Đất đai - không gian sống

Thứ năm, ngày 05/09/2013 12:21 PM (GMT+7)
Đến tháng 3.2012, cả nước có 267 khu công nghiệp với tổng diện tích 72.000ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 46%, còn 2.880ha bị bỏ trống.
Bình luận 0
Tại 650 cụm công nghiệp, sử dụng 28.000ha, nhưng cũng chỉ lấp đầy 44%, còn 18.000ha bỏ hoang. Nếu tính bình quân năng suất 5,5 tấn/ha, giá lúa bán 5.000 đồng/kg thì 46.800ha đất hoang hóa ấy đã lãng phí 257.400 tấn lúa – một con số kinh hoàng.

Để khắc phục tình trạng trên, cũng từ năm 2012, chính quyền TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Tây Ninh, Cà Mau... đã động viên các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh... vận động hội viên của mình mượn đất để sản xuất. Đã 1 năm qua đi, không có đoàn thể nào có báo cáo. Đã 1 năm qua đi, lau sậy, cỏ khô vẫn ung dung đón gió bốn mùa.

Vì sao người nông dân thiếu đất, thiếu việc làm lại không mượn đất sản xuất?

Bởi tất cả những khu đất hoang hóa ấy, chủ đầu tư đã “đi tắt, đón đầu” bằng việc san lấp vật liệu phế thải gạch, đá, cát hoặc đất có thành phần cơ giới nặng, nghèo dinh dưỡng... với mặt bằng thường cao hơn đất ruộng từ 0,5-1m.

Muốn canh tác trở lại, người nông dân phải mất rất nhiều thời gian và công sức với quy trình cụ thể: Dọn cỏ, nhặt sỏi đá, cày lật, bón vôi, phân hữu cơ liên tục trong 3 năm, luân canh tăng vụ trong 3 năm để khử độc và độ chua phèn của đất... Đó là chưa kể đến kết quả đáng buồn là những năm đầu không thể thu được cho hòa vốn do đất mới cải tạo chưa được phục hóa.

Quay trở lại hàng ngàn đơn thư khiếu tố có nội dung về đất đai hàng năm và vụ cưỡng chế đất ở Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng), chúng ta thấy một chân lý được tái khẳng định: Người nông dân sống không thể thiếu đất hay tách rời đất. Đất không chỉ là “phương tiện”, hay “tài sản”- mà hơn thế, nó là một không gian sống theo cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần.

Không gian đó không chỉ là hạn hữu mà còn bao gồm cả ba chiều kích về thời gian: Quá khứ, hiện tại, tương lai. Đối với văn hóa người Việt, đất đai còn đồng nghĩa với hương hỏa, tổ tiên và dòng họ. Chấp nhận cách nhìn nhận và đặt vấn đề như trên, chúng ta thấy rõ hơn: Vì sao nông dân thiếu đất, thiếu việc làm nhưng không vào khu đất hoang hóa canh tác. Vì sao những quyết định đúng của chính quyền, sự vận động nhiệt thành của các tổ chức đoàn thể nhưng hội viên và người nông dân vẫn làm ngơ.

Bởi vì đất đó, không còn là không gian sống của người nông dân!

Trọng Hoàng (Trọng Hoàng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem