Đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề, làng nghề truyền thống

Trần Tinh Anh Thứ sáu, ngày 08/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Cũng như TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai đào tạo nghề nông thôn gắn với các nghề, làng nghề truyền thống.
Bình luận 0

Theo Kế hoạch hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025 UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành, tỉnh sẽ nâng cao việc đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn phải gắn với các nghề, làng nghề truyền thống.

Đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề, làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Nông dân trồng nấm ở Làng nghề nuôi trồng và chế biến nấm ở Đồng Nai. Đây cũng là làng nghề đầu tiên được tỉnh Đồng Nai công nhận. Ảnh: T.Đ

Đồng thời, tăng cường đào tạo kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; đối với làng nghề có biện pháp khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, tập huấn.

Tỉnh Đồng Nai cũng chủ động tìm kiếm các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy các cơ sở dạy nghề và các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sau khi học nghề có trên 85% lao động tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm mới đúng với ngành nghề đã học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn, cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

Hiện, tỉnh Đồng Nai có 16.551 cơ sở ngành nghề nông thôn, chia làm 5 nhóm cụ thể, như: 2.895 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 596 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 3.121 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 92 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 9.847 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 1 nghề truyền thống (nghề Gốm mỹ nghệ Biên Hòa) và 1 làng nghề (nghề nuôi trồng và sơ chế nấm) được UBND tỉnh công nhận.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành mới các làng nghề và các nghề truyền thống nhưng chưa được công nhận do chưa đạt các tiêu chí quy định, như các làng nghề: Làng nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (xã Hiếu Liêm, xã Mã Đà huyện Vĩnh Cửu); làng nghề nuôi trồng và chế biến nấm (ấp 4, xã Suối Nho, huyện Định Quán); làng nghề nuôi cá lồng bè (xã La Ngà, huyện Định Quán); làng nghề gỗ mỹ nghệ (ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom); làng nghề đồ gỗ, mộc gia dụng (ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom); làng nghề nấu rượu Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa)...

Đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề, làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

Nuôi hươu ở Làng nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (xã Hiếu Liêm, xã Mã Đà huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: T.Đ

Các nghề truyền thống, như: Nghề đúc gang (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu); nghề mía đường (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu); nghề mây tre đan (huyện Định Quán); nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Châu Mạ (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú); nghề chế tác đá Bửu Long (TP.Biên Hòa); ...

Nhiều sản phẩm làng nghề ở tỉnh Đồng Nai đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, nhất là các mặt hàng, như: Gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, hàng đan lát...

Sản phẩm làng nghề đã góp phần vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng GDP của tỉnh. Một số địa phương đã kết hợp du lịch làng nghề với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tạo ra nét riêng, hấp dẫn khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem