Ngư dân không rành luật
Tiếng là đào tạo, thế nhưng không như nhiều người học lái ô tô bắt đầu khóa học từ "không biết gì", 100% ngư dân tham gia học lớp đào tạo thuyền trưởng tàu cá ở Quảng Ngãi là những người điều khiển tàu đầy kinh nghiệm. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trong đó chủ yếu là bận đưa phương tiện khai thác trên biển nên họ chưa tham gia lớp học để được cấp chứng chỉ.
"Và cũng chính vì chưa qua trường lớp đào tạo bài bản như vậy, cho nên dù nghề thì vô cùng thành thạo và kinh nghiệm đầy mình, thế nhưng hầu hết ngư dân lái tàu cá "mù mờ luật" và cả những quy định về hàng hải khác"- ông Phùng Đình Toàn- Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh) cho biết.
|
Hàng ngàn lái tàu cá đã được cấp chứng chỉ. |
Ngư dân Nguyễn Văn Hải (38 tuổi), kiêm thuyền trưởng một tàu cá ở huyện Lý Sơn, không giấu giếm: "Tôi đã lái tàu hơn 10 năm, với hàng trăm chuyến ra khơi đánh bắt ở tận Hoàng Sa, Trường Sa... thế nhưng nhiều quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy và liên quan thì biết rất ít".
Vì vậy chỉ sau khi tham gia học lớp đào tạo thuyền trưởng cách đây không lâu, anh mới thông suốt được nhiều điều. Chẳng hạn khi gặp tình huống khẩn cấp như bão, gió to... muốn vào trú tại cảng nào đó ở nước ngoài thì phải sử dụng một loại cờ riêng biệt treo lên, thay vì như trước kia cho anh em trên tàu cầm áo trắng vẫy vẫy để xin phép. Khi tàu hỏng máy ngoài điện đàm để báo, phải treo cờ hiệu để tàu khác biết và tránh, thay vì cử người ngồi trước mũi gào to, la lớn để tàu khác tránh...
Xóa "tài xế” không bằng
Người tham gia khóa đào tạo thuyền trưởng có thể bị thiệt thòi chút ít về kinh tế do phải bỏ dở một vài phiên biển. Thế nhưng, rất nhiều chủ tàu sẵn sàng "bỏ biển chứ không bỏ học". Theo họ, những kiến thức được trang bị từ lớp học này, đặc biệt là việc tuân thủ những quy định khi vào các cảng lớn; hay lúc hoạt động đánh bắt, neo trú trên những địa điểm có nhiều tàu thuyền đi qua sẽ giúp ích rất nhiều, hạn chế những rủi ro do va đập... cho các lái tàu.
Nhờ có Đề án 1956, thay vì nộp học phí khoảng 1,4 triệu đồng/khóa/người như trước đó, năm 2012 có 70% trong tổng số 160 người được miễn học phí; còn năm 2013, 210 ngư dân được đào tạo được miễn phí hoàn toàn. Trong thời gian tới, Sở NNPTNT tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để số còn lại được tham gia đào tạo, nâng cấp chứng chỉ.
Ông Phùng Đình Toàn cho biết: Từ năm 2005 đến nay từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Chi cục đã phối hợp với các trường chuyên môn trong nước và Bộ Thủy sản (nay là Bộ NNPTNT) để mở hàng chục lớp đào tạo thuyền trưởng tàu cá (hạng 5, công suất từ 20CV-90CV) và nâng cấp thuyền trưởng tàu cá hạng 5 lên hạng 4 (lái tàu có công suất từ 90 CV trở lên); đào tạo máy trưởng tàu cá.
Gần đây nhất, theo Đề án 1956, hàng chục lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng được mở, hỗ trợ ngư dân học nghề 100%. Nhờ đó, đã có 3.000 ngư dân được cấp chứng chỉ thuyền trưởng (hạng 5 và 4) và 2.000 ngư dân được cấp chứng chỉ máy trưởng. Và với số thuyền, máy trưởng đã được cấp chứng chỉ, thì ước số lái tàu cá và thợ máy hiện đang hoạt động trên biển đã qua đào tạo đạt trên 80%. Riêng năm 2012 và 2013, đã cấp khoảng 370 chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.