Những đổi mới trong công tác bảo trì đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giúp những tuyến đường kéo dài tuổi thọ, làm lợi nhiều tỷ đồng do giảm kinh phí sửa chữa hư hỏng.
Ông Nguyễn Đức Thắng – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 1 trong 10 “sự kiện” đơn vị này thực hiện được trong năm 2013 là đào và nạo vét rãnh thoát nước trên tất cả các tuyến quốc lộ. Việc đào rãnh thoát nước tưởng chừng rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có ảnh hưởng rất quan trọng đến kết cấu đường bộ.
Công việc kể trên đã bị “bỏ quên” trong một thời gian dài khiến nhiều tuyến đường bị ngập, ứ đọng nước sau khi có mưa lớn. Ông Thắng so sánh: “Nước là kẻ thù của đường. Để mặt đường ngập nước sẽ làm giảm tuổi thọ của đường”. Vì vậy, tháng 8.2013 Tổng cục Đường bộ đã ra chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác thoát nước và xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước trên các quốc lộ. Chỉ sau 4 tháng triển khai, các khu quản lý đường bộ và các sở GTVT địa phương đã thực hiện đào và nạo vét trên 119 quốc lộ.
Để làm được sự thay đổi tưởng như rất đơn giản này, ngoài chỉ thị được ban hành, Tổng cục Đường bộ đã tổ chức 3 hội nghị triển khai. Thậm chí, ông Thắng kể lại việc từng phải “đe” gửi văn bản đề nghị cách chức với lãnh đạo một sở GTVT địa phương nếu không thực hiện nghiêm túc việc này. Ngay sau đó, đơn vị này đã tích cực triển khai và chủ động vận động người dân địa phương tham gia, ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản chi đáng kể.
Bên cạnh đó, việc đổi mới cơ chế quản lý, sửa chữa đường bộ đã khiến các đơn vị được giao quản lý, sửa chữa thường xuyên chủ động hơn trong công việc của mình. Ông Nguyễn Hồng Trường – Thứ trưởng Bộ GTVT nhận xét: “Ban đầu việc thay đổi mô hình duy tu bảo trì đường bộ có thể gây sốc vì tách việc quản lý nhà nước với việc đặt hàng bảo trì, sửa chữa. Nhưng bây giờ hiệu quả đã được thể hiện, đồng vốn bảo trì đường cũng được sử dụng minh bạch”.
Việc lập và phê duyệt hồ sơ dự án cũng có bước tiến bộ vượt bậc, hoàn thành trước tháng 6.2013, tiết kiệm thời gian đến 5 – 6 tháng so với những năm trước. Điều này giúp tạo điều kiện thi công sớm trước mùa mưa bão, giảm được 20 – 30% hư hỏng phát sinh. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ riêng hai “việc nhỏ” là đào, nạo vét cống rãnh và hoàn thiện sớm hồ sơ đã làm lợi hàng trăm tỷ đồng do giảm kinh phí sửa chữa cùng việc tăng hiệu quả vốn đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.