|
Giờ thực tập ở Trường Trung cấp Nghề Thới Lai. |
Tốt nghiệp cả 2 bằng
Tổ chức cho nông dân vừa học văn hoá, vừa học nghề là cách làm của TP. Cần Thơ. Hiện, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các quận, huyện; các trường dạy nghề ở TP.Cần Thơ đều liên kết với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề để mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Từ năm 2005, TP. Cần Thơ đã thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề. Mỗi năm TP. Cần Thơ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp khoảng 350 học viên. Năm 2011, Cần Thơ sẽ đào tạo khoảng 750 người trình độ trung cấp nghề theo Đề án 1956/QĐ-Ttg. Trong đó, các nhóm nghề chính là nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Ông Tiêu Minh Dưỡng- Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết: "Nông dân học trình độ trung cấp theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề đạt hiệu quả rất cao. Trong đó các nghề như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, xây dựng, điện… hầu hết học viên ra trường đều có việc làm. Đây là xu hướng tất yếu trong tương lai để nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề cho lao động nông thôn…".
Thầy Đào Minh Lợi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thới Lai cho biết: "Hầu hết các lớp trung cấp nghề đều đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của doanh nghiệp. Học viên sau khi ra trường được các công ty trên địa bàn nhận vào làm với thu nhập tương đối ổn định.
Một số khác làm việc tại địa phương hay đầu tư phát triển kinh tế gia đình…". Hàng năm, trường chủ yếu chiêu sinh những học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở. Hình thức đào tạo là vừa học văn hóa, vừa học nghề. Sau 3 năm học, học viên được cấp cả bằng trung cấp nghề và tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đầu ra ổn định
Hiện nay, Trường Trung cấp Nghề Thới Lai đang đào tạo 4 lớp trung cấp nghề, gồm: Kế toán, quản trị mạng máy tính và điện công nghiệp với số lượng 160 học viên. Em Bùi Hoàng Vũ ở thị trấn huyện Thới Lai đang theo học lớp quản trị mạng máy tính ở trường này. Năm rồi, tốt nghiệp THCS em thi vào trường công lập không đủ điểm nên đăng ký học ở Trường Trung cấp Nghề và học bổ túc ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Em Vũ cho biết: "Nếu không học nghề chắc em chỉ ở nhà làm ruộng chứ đâu được học như bây giờ. Nhà em ở gần chợ nên sau khóa học em dự định về nhà mở cửa hàng dịch vụ cho thuê Internet kiêm sửa chữa máy tính, chắc cũng sẽ ổn". Nhiều em học sinh ở vùng sâu, vùng xa, gia đình nghèo không có điều kiện học tiếp đều được hỗ trợ học trung cấp nghề.
Thầy Trần Thiện Phúc - giáo viên Trường Trung cấp Nghề Thới Lai cho biết: "Lớp quản trị mạng máy tính có 37 học viên theo học, thời gian 36 tháng. Sau khi học xong, học viên có thể làm việc ở các cơ quan, ban ngành cấp xã, cấp huyện trên địa bàn. Ngoài ra, các học viên có điều kiện kinh tế khá có thể mở dịch vụ Internet, sửa máy tính… Vì vậy chuyện đầu ra của lớp này tương đối ổn định".
Không chỉ ở các trường trung cấp nghề, một số địa phương cũng mạnh dạn liên kết với các trường nghề để đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ trung cấp. Năm 2008, xã Trường Xuân đã liên kết với Trường Cao đẳng Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long) và Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (Cần Thơ) mở 5 lớp trung cấp nghề gồm: Xây dựng, chế biến thủy sản và trồng trọt.
Mỗi lớp có 28 học viên, chủ yếu là con em nông dân ở địa phương. Hiện nay, các học viên đang đến các trường ở Vĩnh Long và Cần Thơ để thực tập, chuẩn bị hoàn thành khóa học. Nhiều đơn vị như: Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Cafatex đã đăng ký để nhận các học viên này vào làm việc sau khi ra trường.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.