Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Đừng “kỳ thị” phim TH kịch bản ngoại

Hà My (thực hiện) Thứ ba, ngày 02/01/2018 08:00 AM (GMT+7)
“Việt hóa là một thách thức với những người làm kịch bản, nếu là người chắc tay, vững tay nghề sẽ đem đến một bộ phim gần gũi với văn hóa người Việt, còn ngược lại, nó sẽ là một sản phẩm ngô nghê, chắp ghép, đầu Ngô mình Sở” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.
Bình luận 0

img

Có một thực tế hiện nay là xu hướng Việt hóa kịch bản phim truyền hình nước ngoài. Vậy có khi nào ông cũng sẽ một bộ phim truyền hình từ câu chuyện có kịch bản nước ngoài Việt hóa?

- Các bạn hãy giản dị hơn  một chút khi nói chuyện về phim. Cứ coi một bộ phim cũng như một loại hàng hóa, thơ cũng là hàng hóa, ca khúc cũng là hàng hóa. Hàng hóa đó phục vụ ai, phục vụ gì? Nếu người ta xem thấy thích thì cứ lấy format đó thôi, nếu như anh mua bản quyền đàng hoàng, thông báo đàng hoàng thì không sao cả. Không nên “kỳ thị” phim truyền hình kịch bản ngoại.

img

Phim “Thương nhớ ở ai” do Lưu Trọng Ninh viết kịch bản và đạo diễn. Ảnh: T.L

Nhưng bên cạnh đó, còn có một lượng khán giả họ không muốn như vậy, họ muốn làm thuần Việt thì chúng tôi sẽ  đáp ứng, bản thân tôi sẽ là người đáp ứng. Tất nhiên, tôi sẽ không bao giờ làm theo kịch bản phim mua từ nước ngoài.

Tất cả những bộ phim tôi làm gần như đều tự tôi viết kịch bản. Tôi làm 10 phim nhựa và 6 - 7 phim truyền hình đều tự tôi viết kịch bản. Không phải tôi làm hay hơn mọi người mà vì tôi muốn làm, muốn nói những điều của mình. Còn kịch bản mua về thì phải xem xét chuyển hóa cho nó thuần Việt hơn, không bị Tây hóa hoặc bị Trung Quốc quá thì cũng không nên.

Hiện nay, việc các kênh truyền hình ngập sóng phim truyền hình có kịch bản ngoại cũng kiến khán giả có nhiều ý kiến trái chiều.Người thì hồ hởi đón nhận, song cũng có người không thích, quan điểm cá nhân ông thế nào?

- Vì nước chúng ta mới phát triển nên cảm thấy có gì đó hơi mới mẻ nhưng thực ra việc này đã rất phổ biến trên thế giới. Tại các hội chợ phim, các nhà làm phim châu Âu, châu Á… thậm chí Hollywood cũng đều đến các hội chợ để tìm kịch bản mang về. Đây là chuyện rất bình thường trong hoạt động trao đổi bản quyền. Cá nhân tôi thấy rằng, ngoài việc may mắn lựa chọn được kịch bản hay thì tiêu chí của nhà sản xuất mong muốn lựa chọn cho mình một bộ phim như thế nào cũng rất quan trọng.

Nhiều khán giả cho biết phim truyền hình Việt hóa có tình trạng phim na ná giống nhau từ lời thoại đến lồng tiếng, quanh quẩn vài câu chuyện nhạt nhẽo trong khi phiên bản gốc đã rất thành công, theo ông có nên phát triển theo hướng Việt hóa kịch bản ngoại?

- Việt hóa là một thách thức với những người làm kịch bản, nếu là người chắc tay, vững tay nghề sẽ đem đến một bộ phim gần gũi với văn hóa người Việt, còn ngược lại, nó sẽ là một sản phẩm ngô nghê, chắp ghép, đầu Ngô mình Sở. Theo tôi, việc Việt hóa kịch bản ngoại chỉ là giải pháp tình thế, để “đổi món” cho người xem, còn điện ảnh nước nào cũng phải chuyên tâm sáng tạo những kịch bản cho mình, phục vụ khán giả nước mình. Đó là điều hiển nhiên. Không ai cứ đi vay mượn cả đời được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem