“Đặt tên” cho Thanh long Uông Bí

Thứ năm, ngày 07/11/2013 06:45 AM (GMT+7)
Là loại cây ăn quả được đưa về Uông Bí chưa lâu, nhưng cây thanh long ruột đỏ trồng tại địa phương này đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Uông Bí”.
Bình luận 0
“Bén duyên” vùng đất Mỏ

Thanh long ruột đỏ xuất hiện ở TP.Uông Bí từ trước năm 2006, do ông Tô Văn Tọa - một nông dân ở khu 5, phường Quang Trung (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) đưa giống từ miền Nam về trồng với diện tích ban đầu là 1.100 trụ/ha. Đến nay, diện tích cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn có khoảng 33ha, tập trung tại các xã, phường như: Quang Trung 10ha, Phương Đông 7ha, Bắc Sơn 6ha, Thượng Yên Công 8ha, Vàng Danh 2ha. Ngoài gia đình ông Tọa, đến nay đã có một số hộ gia đình trồng và phát triển cây thanh long hiệu quả như: Gia đình ông Ngô Văn Tích và bà Đặng Thị Soi tại phường Phương Đông, ông Đoàn Quang Tuệ tại thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công…

Trang trại thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngô Văn Tích (phường Phương Đông) hiện có 1.500 gốc
Trang trại thanh long ruột đỏ của gia đình ông Ngô Văn Tích (phường Phương Đông) hiện có 1.500 gốc

Hiện nay, phát triển cây thanh long tại TP.Uông Bí đang là một định hướng ưu tiên. Dự kiến đến cuối năm 2013, diện tích trồng thanh long của thành phố phát triển thêm 5ha, sản lượng ước tính 20 tấn/ha/năm, doanh thu đạt 600-800 triệu đồng/ha. Chủ trương của Thành ủy và UBND TP.Uông Bí sẽ quy hoạch và phát triển cây thanh long ruột đỏ thành vùng sản xuất hàng hóa tại các xã phường Quang Trung, Phương Đông, Bắc Sơn, Thượng Yên Công, Thanh Sơn, Vàng Danh. Để thực hiện được điều đó, UBND TP.Uông Bí đã xây dựng Đề án “Phát triển và nhân rộng diện tích thanh long ruột đỏ” ở phường Bắc Sơn giai đoạn 2012-2014, theo đó năm 2012 phát triển 4ha, từ 2013-2014 dự kiến phát triển từ 10-15ha.

Sản phẩm thanh long Uông Bí có nhiều đặc tính đặc biệt, đã được chứng minh qua thực tế và rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng sản phẩm này vẫn chưa được đầu tư một cách quy mô, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Việc phát triển cây thanh long vẫn còn manh mún, mang tính tự phát của các hộ gia đình, chưa tạo được mô hình chuẩn cũng như quy trình kỹ thuật chăm sóc cây thanh long cho năng suất cao.

Bắt tay xây dựng “nhãn hiệu chứng nhận”

Để xây dựng và phát triển nhãn hiệu riêng cho thanh long Uông Bí, góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng doanh thu cho người dân địa phương, ngày 26.12.2012, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 3460 triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận thanh long Uông Bí”. Sau đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Phát triển tài sản Trí Tuệ Việt để triển khai thực hiện dự án với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 16 tháng (10.2012 – 12.2013).

Kết quả khảo sát thực địa cho thấy, thanh long được trồng tại TP. Uông Bí có kích thước quả vừa phải (300-400g/quả), vị ngọt đậm mát, ruột đỏ và thơm ngon, hiện cung chưa đủ cầu.

Nội dung của dự án bao gồm: Điều tra, khảo sát, hiện trạng, sản xuất và tiêu thụ; xây dựng các tiêu chí chứng nhận; phân tích chỉ tiêu chất lượng để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; xác định tổ chức chứng nhận; xây dựng logo sản phẩm; lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận; xây dựng tổ chức chứng nhận quản lý sản phẩm; xây dựng các quy trình, quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận; tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, các quy chế, quy trình quản lý sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; quản lý sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận; tổ chức, củng cố và tăng cường tổ chức chứng nhận; phát triển thị trường sản phẩm và truyền thông quảng bá sản phẩm; thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thanh long Uông Bí; xây dựng vùng quy hoạch sản phẩm đến năm 2020.

Để hỗ trợ tăng cường năng lực cho công tác quản lý nhãn hiệu, trong tháng 9.2013, Hội Sản xuất và kinh doanh thanh long Uông Bí đã được thành lập với 30 hội viên. Các hội viên được hỗ trợ tập huấn, trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, quy trình sản xuất, kỹ thuật tạo giống, trồng và chăm sóc thanh long, thu hoạch và bảo quản, phát triển thị trường và một số đầu mục hỗ trợ khác.

Với những bước xây dựng thương hiệu như trên, hy vọng sau một thời gian nữa, “Thanh long Uông Bí” sẽ trở thành thương hiệu nông sản uy tín, đem lại thu nhập cao hơn cho người trồng thanh long ở Uông Bí; góp phần hình thành vùng nông sản tập trung của Quảng Ninh.

Giang thủy (Giang thủy)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem