Đào tạo nghề theo lối "cầm tay chỉ việc" cho lao động nông thôn ở Lai Châu

Tuấn Anh Thứ năm, ngày 28/12/2023 15:55 PM (GMT+7)
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền thành phố Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức khác nhau.
Bình luận 0

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

Lai Châu là tỉnh miền núi, lao động chủ yếu trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chính vì vậy để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức rõ về tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị ố 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt Chỉ thị cho trên 500 cán bộ chủ chốt trong toàn tỉnh. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức hội nghị quán triệt, học tập cho cán bộ chủ chốt; các chi bộ, đảng bộ cơ sở, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch, nghị quyết để triển khai thực hiện. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành quyết định, kế hoạch giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

Thời gian qua, UBND thành phố Lai Châu đã chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động, chiêu sinh, nắm bắt nhu cầu thị trường, tư vấn đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động; lựa chọn đơn vị đào tạo phối hợp mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố theo hướng chuyển đổi từ đào tạo nghề nông nghiệp sang đào tạo các nghề phi nông nghiệp như: các lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng nấm, chăn nuôi gia súc, gia cầm hay thêu dệt thổ cẩm, kinh doanh thương mại,… đáp ứng phù hợp cho nguồn cung lao động thị trường.

Đào tạo nghề theo lối "cầm tay chỉ việc" cho lao động nông thôn ở Lai Châu- Ảnh 1.

Một buổi học trồng cây ăn quả có múi của nông dân xã Bản Hom, huyện Tam Đường (Lai Châu).

Sau học nghề, các học viên đã được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề để trực tiếp tham gia lao động mạnh dạn vay vốn mở rộng mô hình hiện có của gia đình, một số tham gia vào nhóm hộ trồng rau tại bản Tả Sin Chải, phường Đông Phong, chăn nuôi trâu, ngựa, thêu dệt thổ cẩm tại xã Sùng Phài. Mô hình trồng nấm ở phường Đoàn Kết, Quyết Thắng; phát triển dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ du lịch tại xã San Thàng… Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Bà Vũ Thị Huệ - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Lai Châu cho biết: Các hoạt động dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được chú trọng, chia thành 2 nhóm với 36 ngành, nghề (nhóm nghề nông nghiệp 14, nhóm nghề phi nông nghiệp 22) đã giúp lựa chọn ngành, nghề phù hợp với định hướng phát triển - kinh tế xã hội của tỉnh và thị trường lao động; các lớp đào tạo nghề được tổ chức đến tận thôn, bản, linh hoạt về thời gian, địa điểm... thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề. Người lao động sau khi học nghề đã biết tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các chuỗi sản phẩm nông nghiệp có giá trị, từng bước mở rộng phát triển chương trình OCOP.

Dạy nghề theo lối "cầm tay chỉ việc"

Dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới và gắn với nhu cầu thực tiễn nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân đang được huyện Tam Đường, Lai Châu triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Hoàng Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được chúng tôi quan tâm thực hiện.

Để công tác dạy nghề mang lại hiệu quả thiết thực, chúng tôi đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp thực hiện với mục tiêu sát với thực tế và nhu cầu của địa phương.

Nhờ đó đã từng bước nâng cao chất lượng và tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cung ứng cho doanh nghiệp và thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo.

Tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng cây mắc ca tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tam Đường vào năm 2020, sau thời gian 2 tháng học nghề trở về địa phương, anh Tao Văn Nó, bản Đông Pao 1 (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) đã mạnh dạn đầu tư trồng 100 gốc cây mắc ca, hiện diện tích cây mắc ca của gia đình anh đang trong giai đoạn bói quả, phát triển tốt.

Đào tạo nghề theo lối "cầm tay chỉ việc" cho lao động nông thôn ở Lai Châu- Ảnh 2.

Qua lớp dạy nghề do huyện Tam Đường, Lai Châu tổ chức anh Tao Văn Nó (bản Đông Pao 1, xã Bản Hon) đã gây dựng được vườn mắc ca, nhờ đó tạo được nguồn thu nhập ổn định, gia đình nhờ đó đã bớt khó khăn. Ảnh Tuấn Hùng

Chia với với chúng tôi, anh Nó cho biết: Thông qua lớp học tôi đã nắm bắt được các kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây mắc ca, đến nay cây mắc ca của gia đình đang cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nếu không được tham gia lớp học, quả thật tôi không thể hình dung mình dám trồng mắc ca và không nghĩ mình lại có vườn mắc ca như bây giờ. Hy vọng cây mắc ca sẽ giúp gia đình có thu nhập tốt hơn.

Trước đó, vào năm 2022, ông Lý A Sanh ở bản Sùng Chô, xã Sùng Phài cũng tham gia lớp học nghề chăn nuôi, trồng trọt của thành phố tổ chức. Nhờ đó, ông Sanh được mở mang kiến thức khuyến nông.

Ông Sanh kể: Trước đây, tôi chưa nắm được quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên chi phí sản xuất cao mà hiệu quả thu về thấp. Sau khi tham gia lớp dạy nghề, tôi và các học viên trong bản biết cách tiêm phòng và bổ sung vào khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng của gia cầm nên đã hạn chế rủi ro cho đàn gà.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu Trần Đình Tiến, để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn, hàng năm, thành phố Lai Châu chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân khu vực nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động. Đồng thời, chú trọng đến các cơ sở đào tạo, dạy nghề có đủ điều kiện con người, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn tham gia giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn.

Đặc biệt, phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động tại địa phương. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm dịch vụ việc làm, hội chợ việc làm. Hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như mức giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh đạt 3,78%; đào tạo nghề cho 8.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; giải quyết việc làm mới cho 8.920 người lao động; tỷ lệ xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 63,2%, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 75%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem