30/7 là ngày khó quên đối với gia đình nhạc sĩ Đào Trọng Thịnh. Khi ấy, con trai đầu của anh xét nghiệm và dương tính với SARS-CoV-2 sau những biểu hiện như ho, sốt, khó thở.
Một ngày sau, lần lượt các thành viên khác trong gia đình đều được tiến hành xét nghiệm và nhận kết quả tương tự. Cả nhà gồm 6 người được đưa đi cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).
Những ngày ở viện, nhạc sĩ Trọng Thịnh từng rơi vào thời điểm nguy kịch, phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Zing có cuộc phỏng vấn với tác giả Con đường tình yêu sau khi anh chiến thắng Covid-19, trở về nhà.
Nếu không có bác sĩ cứu, tôi đã trở thành cố nhạc sĩ
Trong thời dịch, người ta thường chúc nhau hai chữ bình an. Với anh, hai chữ bình an ý nghĩa ra sao sau hành trình gần một tháng vượt qua cửa tử?
- Những ngày bình thường, sự bình an là điều rất đỗi quan trọng với mỗi người. Trong thời dịch, bình an lại mang ý nghĩa sống còn. Hơn ai hết, tôi là người thấm thía giá trị của hai chữ ấy khi trải qua gần một tháng chiến đấu với Covid-19.
Sau khi vượt qua giai đoạn sinh tử, tôi bắt đầu xem lại những bình luận trong các bài mà mình đăng tải trên trang cá nhân với nội dung cầu cứu cộng đồng mạng, bạn bè. Có rất nhiều người không hề quen biết nhưng họ còn nhiệt tình hơn những người bạn mà mình nghĩ là thân thiết. Tôi rất cảm động về tình người, sự chia sẻ lúc khó khăn mà những người lạ đã truyền năng lượng tích cực đó cho mình.
Nhìn lại một tháng chiến đấu với Covid-19, đâu là thời khắc ám ảnh anh nhất?
- Có hai khoảnh khắc chắc tôi sẽ nhớ đến hết đời là khi con trai đi xét nghiệm và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Lúc ấy, ai trong nhà cũng rối bời, hoang mang. Cả gia đình 6 người gồm tôi, ba mẹ già trên 70 tuổi, vợ đang mang bầu, con trai 11 tuổi và con út 1 tháng tuổi.
Sau đó, tôi và các thành viên khác trong nhà cũng lần lượt trở thành F0. Tôi cùng vợ con là những người đầu tiên được đưa đi cách ly và điều trị tại bệnh viện. Vào viện được ba ngày, tôi bất ngờ bị khó thở, sốt cao, phải uống hạ sốt liên tục mà không giảm. Tôi được y tá truyền nước biển, thở oxy, chích thuốc liên tục.
Thời điểm đó, một tay tôi truyền dịch, tay kia thì bấm điện thoại, lên mạng cầu cứu bạn bè, người quen để đưa ba mẹ vào bệnh viện. May mắn là tôi được một người bạn hỗ trợ nên ba mẹ cũng được nhập viện. Lúc đó, tôi mới chính thức bỏ, không sử dụng điện thoại để tập trung trị bệnh.
4 ngày tiếp theo là giai đoạn khó khăn nhất, virus tấn công phổi nên tôi hoàn toàn phụ thuộc vào máy thở, không di chuyển được khỏi giường và rất đau đớn mỗi khi cử động. Tôi phải mặc tã và nằm yên một chỗ, chỉ có thể ráng ngồi dậy vào giờ ăn.
Vợ tôi đang mang bầu nên không thể uống các loại thuốc thông thường. Cô ấy cũng lên cơn sốt trên 39 độ C. Hai con nhỏ phải tự chăm sóc, chơi với nhau trong phòng bệnh.
Ở giữa lằn ranh sinh tử, động lực lớn nhất để anh vượt qua Covid-19 là gì?
- Lúc nằm yên 4 ngày trên giường bệnh, hầu hết thời gian tôi hồi ức lại quá khứ từ nhỏ đến hiện tại. Tôi nhớ lại những con người đã xuất hiện trong cuộc đời mình rồi chiêm nghiệm mọi thứ.
Trong thời gian này, tôi phát hiện ra rằng khi mình càng suy nghĩ tích cực, lạc quan, tha thứ cho những người đã sai với mình, tìm ra điểm tốt của họ để cảm ơn thì tinh thần bắt đầu vui vẻ, sự lo lắng, nỗi sợ chết biến mất.
Tình cờ, vào lúc nửa đêm của ngày thứ 3, khi bình oxy thứ hai hết, trong thời gian mẹ tôi đi tìm bác sĩ, tôi phát hiện ra mình có thể tự thở với tâm trạng không sợ hãi.
