Xây dựng tiêu chí chất lượng bệnh viện
Tại hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng bệnh viện (BV), PGS –TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (KCB) (Bộ Y tế) cho hay, đến nay, 48 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt viện phí mới, trong đó đa phần đã đi vào thực hiện. 15 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) chưa được phê duyệt, hoãn thời gian thực hiện.
|
Mức độ hài lòng của người bệnh mới chính là “thước đo” chất lượng BV. |
Trước đó, từ tháng 9, Bộ Y tế đã có Chỉ thị 05 yêu cầu quyết liệt các cơ sở y tế tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng KCB trong quá trình thực hiện viện phí mới. Các BV chủ động công khai bảng giá mới, bố trí buồng khám, quầy phát thuốc, nơi thu viện phí để phù hợp với số người bệnh đến khám và giảm tối đa thời gian chờ của người bệnh. Chỉ thị cũng nhấn mạnh sẽ có các hình thức xử lý thích hợp nếu các cơ sở không có sự thay đổi, nâng cao chất lượng KCB.
Tuy nhiên, theo ông Khuê, điều tra sơ bộ về việc thực hiện Chỉ thị 05, mới có 4% số BV tỉnh công khai bảng giá mới, 5,3% mua thêm ghế chờ, 6,6% đầu tư trang thiết bị, 24% xây dựng, sửa chữa phòng chờ, chỉ 13% phát số trong quá trình KCB, 32% mua thêm máy xét nghiệm.
Để có căn cứ “thế nào là chất lượng”, hội nghị đã đưa ra bàn luận về Dự thảo tiêu chí chất lượng BV Việt Nam do Cục KCB xây dựng. Dự thảo gồm 15 tiêu chí hướng đến việc làm hài lòng bệnh nhân và 20 tiêu chí dành cho quản lý và chất lượng chuyên môn của BV. Các tiêu chí đều chia từ mức 1-5. Nếu các BV không có mức 1, đa số đạt mức 4-5 thì được đánh giá tốt, còn mức 3 là chấp nhận được, còn đa số chỉ đạt mức 1-2 thì sẽ không đạt. Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục KCB cho biết: “Từ trước đến nay, Bộ Y tế có nhiều văn bản yêu cầu nâng cao chất lượng BV nhưng chưa có tiêu chí cụ thể. Tiêu chí chất lượng BV Việt Nam chính là thước đo sự nỗ lực phấn đấu của các BV nhằm phục vụ bệnh nhân”.
Chỉ dám nhận mức “chưa tốt”
Với bộ tiêu chí dự thảo này, đa số các giám đốc BV đa khoa tuyến tỉnh được hỏi chỉ nhận mình đang ở mức 2 (mức chưa đạt). Ông Nguyễn Huy Ngọc – Giám đốc BV Đa khoa Phú Thọ cho biết, BV cũng đã xây dựng một tiêu chí giám sát chất lượng BV bao gồm các mục như: Thái độ tiếp đón, chăm sóc, giường nằm, vệ sinh, thuốc men… Và tới 98% số bệnh nhân hài lòng với sự phục vụ của BV. “Tuy nhiên đây chỉ là tiêu chí dựa trên tình hình cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ của BV. Còn nếu đúng như dự thảo tiêu chuẩn thì vẫn chỉ ở mức 2”.
Dự thảo Tiêu chí chất lượng BV sẽ dự kiến hoàn chỉnh và đưa vào áp dụng thử nghiệm từ đầu năm 2013. Đến năm 2014-2015 sẽ áp dụng để “đo” chất lượng các BV.
Còn ông Lê Hữu Quý- Giám đốc BV Đa khoa Ninh Bình cho biết, BV luôn lấy bệnh nhân làm trọng tâm, còn chất lượng BV là người bệnh vào viện khám ra bệnh, chữa khỏi bệnh với một chi phí hợp lý. Còn để đạt tiêu chuẩn “BV tốt” thì còn phải phấn đấu vì kinh phí, nhân lực còn chưa có phép.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, bộ tiêu chí chất lượng BV không quá xa vời với đa số các BV. Trong 11 điều liên quan đến người bệnh có 5-6 nội dung không liên quan đến kinh phí, nhân lực như: Người bệnh được chỉ dẫn rõ ràng; được đón tiếp chu đáo; được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ… “Vấn đề cốt lõi là các BV có chú trọng quan tâm hay không chứ không phải không làm được” – ông Khoa nhấn mạnh. Cũng theo ông Khoa, những năm qua, có khoảng 500 BV xuất sắc toàn diện trên tổng số 1.168 BV.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.