Tôi đọc báo thấy ông chia sẻ lịch làm việc sau khi về hưu không khác gì lịch làm việc khi còn đương chức. Tại sao một người tự nhận mình già, lại không tự cho phép mình nghỉ hưu thực sự?
- Theo chế độ nhà nước tôi đã đủ tuổi hưu, gọi là già. Sau khi về già tôi được hưởng thụ. Có người thích du lịch, họp nhóm, uống rượu đánh cờ, còn tôi chọn làm phim. Tôi nghĩ hưởng thụ thì cũng phải mất tiền, cũng phải trả giá, như người nào mê rượu thì tốn tiền, hại sức khỏe… Còn tôi làm phim tốn sức lao động, cả tiền bạc, nhưng may mắn thì được lợi ra một chút nhuận bút.
Hưởng thụ làm phim thì có thể khiến ông phải trả giá những gì?
- Thứ nhất, sức khỏe. Cách đây 2 năm đi làm phim, khi mở cửa xe bước ra, tôi bị trúng luồng gió rất mạnh do đoàn phim tạo ra, suýt bị đột quỵ.
Thứ hai, nếu làm phim dở, không được nghiệm thu thì chỉ có phá sản!
Vì sao ông lại chọn một cuộc sống kỷ luật với lịch trình rất đều đặn từ 5h sáng đến đêm?
- Nó là một thói quen theo tôi hàng chục năm rồi. Cũng có thể vì tôi hay mất ngủ. Cứ 4 giờ sáng là tỉnh ngủ. Vào khoảng thời gian đó bi kịch lắm, căm thù nhiều người lắm (cười).
Người già mà, không ngủ thì lại thấy bao nhiêu cay đắng trong đời nó dồn về day dứt mình, nghĩ ngợi sao ngày xưa mình giúp bao người, nhưng giờ họ đã sớm quên mình. Hoặc mình chỉ tập trung nghĩ về những gì con người đối xử không tốt với mình, mà quên đi những phần tốt đẹp của họ. Rồi lại nghĩ sao lâu con nó không đến thăm mình. Mình ngần này tuổi vẫn phải liên tục đảo qua xem cha mẹ ăn uống thế nào, uống thuốc ra sao…
Đến 5h tôi tập thể dục, toát mồ hôi, sau đó tắm táp, thấy lại tỉnh táo, không thù ai nữa (cười). Tâm lý người già là thế, vì biết là thói quen, mình cứ để nó trôi đi tự nhiên. Cuối cùng trong cuộc sống mình vẫn làm nhiều việc tốt, và đâu có hại ai.
Xem ra những ai làm việc càng năng suất thì người ấy càng có nhiều tâm sự? Những khúc mắc trong cuộc đời lại là động lực để làm được nhiều việc hơn?
- Đúng, làm việc là một sự giải tỏa. Tôi chỉ cần không làm việc một tháng chắc là sẽ tự sát. Tôi chẳng có thú vui gì ngoài làm phim. Một người bạn bảo ông sống thế này chẳng thà bằng chết. Về hưu có ai bắt mình phải cặm cụi bên máy tính, tạo ra những kịch bản rồi đi “thả thính” chỗ nọ chỗ kia để kiếm tiền làm phim đâu.
Nhưng với tôi, một người chẳng có thú vui thể thao, hát hò, câu cá… thì làm phim lại tạo hứng thú. Cuộc sống ai cũng vất vả, biết vừa lòng thì sống được, không thì rơi vào bi kịch. Mà ai cũng có bi kịch riêng hết. Nhiều lúc tự an ủi, dù sao mình cũng có lợi cho cuộc đời, không phải đồ phế thải.
Sống với một cái đồng hồ trong người cũng mệt mỏi lắm chứ, có khi nào ông muốn thay đổi?
- Tôi chưa bao giờ thấy chán. Cứ sáng dậy tập thể dục, ăn một bát phở, uống 1 cốc cà phê cho cả ngày. Suốt 40 năm nay, tôi chỉ ăn sáng bằng phở thôi, có chủ nhật thì ăn mì vợ nấu. Rồi làm việc. Cuối ngày xem 1 bộ phim. Thành thực mà nói nếu để nghỉ ngơi tôi không biết làm gì.
Tôi sợ nhất là những ngày tết và ngày lễ nghỉ dài ngày!
Người kỷ luật thường rất nghiêm khắc với bản thân và người xung quanh. Đôi khi người thân có thể mệt mỏi với lịch trình của ông lắm chứ?
- Chị lại lái vấn đề sang vấn đề sang đời tư rồi. Trong công việc môi trường kỷ luật tôi tạo ra sẽ đem đến hiệu quả. Gần như không ai kêu ca vì sự hà khắc này, vì họ làm đủ giờ, lĩnh đủ lương. Chỉ có những người vô kỷ luật là khó chịu.
Mọi người hiểu tôi và chấp nhận, không chấp nhận cũng không vấn đề gì, vì tôi là thế, tôi không thay đổi.
Điều gì có thể phá được thành trì thói quen đó?
- Tất nhiên, khi có sự kiện gì đó thì vẫn có thể “phá” được. Ví dụ mình đi làm ở nơi không có phở, hoặc phở không ngon thì mình ăn mì. Tôi cũng chẳng khó chịu với ai muốn phá thói quen của mình, vì tôi sẽ tìm cách phá kìm kẹp. Kìm chế tôi không dễ, trừ trường hợp vì quyền lợi chung tôi phải vòng vèo một tí, tôi sẽ chấp nhận.
