm lo âu, ăn ngủ không yên.
Sau này, ông tâm sự với một người bạn rằng: "Chuyện này trách nhiệm nặng nề, không biết khi nào mới kết thúc. Cuộc đời Thái y gian nan trắc trở, việc lần này tôi đã cố gắng hết sức, may mắn là thành công, nếu không các Thái y và các danh y trong thiên hạ cũng phải đắc tội".
Những lời này đều thể hiện tình cảnh của Bính Phúc Thần khi đó, trong lòng ông lo âu, sợ hãi và đầy mâu thuẫn, bứt rứt không yên.
Cuộc sống của các Thái y ngày đêm chăm lo sức khỏe của Thái hậu, Hoàng đế quả đúng như câu "Làm bạn với vua như làm bạn với hổ". Còn những chuyện ghen ghét, đố kỵ, hãm hại nhau trong Thái y viện thì trở thành chuyện đương nhiên, được kể lại nhiều không kể xiết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.