McNamara có vẻ rất chăm chú. Cảm giác được cấp trên quan tâm làm ông hạnh phúc. Nhưng điều khiến Ellsberg hạnh phúc hơn đó là được dịp bày tỏ cho Bộ trưởng biết những suy nghĩ của ông về tình trạng sa lầy của Mỹ tại chiến trường Việt Nam. McNamara gọi Ellsberg lại nói chuyện và thừa nhận việc Mỹ gửi thêm 100.000 quân tới Việt Nam được một năm nhưng tình hình vẫn không tốt hơn, “điều đó có nghĩa là mọi việc đang xấu đi”.
Tuy nhiên, ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews, nơi một đám đông phóng viên đã chờ sẵn để được nghe ý kiến của McNamara sau chuyến đi tới Việt Nam, thật bất ngờ, McNamara thay đổi hẳn 180 độ so với những gì ông ta nói với Ellsberg ngay trước đó.
Ông nói: “Các bạn hỏi là tôi lạc quan hay bi quan. Hôm nay, tôi có thể nói rằng tiến triển quân sự trong 12 tháng qua đã vượt quá mong đợi của chúng ta”. Đứng bên trong, Ellsberg nghĩ: “Mình hy vọng không bao giờ phải nói dối như vậy”.
Nói về tương lai của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, Tổng thống Johnson đã nhiều lần khẳng định với người dân Mỹ: “Chúng ta sẽ chiến thắng”. Tuy nhiên, với chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, sự lạc quan của ông ta bắt đầu lung lay.
Trong các cuộc tấn công của Quân Giải phóng, toàn bộ các lực lượng của Mỹ đều rơi vào tình thế bất ngờ. Lần đầu tiên, chiến tranh đã chạm vào các thành phố lớn ở miền Nam, chạm tới trung tâm của Sài Gòn. Chiến dịch Mậu Thân là một đòn giáng mạnh vào ý chí của binh sỹ và làm lung lay niềm tin của công chúng Mỹ vào cuộc chiến này.
Sau đó, khi Tướng William Westmoreland, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ tại Sài Gòn đề nghị tăng quân, đề nghị này đã bị tờ Thời báo New York chộp được. Câu chuyện bị tiết lộ đã dấy lên nhiều ý kiến phản đối trong Quốc hội Mỹ.
Các thượng nghị sỹ cho rằng, người dân đã bị Tổng thống bịt mắt và vì vậy, họ không lường hết những hậu quả của cuộc chiến. Sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với cuộc chiến đặc biệt giảm mạnh sau chiến dịch Mậu Thân 1968, khiến Tổng thống Johnson buộc phải rút lui trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm đó.
Năm 1968, Richard Nixon ra tranh cử Tổng thống Mỹ với tuyên bố: “Chưa bao giờ chúng ta phải sử dụng nhiều vũ lực một cách thiếu hiệu quả như ở Việt Nam hiện nay. Tôi cam kết với các bạn, chúng ta sẽ có một kết thúc vẻ vang trong cuộc chiến Việt Nam”. Ngày 20/1/1969, Richard Nixon được chọn làm Tổng thống thứ 37 của Mỹ. Người dân Mỹ cầm lá phiếu bỏ cho Nixon với hy vọng ông ta đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch khả thi có thể chấm dứt chiến tranh.
Henry Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia cho Nixon và từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ trong nhiều năm liền – cũng từng đề cập đến chuyện Mỹ cần phải rút khỏi Việt Nam. Vào thời điểm này, đây là một quan điểm rất cấp tiến đối với một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ. Điều đó khiến không chỉ Ellsberg mà hầu như mọi người dân Mỹ đều cho rằng Tổng thống Nixon cũng có quan điểm tiến bộ như vậy.
Tuy nhiên, với một số người trong cuộc, họ hiểu hy vọng chính quyền Nixon sẽ sớm ngừng tham chiến tại Việt Nam chỉ là một ảo vọng. Cuối năm 1969, Mort Halperin từng nói với Ellsberg: “Nixon sẽ tiếp tục, và ông ta đang dọa sẽ leo thang cuộc chiến”. Một đoạn băng giải mật sau này cho thấy mức độ hiếu chiến của Nixon cao đến cỡ nào: “Để giành chiến thắng, chúng ta phải sử dụng tối đa sức mạnh chống lại đất nước nhỏ bé khốn kiếp này”, Nixon nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.