Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm là 1 trong số 3.660 bác sĩ ở các bệnh viện T.Ư đi tăng cường “3 cùng” với lực lượng y tế địa phương. Với anh, đây là thời gian quý báu để rèn tay nghề, đồng thời cũng để chuyển giao kỹ năng, kinh nghiệm xử trí ca bệnh khó cho tuyến cơ sở.
“Tay không bắt giặc”
|
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm đang chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. |
“Giặc” ở đây chính là virus, vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm làm nên những ca bệnh quái gở, không theo một dấu hiệu nào, và nếu không có bề dày kinh nghiệm, cộng với sự nhạy cảm trời phú trong nghề nghiệp thì không thể “bắt” được.
Trong đợt công tác tại Tuyên Quang cuối năm 2010, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm gặp ca bệnh hy hữu. Một công chức nữ, 28 tuổi, nhập BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng không khép được chân bởi “chỗ ấy” của chị bị sưng rất to.
Đầu tiên chị được đưa vào khoa sản và được chẩn đoán là viêm tuyến báctôlanh. Sau đó, kết quả xét nghiệm chị có HIV nên được chuyển sang khoa truyền nhiễm. Lúc tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ Lâm lấy làm lạ và trộm nghĩ “quái, làm gì có viêm tuyến báctôlanh nào lồi ra ngoài như thế”. Khám kỹ cho bệnh nhân thì anh thấy nghi ngờ của mình là đúng, bệnh nhân bị lên nhọt to “chỗ ấy” là do viêm tụ cầu. Bắt được nguyên nhân bệnh, bác sĩ Lâm cho thuốc đặc trị trong điều kiện của BV địa phương có. Kết quả, sau 3 ngày, “chỗ ấy” của bệnh nhân đã hết sưng!
Còn trong đợt nằm vùng tại BV Đa khoa tỉnh Điện Biên năm 2009, bác sĩ Lâm cũng gặp bệnh nhân đặc biệt. Một anh bộ đội 28 tuổi, đang khoẻ mạnh, bỗng dưng sốt 2 ngày co giật, sau đó bị “dở hơi”, lúc tỉnh lúc mê.
Bệnh nhân vào viện được chẩn đoán bị viêm gan vì có triệu chứng lâm sàng vàng mắt. Khi bác sĩ Lâm khám lại cho bệnh nhân đã có nghi ngờ bệnh khác, bởi vì nếu mắc bệnh gan nặng thì gan phải teo, đằng này gan bệnh nhân khá to. Nghi ngờ bệnh nhân mắc sốt rét, anh Lâm đã đề nghị lấy máu soi nhưng không tìm thấy ký sinh trùng gây bệnh. Tiếp tục khám kỹ bệnh nhân, anh không phát hiện nhiễm trùng cơ quan nào khác nên vẫn đi theo hướng bệnh nhân bị sốt rét và quyết định cho thuốc đặc trị sốt rét. Sau 2 ngày bệnh nhân khỏi, cả bệnh viện lẫn người nhà “thở phào”.
Không bệnh nhân nào phải chuyển tuyến
Thực hiện Đề án 1816, đã có trên 3.660 lượt cán bộ BV Trung ương đi luân phiên, chuyển giao trên 2.500 kỹ thuật. Trong đó, 90% kỹ thuật BV tuyến dưới đã làm tốt; 7,37% kỹ thuật chưa làm tốt cần hỗ trợ tiếp và 2,53% kỹ thuật không làm được do thiếu cán bộ tiếp nhận, điều kiện trang thiết bị chưa tốt...Ông Lương Ngọc Khuê -
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Trường hợp bệnh nhân không theo quy luật của bệnh như trên rất hay phải chuyển đến tuyến Trung ương. Tuy nhiên, trong suốt thời gian công tác tại Điện Biên cũng như Tuyên Quang (6 tháng), 100% bệnh nhân đều được “giải quyết” tại chỗ. “Nếu họ xuống BV Trung ương, tôi lại phải theo bệnh nhân về chữa thôi” - anh Lâm đùa.
Nhưng điều đáng nói, trong điều kiện cơ sở vật chất của địa phương miền núi, vùng cao còn rất thiếu, chưa có các xét nghiệm chẩn đoán cao, cộng với thuốc đặc trị không nhiều, chủ yếu là thuốc nội thì việc chữa được các ca bệnh đặc biệt khó như vậy là rất đáng nể.
Bác sĩ Lâm nói: “Tại các địa phương miền núi, Labo chẩn đoán bệnh truyền nhiễm dường như là con số 0. Ví dụ soi sốt rét, soi lao không có, không có nuôi cấy tế bào, xét nghiệm PCR…”.
Do vậy, những bệnh nhân phát bệnh hơi ngược với quy luật thì bác sĩ phải rất nhạy cảm, dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp để bắt “giặc”, bắt đúng bệnh để đưa ra biện pháp điều trị đúng.
Hồng Hoa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.