Nhìn lại hành trình trị bệnh, tôi thấy bản thân may mắn sống được là nhờ các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Lê Văn Việt. Nếu không có họ, chắc tôi đã trở thành cố nhạc sĩ rồi. Vì tình trạng bệnh của tôi diễn biến khá nhanh.
F0 cần tập thở sâu và đừng sợ hãi
Khoảnh khắc mở mắt ra, tự thở được như một người bình thường, với anh đáng giá như thế nào?
- Khi bị bệnh này, tôi mới thấu hiểu hết giá trị của hơi thở. Việc mà đối với một người bình thường là tự nhiên, đơn giản.
Nếu càng lo lắng, hơi thở của tôi sẽ trở nên gấp gáp hơn. Bắt đầu từ sáng hôm sau, tôi tháo ống thở và tập thở như một người bình thường. Tôi lên mạng nhờ bạn bè tìm giúp những phương pháp tập thở. Ban đầu, tôi chỉ giữ hơi được 1 giây, dần dần tăng lên. Đến ngày thứ 4, tôi cố gắng tập đi ra khỏi giường từng bước chậm rãi. Sau đó, tôi ra được ngoài ban công phơi nắng, tiếp tục tập thở và bỏ hẳn bình oxy ở những ngày kế tiếp.
Sức khỏe dần hồi phục. Tôi biết mình đã sống.
Việc đầu tiên anh làm sau khi trở về nhà?
- Tôi vừa trở về nhà sau hơn 3 tuần điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Trước đó, vợ và hai con nhận xét nghiệm âm tính nên được xuất viện sớm. Hiện, mẹ tôi cũng ho nhẹ nhưng đang hồi phục tích cực.
Trong nhà chỉ còn ba lớn tuổi nhất nên thời gian theo dõi lâu hơn. Việc cả nhà vượt qua cuộc chiến với Covid-19 là chiến thắng chung của cả gia đình và có sự hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ. Một tháng qua có lẽ là những ngày tôi và các thành viên trong nhà không thể nào quên được trong cuộc đời.
Trước khi bị lây nhiễm vào đầu tháng 8, công ty âm nhạc của tôi đang chuẩn bị ra mắt dự án thứ 3 là bài hát cổ động cho TP.HCM vượt qua đại dịch. Khi tôi nhập viện, mọi thứ dở dang. Vì thế, khi trở về nhà, tôi lập tức lao vào công việc ngay.
Chúng tôi cũng từng thực hiện các dự án thiện nguyện, giúp đỡ cho hơn 1.700 người dân khó khăn, thất nghiệp, không có lương thực, thực phẩm và nhiều phụ nữ mang thai. Hiện, chương trình vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, để có thể hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh hơn nữa.
Dù sức khỏe có phần sa sút hơn trước nhưng tôi vẫn sắp xếp để hoàn thành các công việc bỏ bê trong thời gian nằm viện.
Trên trang cá nhân, anh nói nhiều về sự thay đổi của bản thân, những trải nghiệm sau thời gian chiến đấu với Covid-19. Cụ thể là gì?
- Khi khỏe lại, trong người tôi như có một nguồn năng lượng mới, tích cực và hừng hực, giống như được tái sinh.
Tôi cảm giác cách sống thầm lặng của mình nhiều năm qua là có vấn đề và cần phải thay đổi. Trước đây, tôi rất ngại giao du và kết bạn, kể cả với những người trong nghề. Nhưng bây giờ tôi đã có cái nhìn cởi mở, thoáng hơn trước rất nhiều.
Khi nằm trên giường bệnh, nhiều bạn bè, đồng nghiệp gọi điện hỏi thăm nhưng tôi không thể nghe được cuộc gọi nào vì bệnh tình nguy kịch.
Lúc mở mắt ra, tôi mở điện thoại thấy vô số cuộc gọi nhỡ và biết rất nhiều người thương mình. Đồng nghiệp, bạn bè tìm cách để gửi trái cây, đồ đạc vào bệnh viện hỗ trợ gia đình.
Nếu không có những người bạn nhiệt tình giúp đỡ, có lẽ tôi đã phải điều trị tại nhà và khi ở giai đoạn nguy kịch thì khó vượt qua.
Tất cả ân tình đó, tôi đều khắc ghi trong lòng. Lúc khó khăn, tôi mới thấm thía hết hai chữ tình người.
Về bản thân, tôi cũng có dịp nhìn lại mình. Trước đây, tôi ỷ lại vào sức khỏe và ít tập thể thao. Sau khi mắc bệnh này, tôi đã thay đổi suy nghĩ. Thời gian tới, tôi sẽ tìm tới yoga, ăn nhiều rau xanh.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắn gửi đến các bệnh nhân đang điều trị Covid-19: Mọi người hãy cố gắng lạc quan và bình tĩnh trong mọi trường hợp. Hãy tập thở sâu và đừng sợ hãi cái chết. Nếu mình càng sợ, càng thở gấp và tự đưa bản thân vào sự nguy hiểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.