Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Cách hiểu về Xuân Quỳnh trong diễn ngôn truyền thống chịu sự chi phối của định kiến"
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp: "Cách hiểu về Xuân Quỳnh trong diễn ngôn truyền thống chịu sự chi phối của định kiến"
Hà Thúy Phương
Thứ tư, ngày 19/10/2022 13:00 PM (GMT+7)
Vị trí của nhà thơ Xuân Quỳnh trong đời sống và sáng tác luôn được gắn với hình ảnh người vợ - hậu phương của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Vậy đã đủ và đã đúng về tiếng nói thi ca mà Xuân Quỳnh mang đến trong suốt những năm dài sáng tác cho đến khi bà rời cõi tạm?
"Xuân Quỳnh nếu được đặt trong cách nhìn khác, cách đọc khác thì sẽ dẫn đến cách hiểu và liệu từ đó có thể đặt nền móng cho diễn ngôn mới về di sản thi ca của bà hay không?". Đó là câu hỏi mà Se sẽ chứ muốn tìm lời giải đáp trong những hoạt động xoay quanh thơ Xuân Quỳnh trong ngày 22/10 tới tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người sáng lập ra Ơ kìa Hà Nội - nơi tổ chức thường niên các hoạt động thơ ca của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã có cuộc trò chuyện với Dân Việt về sự kiện này.
Vừa thực hiện thành công đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của nhà thơ Xuân Quỳnh, cảm xúc của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thế nào?
- Biết ơn và có niềm vui của người gặt hái.
Vậy chị đã gặt hái được những gì sau sự kiện này?
- Vâng, tôi gặt hái được sự hiểu biết ở những lĩnh vực mình còn lờ mờ hoặc ngay cả trong chính địa hạt mình tỏ tường. Tôi gặt hái được tình thân với những nghệ sĩ khác, họ như những bông cúc xanh, mọc kín mặt đầm lầy, sự sáng tạo của họ, sự thăng hoa của họ, niềm vui của họ... là một bầu khí quyển rất đặc biệt. Tôi thấy mình may mắn khi ở đó và chứng kiến mọi điều.
Những điều vừa đạt được ở đêm thơ – nhạc - kịch Hoa cúc xanh có khiến chị thay đổi trong Se sẽ chứ lần này?
- Tôi không nghĩ có gì thay đổi lớn đâu nhưng khẳng định chắc chắn hơn thì có. Như là tinh thần yêu chuộng tự do, yêu đời, yêu người. Se sẽ chứ với concept một lễ hội thi ca thì năm nay có lẽ phần hội tôi mới chỉ thực hiện được một phần thôi, năm sau thì sẽ làm tốt hơn, tôi đoán thế. Tôi thích bầu không khí lễ hội cho thi ca, vui, đại chúng. Tất nhiên, lễ hội thi ca chứ không phải lễ hội bia hay hàng Việt Nam chất lượng cao nên nó sẽ có kiểu niềm vui riêng. Sự hân hoan cũng nên thơ hơn đời thường một chút.
Chị có thể nói thêm tính chất lễ hội trong chương trình lần này?
- Tôi có chút áy náy vì tôi gần như phát nguyện với thi ca nghệ thuật rằng còn sống là còn yêu, mà còn yêu là còn..."dí dao vào cổ" bạn bè rủ yêu cho bằng được. Cho nên, thực ra tôi luôn muốn kéo nghệ thuật vào đời sống, nghệ sĩ thật gần với công chúng. Hoa cúc xanh là một kế hoạch mơ mộng - tốn kém - phạm vi lan tỏa lớn nhưng không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận. Việc nỗ lực tạo dựng một sự kiện thường niên mà nhiều người có thể tiếp cận, tôi nghĩ là tôi sẽ luôn cố gắng đấy.
Điểm mới của Se sẽ chứ 2022 là gì?
- Là nó vẫn rất bền bỉ với những tôn chỉ xưa nay: Một tinh thần mây trắng, yêu thi ca và muốn chia sẻ tình yêu ấy với mọi người xung quanh một cách không định kiến. Thi ca kết nối con người và vực dậy niềm tin, những điều muôn năm không mới ấy vẫn luôn ở đây.
Tất nhiên, về hoạt động năm nay chúng tôi thử nghiệm với Bảo tàng Văn học, cùng tạo tác tour thơ Se sẽ chứ. Nếu thành công thì chúng tôi sẽ thử đóng gói thành sản phẩm trải nghiệm. Một hoạt động nữa là đối thoại thi - ca tức là cả thơ và nhạc. Năm nay, thơ không giới hạn tác giả như mọi năm, mà được chọn xoay quanh chủ đề Yêu!
