Nghị định 116 về hỗ trợ tiền đóng học phí cho sinh viên đã tạo cú hích cho các trường đào tạo giáo viên, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Tuy nhiên, khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc từ phía địa phương và nhà trường.
Thống kê hàng năm của các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, hiện nay việc thừa - thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó phân bổ ở từng cấp học là khác nhau. Đặc biệt, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới có những môn học mới hoặc từ môn học tự chọn trở thành bắt buộc dẫn đến thiếu hụt một số lượng lớn giáo viên, trong khi không phải địa phương nào cũng có sẵn nguồn tuyển.
Chính vì vậy, phương án đặt hàng đào tạo được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu để cung cấp nguồn tuyển phù hợp. Nhưng trong khi các trường sư phạm sẵn sàng đón nhận, chờ “đơn đặt hàng” thì nhiều địa phương chưa thực sự mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên.
Thực tế, dù Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đặt hàng đào tạo giáo viên đã triển khai sang năm thứ 3, song đến nay ngay cả những cơ sở đào tạo sư phạm lớn của cả nước cũng vẫn nhận được rất ít đơn đặt hàng từ địa phương.
Trường Đại học Sư phạm TPHCM mỗi năm có từ 1.500 đến 1.700 sinh viên lĩnh vực khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên tốt nghiệp ở nhiều ngành đào tạo. Tuy nhiên, từ khi triển khai Nghị định 116 đến nay, mới có 2 địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên là tỉnh Long An và Ninh Thuận, Trong đó, nổi bật trong đặt hàng của 2 địa phương này là đào tạo giáo viên tiểu học có năm lên tới 500 chỉ tiêu.
Hiện nay, các trường đào tạo sư phạm được giao chỉ tiêu dựa trên nhu cầu tuyển dụng giáo viên cũng như đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của nhà trường. Tuy nhiên, do quá ít địa phương đặt hàng nên việc tuyển sinh của nhiều trường cũng chưa đúng, trúng với yêu cầu nguồn nhân lực đặt ra, sinh viên vào học cũng lo lắng về đầu ra nên có những trường chỉ tiêu nhiều nhưng tuyển sinh không được bao nhiêu.
Rà soát để gỡ vướng
Theo Sở GDĐT Hải Phòng, khi thực hiện Nghị định 116, địa phương này có một số vướng mắc, bao gồm việc khó xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên tại địa phương. Hải Phòng là thành phố công nghiệp và dịch vụ nên hàng năm, số lao động từ các tỉnh, thành phố khác về sinh sống, lao động không ngừng tăng. Vì vậy, việc xác định chính xác số học sinh (cho năm học 2025-2026 trở đi) không có cơ sở để thực hiện. Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa quy định chi tiết cơ cấu, định mức giáo viên cho từng ngành học, môn học, vì vậy địa phương không có đầy đủ cơ sở để tính toán nhu cầu số giáo viên cần có.
Để Nghị định 116 thực sự đi vào cuộc sống, GS. TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, cần làm rõ và có hướng dẫn cụ thể về một số vấn đề như quy định cụ thể trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc chi trả đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội - những sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng, hoặc đấu thầu. Hiện Nghị định cũng chưa có quy định cụ thể việc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng dự toán kinh phí gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để thẩm định, giao dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng cần tính đến những vấn đề phát sinh liên quan đến việc bồi hoàn kinh phí nếu sinh viên ra trường không công tác trong ngành sư phạm. Đặc biệt, cần rà soát và đảm bảo dữ liệu giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo từng địa phương, từ đó có cơ sở để đặt hàng đào tạo phù hợp.
Bộ GDĐT cho biết, hiện Bộ đã ghi nhận và đang tổng hợp các vướng mắc, phản ánh của địa phương, các trường trong quá trình triển khai Nghị định 116 để báo cáo Chính phủ sửa đổi cho phù hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.