Thị trường điện ảnh, truyền hình giờ rất sôi động, ông thích nghi như thế nào?
- Cũng có người mang tiền đến mời tôi làm phim điện ảnh nhưng tôi từ chối vì không muốn họ tốn tiền vô ích. Tôi không lấn sân sang điện ảnh, vì tôi chủ yếu làm phim cho khán giả trung niên, trong khi ngoài rạp giờ toàn thanh niên. Hơn nữa muốn bán được phim phải làm nhiều về quảng bá. Thị trường của tôi vẫn là các đài truyền hình, tôi chào dự án của mình ở đó.
Đạo diễn Khải Hưng thời gian quay phim Tái sinh
Nhà ông có hai thế hệ làm phim, con trai ông trẻ, tư duy hiện đại chẳng lẽ lại không hỗ trợ ông làm điều đó?
- Bố con tôi vài ba tháng gặp nhau 1 lần, con tôi có cuộc sống riêng. Khi gặp nhau ít khi nói chuyện phim vì khác quan điểm, một trẻ, một già khó nói chuyện về thẩm mỹ lắm. Hai người cứ đi song song, chẳng bổ sung cho nhau.
Ngày còn bé, nó sống trong môi trường đặc biệt, tôi vừa làm bố làm mẹ của nó, nhiều lúc không trông được con thì mang đến đoàn làm phim. Tôi phát hiện ra rằng, đây sẽ là nơi giáo dục con mình nhanh nhất. Nó sẽ học được tất cả, kể cả những thói mất dạy nhất và cả cách phòng vệ tốt nhất. Tôi nghĩ rằng đàn ông không biết gì thì chán chết.
Mà những đứa biết nhiều thứ, nhưng không biết phòng vệ thì cũng chán chết. Ở đoàn làm phim có biết bao loại người, bao nhiêu kiểu ứng xử, để dạy cho con người ta trưởng thành. Tôi để ý mấy ông ranh ở đoàn làm phim một tháng đều “lên mồm”, “lên tay” hết.
Tại VFC nơi ông từng làm giám đốc, có rất nhiều cặp cha con là đạo diễn. Ông hướng dẫn con mình như thế nào? VFC hiện nay phát triển mô hình hai người cùng đạo diễn một phim, phóng viên cũng từng thắc mắc nhưng chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
- Thời tôi còn đương chức tôi dư sức có thể lo cho con tôi một chỗ ở VFC, và tôi biết nó có đủ khả năng, không làm tôi bị mất mặt. Nhưng tôi để cho nó cũng phải phấn đấu như tất cả mọi người, phải đi học nghề, làm trợ lý đạo diễn, rồi thi tuyển, sau 5 năm mới vào được VFC.
Còn mô hình VFC hiện nay đang áp dụng hai đạo diễn (một già, một trẻ) làm một phim, là mô hình trâu kèm nghé, bò kèm bê. Mô hình này có cái lợi của nó. Người ta bắt trâu đi cày, tự kèm con nghé, có vấn đề gì trâu phải tự chịu trách nhiệm. Mô hình này an toàn vì phim sẽ không bị đổ nhưng nó sẽ tạo nên một thứ phim khập khiễng, vì nghề đạo diễn là công việc hết sức cá nhân, chẳng ông nào chịu ông nào (kể cả cha con ). Trong phim không thể tồn tại 2 đạo diễn, tôi nghĩ thế.
Tôi vẫn có một thắc mắc, thời điểm con trai ông là Khải Anh kết hôn với MC Đan Lê cực kỳ ồn ào. Khi đó ông đã chọn trả lời trên trang mạng dành cho giới trẻ. Lý do là gì vậy?
- Lúc đó phóng viên đến đông lắm, cháu tôi còn cho tôi xem điện thoại bảo họ đang tường thuật trực tiếp đám cưới nhà mình đây này. Có một phóng viên đã phỏng vấn tôi, tôi đã trả lời mà không biết bạn ấy làm ở tờ nào. Lúc đó hoàn toàn bộc phát, tôi nghĩ nhân cơ hội này ta dùng truyền thông để giải tỏa với truyền thông. Mình chỉ nói ra sự thật, và quả nhiên sau bài báo đó thì mọi việc yên ổn cho đến tận bây giờ. Nếu tôi không làm, họ sẽ bêu rếu hai chúng nó không biết đến bao giờ.
Tôi là người cha chứng kiến thăng trầm tình cảm của hai đứa, hiểu rõ hơn ai hết tình cảm của hai đứa. Bản thân tôi cũng cảm thấy có trách nhiệm khi chúng nó chia tay nhau. Làm cha mẹ, ai cũng chỉ muốn điều tốt đẹp cho con mình. Nhiều người đã bảo tôi già lọc lõi sao lại chấp nhận đám cưới này.
Tôi không nghĩ như họ, con trai tôi lấy người phụ nữ nó yêu là điều quan trọng nhất. Chúng nó đã trải qua thăng trầm để đủ hiểu cần nhau thế nào trong cuộc sống. Chúng nó sẽ sống với nhau thế nào tự chúng nó sẽ phải lo, tôi cũng chẳng nói trước điều gì, đời tôi đầy sóng gió, sao có thể nói trước về đời chúng nó.
Cho đến bây giờ, nhìn lại cuộc đời mình, ông đã cảm thấy hài lòng với cuộc sống?
- Hỏi tôi còn tham vọng không, nếu bảo hết thì là nói dối. Chừng nào còn tham vọng tức là chưa hài lòng. Tôi thấy còn nhiều thứ tôi có thể làm tốt hơn và hay hơn.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.