Chúng tôi cũng làm một tọa đàm tên gọi là Xuân Quỳnh - Một cách nhìn khác. Nó bắt đầu từ một giả thuyết của tôi trong quá trình nghiên cứu các di sản tư liệu của 2 nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Tôi lờ mờ nhận ra rằng, cách đọc dẫn đến cách hiểu về nữ thi sĩ trong diễn ngôn truyền thống, chịu sự chi phối của định kiến và khuôn mẫu giới rất nặng. Giả sử, chúng ta có thể gỡ bớt những khuôn ấy thì sao? Tọa đàm là kết quả làm việc với các nhà nghiên cứu và thử đề xuất một cách nhìn khác xem kết quả sẽ thế nào. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và PGS.TS. Lưu Khánh Thơ sẽ thực hiện nội dung của tọa đàm.
Tại sao chị làm chọn làm Se sẽ chứ ở Bảo tàng Văn học chứ không phải những không gian ấm cúng như trước? Không gian này có ảnh hưởng gì đến nội dung của chương trình?
- Tại tôi cũng ăn năn quá khi mình sống trong thành phố bao lâu mà không biết rằng Hà Nội ta có bảo tàng dành riêng cho văn chương. Và cũng vì gặp tôi gặp nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc bảo tàng Văn học Việt Nam. Chị Huệ hết lòng với những hoạt động văn chương nên chúng tôi nghĩ tại sao không?
Liều chút, rời khỏi trung tâm, đến một địa điểm hơi ít người biết, sẽ rất khó khi truyền thông nhất là truyền thông kiểu truyền miệng như Ơ Kìa, nhưng nó bền vững nếu thu hút được mọi người thì công chúng biết thêm được một bảo tàng cực kỳ hay. Bảo tàng cùng với những cán bộ nhiệt huyết của họ như những đồng đội tuyệt vời cho Se sẽ chứ không phải chỉ năm nay. Địa điểm và con người nơi đây lại tuyệt đối yêu quý - trân trọng và tôn vinh thơ ca nữa. Hiếm gặp lắm nên tôi nghĩ liều cũng đáng.
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có thể tiết lộ những nhân vật chị kết hợp để tạo ra điều mới mẻ tại Se sẽ chứ 2022?
- Tôi nghĩ mọi người sẽ khá bất ngờ đấy! Ví dụ như bộ phim tài liệu truyền thống mà đạo diễn Nguyễn Thước tặng bản quyền trình chiếu cho Se sẽ chứ... thì năm nay phần giao lưu lại do nhà báo Lưu Quang Định thực hiện. Anh Định có những câu chuyện hiếm có lắm, tôi thú nhận là chính tôi đang rất hồi hộp được nghe.
Phần đối thoại thi - ca, tức là thơ và nhạc sẽ có một cây mic ở chính giữa và những dòng chảy nên thơ sẽ xoay quanh. Có lẽ bạn chưa bao giờ được nghe đạo diễn Phan Đăng Di đọc thơ đâu nhỉ?
Còn các nghệ sĩ khác thì cũng khá vui như là Mạc Mai Sương, Nguyễn Khắc Ngân Vi... toàn gương mặt trẻ măng và chả mấy ai thấy họ liên quan đến thơ. Nhưng mà thôi, bạn đến chơi đi, lễ hội làm sao mà kể hết bằng lời cho được.
Chị đã tổ chức được bao nhiêu mùa Se sẽ chứ?
- 6 mùa rồi! Đúng dự kiến, tôi mong chuyển giao bản quyền tổ chức Se sẽ chứ cho cộng đồng và lễ hội thi ca thường niên sẽ bền bỉ với thời gian.
Thành quả thu được thế nào khi có những hoạt động gần đây như chép tay thơ Xuân Quỳnh, học sinh đọc thơ Xuân Quỳnh...?
- Giúp người ta sống chậm lại một chút với thơ. Thơ nói chung, không chỉ riêng thơ Xuân Quỳnh đâu.
Với rất nhiều hoạt động xung quanh thơ Xuân Quỳnh nhiều năm qua, có điều gì chị cảm thấy vẫn chưa chạm tới được ở thơ Xuân Quỳnh?
- Trung thực thì tôi là người tập sự yêu thơ Xuân Quỳnh. Nếu không có lời mời với đầu bài cực kỳ cụ thể từ nhà báo Lưu Quang Định thì không chắc đã có một năm hoa cúc xanh nở rộ thế này... Nói cách khác, không chắc chúng tôi đã đặt di sản thơ Xuân Quỳnh vào vị trí trung tâm. Nên còn nhiều điều tôi chưa thấu tỏ lắm, chỉ thật may rằng, thi ca đến bây giờ với tôi là những niềm vui, nên tôi rất vui được học tiếp.
Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ!
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam hiện đại. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm sinh nhà thơ Xuân Quỳnh, ban tổ chức chuỗi sự kiện thường niên Se sẽ chứ (thuộc “Ơ kìa Hà Nội”) và báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt phối hợp thực hiện một hội thảo về sự nghiệp thơ Xuân Quỳnh. Hội thảo mang tên “Xuân Quỳnh – Một cách nhìn khác” mong muốn khởi xướng một cách đọc khác, một cách nhìn khác với nhà thơ Xuân Quỳnh, từ đó tạo tiền đề cho các diễn ngôn mới xuất hiện. Hội thảo này cũng là trọng tâm của Se sẽ chứ 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.